Giá điện vừa được điều chỉnh tăng lên hơn 2.100 đồng/kWh

Google News

Theo đó, sẽ có hàng chục triệu khách hàng bị tác động và nhóm đơn vị sản xuất sẽ phải trả thêm khoản tiền nhiều nhất khi giá điện tăng.

Từ 11/10, giá bán lẻ điện bình quân tăng từ mức 2.006,79 đồng/kWh lên mức 2.103,1159 đồng/kWh (chưa bao gồm VAT), tương đương tăng 4,8%. Và với việc điều chỉnh lần này, giá bán lẻ điện bình quân tăng thêm hơn 96,32 đồng/kWh.

Đối tượng nào bị tác động sau khi điều chỉnh giá điện tăng?

Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), giá điện tăng lần này tác động đến các đối tượng khách hàng khác nhau, phụ thuộc vào mức tiêu thụ và hành vi sử dụng điện của từng nhóm. 

Với nhóm khách hàng ngoài sinh hoạt gồm:

Đơn vị kinh doanh dịch vụ có khoảng 547.000 khách hàng, trung bình mỗi tháng trả 5,17 triệu đồng tiền điện. Sau điều chỉnh, mỗi tháng khách hàng ở nhóm này sẽ trả thêm khoảng 247.000 đồng.

Đơn vị sản xuất có 1,921 triệu hộ, trung bình mỗi tháng trả 10,38 triệu đồng. Sau điều chỉnh, tiền điện tăng thêm 499.000 đồng/tháng. Đây cũng là nhóm khách hàng chịu tác động lớn nhất trong đợt điều chỉnh giá điện lần này.

Đơn vị hành chính sự nghiệp có khoảng 691.000 khách, trung bình mỗi tháng trả 1,93 triệu đồng. Sau điều chỉnh, số tiền phải trả tăng thêm 91.000 đồng/tháng.

Gia dien vua duoc dieu chinh tang len hon 2.100 dong/kWh
 

Ở nhóm khách hàng sinh hoạt, EVN cho biết, tỷ lệ sử dụng điện hiện được phân chia theo các bậc thang tiêu thụ, từ thấp đến cao.

Theo đó, đối với các hộ gia đình sử dụng điện dưới 50 kWh, mức tiền điện phải trả tăng thêm khoảng 4.350 đồng/hộ/tháng.

Nhóm hộ sử dụng từ 51-100 kWh, mức tiền điện tăng thêm khoảng 8.850 đồng/hộ/tháng.

Nhóm hộ sử dụng từ 101-200 kWh (chiếm 34,31% số hộ sinh hoạt, là nhóm khách hàng lớn nhất), mức tiền điện tăng thêm khoảng 19.250 đồng/hộ/tháng.

Nhóm hộ sử dụng điện từ 201-300 kWh, mức tiền điện tăng thêm khoảng 32.350 đồng/hộ/tháng.

Nhóm hộ sử dụng điện từ 301-400 kWh, mức tiền điện tăng thêm khoảng 47.050 đồng/hộ/tháng.

Nhóm hộ sử dụng điện từ 400 kWh trở lên, mức tiền điện tăng thêm khoảng 62.150 đồng/hộ/tháng.

Gia dien vua duoc dieu chinh tang len hon 2.100 dong/kWh-Hinh-2
 

Hiện nay, tổng số khách hàng sinh hoạt sử dụng điện từ 200 kWh/tháng trở xuống là 17,41 triệu hộ, tương đương 61,35% tổng số hộ sử dụng điện sinh hoạt. Theo tính toán của EVN, tiền điện tăng thêm bình quân của mỗi hộ tiêu thụ từ 200 kWh/tháng trở xuống là 13.800 đồng/hộ.

Như vậy, mức tác động đến khách hàng sinh hoạt phổ biến (tiêu thụ dưới 200 kWh/tháng) ở mức vừa phải, trong khi các nhóm khách hàng tiêu thụ điện cao hơn sẽ chịu mức tăng đáng kể hơn.

Gia dien vua duoc dieu chinh tang len hon 2.100 dong/kWh-Hinh-3
 

Giá than, dầu, khí… tăng nên giá điện phải tăng

Việc điều chỉnh tăng giá điện lần này, EVN cho biết, họ dựa trên 3 cơ sở quan trọng. Cụ thể, ở định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó có yêu cầu “áp dụng giá thị trường đối với mọi loại hình năng lượng” và “xoá bỏ mọi rào cản để bảo đảm giá năng lượng minh bạch do thị trường quyết định”.  

Việc điều chỉnh giá bán lẻ lần này cũng được thực hiện theo Quyết định số 05 ngày 26/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ Quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân. 

Ngoài ra, giá thành sản xuất điện chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố đầu vào về sản lượng điện phát, giá than, dầu, khí, tỷ giá ngoại tệ…

EVN cho rằng, đối với các yếu tố đầu vào nêu trên khi có biến động lớn sẽ tác động lớn đến giá thành khâu phát điện (chiếm 83% giá thành) cũng như giá thành điện thương phẩm. 

Gia dien vua duoc dieu chinh tang len hon 2.100 dong/kWh-Hinh-4
Giá thành sản xuất điện chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố đầu vào về sản lượng điện phát, giá than, dầu, khí, tỷ giá ngoại tệ… (Ảnh: Hoàng Giám) 

Theo đó, năm 2023, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và hiện tượng El Nino dẫn tới tình hình thủy văn không thuận lợi, nước về các hồ thủy điện rất thấp nên vào thời kỳ cuối mùa khô (từ giữa tháng 5 đến giữa tháng 6), hầu hết các hồ thủy điện lớn miền Bắc đã suy giảm về mức nước chết. 

Một số tổ máy nhiệt điện lớn bị sự cố kéo dài, không đảm bảo khả dụng để huy động theo nhu cầu hệ thống, nắng nóng diễn ra trên diện rộng và kéo dài... Do đó, EVN phải huy động tối đa các nguồn nhiệt điện, kể cả phát dầu để đảm bảo việc cung cấp điện cho đời sống nhân dân và hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp cả nước.

Tỷ trọng nguồn điện năm 2023 diễn biến theo chiều hướng bất lợi. Trong đó, các nguồn có giá mua rẻ là thủy điện giảm từ 38% xuống 30,5%, tỷ trọng các nguồn điện có giá mua đắt (nhiệt điện than) và giá mua rất đắt (nhiệt điện dầu) tăng từ 35,5% lên 43,8%, EVN cho hay.

Bên cạnh đó, nhu cầu phụ tải tăng cao qua các năm, trong khi không có nhiều công trình nguồn điện mới giá rẻ vào vận hành. Tổng sản lượng điện mua, nhập khẩu tại điểm giao nhận tăng thêm 11,8 tỷ kWh so với năm 2022, tương ứng với mức tăng 4,6%. 

Để đáp ứng nhu cầu điện tăng cao trong khi các nguồn điện giá rẻ hiện hữu chỉ đáp ứng được một phần, EVN phải mua điện bổ sung từ các nguồn có giá thành sản xuất cao hơn nhiều so với giá bán lẻ điện như các nguồn nhiệt điện sử dụng than nhập khẩu và nhiệt điện dầu.

Đáng chú ý, giá các loại nhiên liệu than, khí năm 2023 mặc dù giảm so với năm 2022 tuy nhiên vẫn ở mức cao so với năm 2020 và 2021.

Cùng với đó, giá than pha trộn của TKV và TCT Đông Bắc cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện vẫn duy trì ở mức cao hơn từ 29-35% so với năm 2021 và có sự điều chỉnh việc sử dụng than pha trộn của các nhà máy nhiệt điện từ than rẻ hơn sang than có giá cao hơn.

Ngoài ra, tỷ giá ngoại tệ (USD) tăng mạnh trong năm 2023 so với năm 2022 đã làm tăng chi phí mua điện từ các nguồn điện có giá mua theo hợp đồng bằng ngoại tệ (USD) hoặc giá mua nhiên liệu bằng ngoại tệ (USD), EVN cho hay,

Trước đó, Bộ Công Thương công bố nội dung về kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2023 của EVN. Theo đó, hoạt động sản xuất kinh doanh điện năm 2023 và các hoạt động liên quan đến sản xuất kinh doanh điện của EVN lỗ hơn 21.821 tỷ đồng.

Số liệu kiểm tra liên ngành được công bố cho thấy, giá thành điện là 2.088 đồng/KWh và giá bán bình quân 1.953 đồng/KWh. Tức, giá thành điện đã cao hơn giá bán điện bình quân là 6,92%. 

Hộ nghèo và hộ gia đình chính sách được hỗ trợ khoảng 62.500 đồng tiền điện/tháng

Chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với các hộ nghèo và hộ chính sách xã hội về vấn đề tiền điện hiện nay được thực hiện theo Quyết định số 28 ngày 07/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ. 

Theo đó, các hộ nghèo được hỗ trợ tiền điện hàng tháng tương đương với lượng điện sử dụng 30kWh/hộ/tháng.

Các hộ chính sách xã hội sử dụng điện không quá 50 kWh/tháng, mức hỗ trợ cũng tương đương với số lượng điện sử dụng 30kWh/hộ/tháng.

Mức hỗ trợ hộ nghèo hộ và hộ chính sách (áp dụng theo quyết định 2941/QĐ-BCT ngày 08/11/2023 của Bộ Công Thương) là 59.500 đồng/hộ/tháng. Nếu áp dụng theo giá mới thì mỗi hộ nghèo được hỗ trợ tiền điện là khoảng 62.500 đồng/tháng.

Theo VietNamNet