Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã chính thức điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện bình quân lên 2.103,11 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế VAT) từ ngày 11/10. Mức tăng này tương đương 4,8% so với giá điện bán lẻ bình quân hiện hành. Đồng thời, biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt cũng được điều chỉnh tăng. Bộ Công Thương cũng đã ban hành Quyết định quy định về giá bán điện. Báo cáo hoạt động kinh doanh của EVN, trong năm 2023, tập đoàn này đã lỗ hơn 21.800 tỷ đồng.
Các chuyên gia kinh tế: PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, nguyên Trưởng Khoa Tài chính Quốc tế - Học viện Tài chính; TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM); ông Vũ Vinh Phú, nguyên Phó giám đốc Sở Thương mại, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội trao đổi với Tri thức và Cuộc sống nhấn mạnh, giá điện tăng sẽ lập tức kéo theo giá hàng hóa leo thang.
Mới đây, EVN điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện bình quân với mức mới là2.103,11 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế VAT) từ ngày 11/10, tương đương mức tăng 4,8%, chuyên gia nhìn nhận gì về mức tăng này?
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Theo tôi, EVN tăng giá điện thêm 4,8% là mức vừa phải, phù hợp với điều kiện hoàn cảnh hiện nay của tình hình kinh tế vĩ mô của đất nước và mức độ lạm phát hiện nay. Mức tăng này tôi đánh giá là hợp lý chứ không phải quá cao.
TS Lê Đăng Doanh: Tôi cho rằng, việc EVN tăng giá điện cũng là việc bất khả kháng. Bởi vì các nguyên liệu đầu vào của EVN đều tăng. EVN đứng vào tình thế không thể không tăng giá điện.
Thưa chuyên gia, EVN lỗ nặng trong các năm qua, việc tăng giá điện có giúp EVN thoát lỗ?
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Thực tế giá bán điện năm 2024 hiện đang thấp hơn giá thành sản xuất và mua điện của EVN khoảng 6,92%. Vì lẽ đó, trong năm 2024, EVN lỗ rất lớn. Như vậy, rõ ràng mức tăng giá điện này vẫn chưa đủ bù đắp giá thành so với chênh lệch của giá bán, kéo theo hệ lụy là EVN còn tiếp tục phải chịu lỗ lâu dài. Việc tính đúng, tính đủ thực hiện kinh tế thị trường trong nền kinh tế quốc dân của chúng ta sẽ còn gặp nhiều khó khăn. Đây là một lĩnh vực cực kỳ quan trọng vì cung cấp năng lượng cho toàn bộ sản xuất và đời sống của Nhân dân.
Thực tế, tính toán thời điểm tháng 8-9, giá mua điện bình quân đang cao hơn giá bán điện bình quân khoảng 6%. Nếu để EVN thoát lỗ, mức tăng phải trên 6%. Tuy nhiên, mức tăng giá điện phải cân đối hài hòa giữa nhiều yếu tố an sinh xã hội, đời sống nhân dân và nền kinh tế. Một thực tế bất cập trong cơ chế bù chéo giá điện, tức giá điện sản xuất của Việt Nam đang ở mức rất thấp, nhưng với ưu đãi này, doanh nghiệp FDI lại được hưởng lợi. Đây cũng có thể là lý do gây lỗ lớn thời gian qua của EVN.
Thực tế, chúng tôi vẫn nói, EVN đang là đơn vị chịu sức ép rất lớn do tính đa mục tiêu của giá điện. Bởi EVN phải mua giá điện theo giá thị trường, thậm chí phải mua theo giá chỉ đạo của Nhà nước, ví dụ như điện gió, điện mặt trời…hiện đang mua theo giá ưu đãi rất cao mà Nhà nước quy định. Tuy nhiên, đầu bán ra lại phải bán với giá thấp cho những hộ gia đình nghèo, sử dụng dưới 100kWh/tháng. Đây là chính sách an sinh xã hội của Nhà nước. Đồng thời, EVN cũng phải bán điện giá rẻ cho khu vực sản xuất kinh doanh. Do đó, EVN đang lỗ lớn so với giá thành mà EVN mua của các doanh nghiệp, nhà sản xuất điện.
Người dân dùng điện sinh hoạt và các hộ kinh doanh, doanh nghiệp sẽ phải trả thêm bao nhiêu tiền?
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú: Theo tính toán của EVN, với mức tăng 4,8%, các hộ sử dụng từ 200-300kWh/tháng sẽ làm tăng thêm chi phí điện từ 32.000 đồng/tháng; các hộ sử dụng từ 300-400kWh/tháng sẽ làm các hộ tăng thêm chi phí tiền điện khoảng 47.000 đồng/tháng; các hộ sử dụng từ 400kWh/tháng trở lên sẽ làm mức tăng chi trả khoảng 62.000 đồng/tháng. Hiện cả nước có trên 17,4 triệu hộ khách hàng sử dụng dưới 200kWh/ tháng, sẽ làm chi phí mỗi hộ tăng thêm 13.800 đồng/tháng.
Điện là nguyên liệu sản xuất đầu vào, nên khi giá tăng ảnh hưởng tới chi phí của các doanh nghiệp. Theo đó, với mức tăng trên, chi phí tăng thêm bình quân mỗi tháng của nhóm khách hàng dùng điện kinh doanh dịch vụ là 247.000 đồng; sản xuất 499.000 đồng và hành chính sự nghiệp 91.000 đồng.
Hiện cả nước có 547 nghìn khách hàng kinh doanh, dịch vụ, như vậy với mức tăng 4,8%, mỗi hộ bình quân tăng 247.000 đồng/tháng; 1,921 triệu hộ sản xuất tiền điện sẽ tăng thêm bình quân mỗi hộ khoảng 499.000 đồng/tháng; khoảng 691.000 khách xí nghiệp thì các khách hàng sẽ chi trả tăng thêm khoảng 91.000 đồng/tháng.
Giá cả hàng hoá thông thường sẽ bị giá điện tăng, đẩy tăng cao, lần này có vậy?
TS. Lê Đăng Doanh: Chắc chắn giá điện tăng sẽ tác động đến tất cả các sản phẩm khác của hàng hóa mà phải dùng điện. Tăng giá điện sẽ làm gia tăng chỉ số giá cả còn chỉ số giá cả tăng bao nhiêu phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó, giá điện tăng, hàng hóa, sản phẩm sử dụng điện sẽ tăng. Tôi cho rằng, không chỉ các sản phẩm sản xuất mà ngay cả mớ rau, bát phở cũng sẽ tăng giá và người dân sẽ cảm nhận được sự tăng giá này sớm.
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú: Việc tăng giá điện sẽ kéo theo sự tăng giá của hàng hóa là điều chắc chắn. Không ai có thể nói tăng giá điện 4,8% là hài hòa và hàng hóa không tăng. Bởi giá điện cùng giá xăng tăng sẽ vào giá thành của nhà máy, của vận chuyển, và tăng vào hàng hóa, vào từng gia đình. Giá điện tăng, giá xăng tăng, mỗi thứ một tý nhưng đều leo vào giá hàng hóa. Thậm chí có những sản phẩm, hàng hóa khi giá điện tăng không leo trực tiếp vào giá hàng hóa, nhưng họ sẽ giảm trọng lượng, giảm chất lượng, thay đổi mẫu mã, bao bì. Câu chuyện phạm trù về giá rất phức tạp, đòi hỏi Nhà nước phải chặt chẽ. Ở các nước khi chạm vào hàng hóa thiết yếu, họ chặn giá trần ngay, do đó khi tăng giá điện, cũng đòi hỏi sự quản lý chặt chẽ về việc tăng giá hàng hóa.
Năm hết Tết đến, khi kinh tế còn ảm đạm, việc tăng giá điện vào thời điểm này có phù hợp?
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Tôi cho rằng, việc tăng giá điện thêm 4,8% là mức vừa phải và sẽ không tác động lớn đến lạm phát cả năm, đặc biệt khi tăng trong giai đoạn cuối năm thì chỉ ảnh hưởng khoảng 0,04%. Thực tế hiện nay, lạm phát vẫn ở mức ổn định. Trong tháng 10, 11, lạm phát thậm chí có thể giảm nhẹ.
Vẫn câu hỏi: sao vẫn chưa thực hiện “chống độc quyền ngành điện”? Có nên chăng coi điện như mặt hàng viễn thông, người tiêu dùng được lựa chọn các gói cước viễn thông như với “ông điện”?
TS Lê Đăng Doanh: Tôi luôn hoan nghênh sự cạnh tranh, tôi mong sẽ có các tổ chức thiết chế để cho thực hiện cạnh tranh trong thị trường điện. Việc cạnh tranh luôn giúp các doanh nghiệp xem xét với các đối thủ của mình và tự hoàn thiện mình. Đó là một trong những ưu điểm của kinh tế thị trường.
Xin cảm ơn các chuyên gia về cuộc trao đổi trên!