- Nhiều ý kiến cho rằng, cần nhanh chóng xây thêm nhiều tuyến đường sắt trên cao khắp thủ đô để giảm ùn tắc? Song dự án Cát Linh – Hà Đông đang triển khai đã để lại quá nhiều hậu quả như chậm tiến độ, đội vốn gấp nhiều lần, liệu TP Hà Nội có nên tiếp tục triển khai đường sắt trên cao nữa không?
Phát triển giao thông công cộng là rất tốt, rất thuận lợi cho người dân, giảm ùn tắc. Nhưng việc tổ chức, điều hành thu hút được người ta đi thế nào lại càng quan trọng hơn. Đối với dự án Cát Linh – Hà Đông, nếu vì bỏ ra mấy chục nghìn tỷ mà dân đi ít thì đó là điều góp phần gây nên nguy cơ vỡ nợ, Nhà nước bỏ tiền ra nhưng không tạo ra hiệu quả.
Song, cái gì cũng có hai mặt của nó, không phải vô cớ mà người ta bỏ ra chi phí hàng trăm triệu đô la để xây dựng tuyến tàu sắt.
Nếu trong một đô thị với gần 10 triệu dân như Hà Nội và dự báo mỗi ngày có khoảng 12 đến 15 triệu lượt người đi lại chằng chịt, dày đặc… nếu thành phố mà ùn tắc sẽ gây thiệt hại như thế nào cho đất nước?
Do vậy, buộc người ta phải đầu tư những công trình hết sức đắt, nó buộc lòng phải có ở một đô thị hiện đại. Tuy nhiên, việc quy hoạch, triển khai phải tính toán thật kỹ vì 1 đồng cũng là tiền thuế của nhân dân, phải dùng đồng tiền thuế ấy làm sao cho hiệu quả.
Hà Nội nên có ít nhất khoảng 2 - 3 tuyến tàu trên cao và tàu điện ngầm. Nhưng cần phải bố trí liên kết phù hợp với các điểm xe buýt, taxi cùng với phương tiện công cộng, cá nhân hợp lý.
Việc lựa chọn nhà thầu Trung Quốc trong dự án Cát Linh – Hà Đông, tôi cho rằng là bất khả kháng, cứ tưởng là rẻ nhưng hóa ra rất đắt. Nhiều khi còn nhiều rắc rối và sẽ còn nhiều trục trặc nữa. Trung Quốc đúng là nước phát triển nhưng chưa phải ở trình độ mà chúng ta quá đặt lòng tin vào.
Tóm lại, việc phát triển giao thông công cộng là rất cần thiết, nhất là các tuyến tàu điện trên cao và tàu điện ngầm. Tuy nhiên, cần phải nghiên cứu thật kỹ, triển khai đồng bộ dựa trên điều kiện của đất nước. Một thành phố nghèo mà đưa quá nhiều metro vào không tốt đâu, như vậy làm gì còn tiền mà lo cho phúc lợi xã hội.
- Có ý kiến cho rằng nên cấm xe máy và triển khai thật nhiều xe buýt thay vì đầu tư đường sắt trên cao? Ông có ý kiến gì về đề xuất này? Để giải quyết tắc đường hiện nay ông có đề xuất gì?
Phải có bài toán hết sức chi tiết và khoa học, nếu cấm xe máy thì người dân đi bằng gì, người lao động đi bằng gì, đi xe buýt có đến được chỗ họ làm không?
Nếu cấm xe máy thì Hà Nội và TP HCM sẽ khủng hoảng phương tiện giao thông. Nếu 40% phương tiện giao thông công cộng đáp ứng được nhu cầu thì hãy hạn chế xe máy. Còn bây giờ không thể cấm được.
Còn đề xuất giải quyết vấn nạn tắc đường như tôi đã nói. Thành phố cần một kỹ sư trưởng tài ba để lập kế hoạch đồng bộ cho giao thông đô thị. Phát triển đồng bộ giữa phương tiện công cộng đi đôi với đường xá, mật độ dân cư…
Phát triển thật nhiều phương tiện giao thông công cộng, khi nào phương tiện công cộng đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân, họ tự khắc thay đổi thói quen di chuyển.
Xin cảm ơn ông!