Đã hơn một năm trôi qua từ ngày xảy ra vụ gian lận thi cử THPT Quốc gia 2018 tại Hà Giang nhưng đến nay, dư luận vẫn vô cùng khó hiểu khi tỉnh Hà Giang không có động thái quyết liệt xử lý hàng trăm phụ huynh có thí sinh được can thiệp điểm thi.
Mới đây, ngày 12/8, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Hà Giang đã có báo cáo đề xuất số 52 gửi Thường trực Tỉnh ủy Hà Giang chỉ đạo cấp, cơ quan, đơn vị có thẩm quyền xử lý 210 bố, mẹ của 107 thí sinh được nâng điểm theo quy định hiện hành.
Tuy nhiên, đến nay, ngoài việc Ủy ban Ban kiểm tra Tỉnh ủy Hà Giang cũng yêu cầu các cán bộ có con em nằm trong danh sách sửa điểm thi phải làm giải trình để làm rõ trách nhiệm, có hay không sự can thiệp vào việc sửa điểm của người thân thì tỉnh Hà Giang vẫn “bặt vô âm tín” chưa có bất cứ động thái quyết liệt nào cho vấn đề này.
|
Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang. |
Thực tế này trái ngược với việc Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang – Nguyễn Văn Sơn từng mạnh mẽ phát ngôn: “Tỉnh ủy kiên quyết xử lý những cán bộ, đảng viên có con được nâng điểm trong vụ gian lận thi cử năm 2018” với tinh thần “không có vùng cấm”.
Dư luận bức xúc, trong khi hai tỉnh Sơn La và Hòa Bình đã công bố danh sách những phụ huynh và tiến hành xử lý kỷ luật các cán bộ Đảng viên vi phạm quy định về trách nhiệm nêu gương thì tại Hà Giang đến nay chỉ có duy nhất hai cái tên được nhắc đến có con được can thiệp điểm thi là ông Phạm Văn Khuông - Nguyên phó giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Hà Giang và ông Triệu Tài Vinh - nguyên bí thư Tỉnh ủy Hà Giang, hiện là Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương.
Ngoài ra, những phụ huynh khác chỉ được thông tin chung chung như hiện đều đang sinh sống, làm việc trong các cơ quan sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh Hà Giang hoặc làm nghề nông nghiệp, kinh doanh, lao động tự do... tại tỉnh Hà Giang và một số địa phương khác, trong đó có nhiều vị đang đảm nhiệm vị trí quan trọng tại các cơ quan, tổ chức.
Ngay nguyên Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy Hà Giang Lê Quang Triều khi trao đổi với báo chí cũng cho rằng, theo Điều lệ Đảng, theo quy định “19 điều đảng viên không được làm”, việc xem xét trách nhiệm đối với các cán bộ, đảng viên có con em liên quan đến vụ việc này là việc nên làm và cần thiết phải làm. Như thế mới đảm bảo tính công bằng, dân chủ và sự nghiêm minh trước pháp luật.
Dù biết rằng, việc xử lý phụ huynh có con sửa điểm thi cần được làm thận trọng, chính xác nhưng cũng phải công tâm và nhanh chóng công khai kết quả xử lý để xã hội tin tưởng, người dân có niềm tin vào sự công bằng của pháp luật.
Đồng thời, tỉnh Hà Giang cũng cần có những động thái để cho dư luận biết rằng họ đang tích cực xử lý chứ không phải sự im lặng đến kỳ lạ khiến dư luận nghi ngờ về việc “không có vùng cấm” như lời lãnh đạo tỉnh này từng tuyên bố.
Dư luận đặt câu hỏi với Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang, phải chăng trong danh sách những phụ huynh có con được nâng điểm, ngoài cựu Bí thư tỉnh Hà Giang Triệu Tài Vinh thì có những phụ huynh đảm nhiệm vị trí quan trọng của cơ quan, tổ chức nên tỉnh này không dám động đến. Liệu đó có phải là “vùng cấm” dẫn đến chậm trễ trong việc xử lý kỷ luật?
Bởi thực tế, sẽ thật khó xử khi ngay con cựu Bí thư Tỉnh ủy cũng được can thiệp nâng điểm thi mà để xử lý các phụ huynh một cách nghiêm túc phải bắt đầu từ việc xử lý ông Triệu Tài Vinh như một người phải gương mẫu đi đầu. Dù ông Triệu Tài Vinh đến nay không còn đảm nhiệm chức vụ Bí thư tỉnh Hà Giang và chiếu theo quy định nêu gương thì không thể kiểu “tôi thì dư luận đã phán xét xong rồi”. Tuy nhiên, thực tế, vẫn là việc khó xử với lãnh đạo tỉnh Hà Giang? Chưa kể nhiều phụ huynh giữ vị trí quan trọng tại tỉnh này dẫn đến việc xử lý này bị…vướng?
Thậm chí, dư luận nghi ngờ việc chậm trễ xử lý các phụ huynh có con được can thiệp điểm thi để sự việc chìm dần. Bởi ngay trong quá trình điều tra, Cơ quan An ninh điều tra dù đã áp dụng tất cả biện pháp theo quy định của pháp luật nhưng không thu thập được chứng cứ để chứng minh có yếu tố vụ lợi trong vụ án, đã đấu tranh với gia đình các thí sinh nhưng không gia đình nào khai nhận có đưa tiền hoặc lợi ích vật chất khác có giá trị để nhờ nâng điểm và việc Nguyễn Thanh Hoài và Vũ Trọng Lương đều khai chỉ giúp nâng điểm do mối quan hệ quen biết, bạn bè, người thân...
Ai cũng biết, nếu không có dấu hiệu của việc “vụ lợi” mà chỉ vì mối quan hệ quen biết thì rất khó để các cán bộ như Nguyễn Thanh Hoài, Vũ Trọng Lương lại làm việc “tày trời” giúp nâng điểm với 107 thí sinh với tổng số bài thi được nâng là 309 bài thi?
Nếu không vụ lợi thì cũng khó có động cơ để bà Triệu Thị Chính – Phó Giám đốc Sở Giáo dục Hà Giang khi đó và bà Lê Thị Dung - Phó đội trưởng Đội Giáo dục đào tạo, Y tế, Lao động xã hội thuộc Phòng An ninh chính trị nội bộ (Công an tỉnh Hà Giang) lại tiến hành đề nghị sửa điểm cho nhiều thí sinh đến như thế?
Không có căn cứ việc đưa, nhận tiền để can thiệp điểm thi cũng đồng nghĩa với việc hàng trăm phụ huynh sẽ vẫn “vô cùng an toàn” và có lẽ sự an toàn ấy được đảm bảo khi đến bây giờ việc xử lý về mặt Đảng với các phụ huynh là cán bộ Đảng viên vẫn nín thinh như kiểu “đã xong rồi”.
Dư luận đặt tiếp câu hỏi, nếu không phải những trường hợp trên thì Chủ tịch Hà Giang muốn gì khi chưa “xử” bố mẹ 107 thí sinh được can thiệp, nâng điểm thi?
Bởi thực tế, việc xử lý cán bộ sai phạm trong kỳ thi sẽ không thể triệt để, thượng tôn pháp luật nếu không xử lý những phụ huynh có con được can thiệp, nâng điểm thi.
Dư luận cho rằng, nếu lãnh đạo tỉnh Hà Giang thiếu nghiêm túc, thiếu kiên quyết trong việc xử lý kỷ luật những cán bộ có con được nâng điểm trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2018, các cơ quan chức năng của Đảng và Trung ương cần vào cuộc kiểm tra, điều tra, kết luận và xử lý kỷ luật những cán bộ sai phạm này. Có như thế pháp luật mới được thượng tôn và người dân mới có niềm tin về việc “không có vùng cấm” trong xử lý cán bộ, Đảng viên suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, vi phạm quy định nêu gương.
Thiên Nga