Hôm nay, 14/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe báo cáo và cho ý kiến về kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV.
Trưởng Ban dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho biết từ trước kỳ họp thứ 7, cử tri nhiều địa phương kiến nghị làm rõ trách nhiệm của Bộ GD&ĐT trong việc xảy ra gian lận thi cử tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2018.
|
Bà Nguyễn Thanh Hải cho rằng Bộ cần tiếp tục rà soát, công khai những sai sót trong phần mềm chấm thi. |
Trả lời cử tri, Bộ GD&ĐT nhận trách nhiệm về quy trình kỹ thuật (gồm phần mềm chấm thi; công tác quán triệt quy chế thi; công tác thanh tra), Bộ đã tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và đề ra giải pháp khắc phục.
"Tuy nhiên, trả lời không nêu rõ có cá nhân, đơn vị nào vi phạm, mức độ vi phạm và xử lý như thế nào? Cử tri cho rằng vụ gian lận thi cử năm 2018 vừa qua, nhìn chung các địa phương, đặc biệt là Hòa Bình và Sơn La đã xử lý nghiêm khắc, đủ sức răn đe đối với cán bộ, đảng viên có vi phạm" - bà Hải nói.
Trưởng ban Dân nguyện nhận định những sai phạm chủ yếu là do lỗi chủ quan của cán bộ giáo dục tại một số địa phương, tuy nhiên Bộ GD&ĐT là cơ quan chịu trách nhiệm cao nhất về cả kỳ thi nói chung, là đơn vị tổ chức kỳ thi do chính mình xây dựng. “Nhưng thực tế cho thấy Bộ còn chưa kiểm soát tốt được toàn bộ tình hình diễn biến trong kỳ thi năm 2018, đặc biệt là quá trình chấm thi” - bà nhận định.
Bà Nguyễn Thanh Hải cũng cho biết với kỳ thi năm 2019, cử tri đánh giá cao công tác chuẩn bị và tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc. Tuy nhiên, cử tri còn băn khoăn về trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ GD&ĐT trong kỳ thi năm 2018 và mong muốn Bộ GD&ĐT khẩn trương tiếp tục rà soát, xử lý những vi phạm tại kỳ thi năm 2018 nếu có, để đảm bảo tính nghiêm minh, công bằng của pháp luật.
Góp ý báo cáo này, ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng thư ký Quốc hội, cho biết việc xử lý cán bộ liên quan đến sai phạm thi cử ở Hà Giang vừa qua cử tri cho rằng chưa thuyết phục, việc né tránh trách nhiệm tương đối nhiều.
Theo Viết Long/Pháp Luật TP HCM