Mới đây, Báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội về tình hình thực hiện một số dự án trọng điểm ngành Giao thông vận tải đề cập nội dung Tổng thầu Dự án Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông cần 50 triệu USD để vận hành hệ thống và thanh toán toàn bộ trước khi bàn giao khiến dư luận vô cùng bức xúc.
Bởi dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông đã nhiều lần chậm tiến độ, liên tục điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án từ 8.769 tỷ đồng lên 18.001 tỷ đồng, tăng 205% so với tổng vốn đầu tư ban đầu được duyệt.
Tuy nhiên, đến nay, Tổng thầu chưa xác định được mốc thời gian hoàn thành. Đồng thời do chưa làm rõ được nguyên nhân, trách nhiệm của bên làm chậm nên chưa bố trí được nguồn vốn cho gói thầu tư vấn giám sát.
|
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông. |
Là một công dân của TP Hà Nội, cũng như hàng triệu người dân Thủ đô, luật sư Trương Anh Tú (Chủ tịch Công ty TAT Law firm – Đoàn Luật sư TP Hà Nội) mong chờ dự án đường sắt trên cao sớm đi vào hoạt động. Từ đó thay đổi bộ mặt giao thông Thủ đô, giảm ùn tắc và hướng đến 1 thành phố văn minh, hiện đại. Thế nhưng, đã hơn 10 năm trôi qua, nhiều lần chậm tiến độ dự án vẫn chưa thể "chạy".
Luật sư cho rằng: "Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông có thể nói là một dự án "thảm hoạ". Tại sao lại gọi như vậy, vì dự án này tiêu tốn tới hàng tỷ USD do chậm tiến độ, đội vốn gấp nhiều lần.
Trong bối cảnh đất nước đang còn nghèo thì tại sao lại phải xây dựng đường Cát Linh – Hà Đông đắt đỏ, lãng phí lớn như vậy? Hậu quả đã thể hiện rõ rồi đó là đội vốn, tại nạn lao động cũng đã từng xảy ra tại dự án này. Đặc biệt, Hà Nội cũng đã từng chỉ ra dự án này mất an toàn khi vận hành, gây ô nhiễm môi trường...”.
"Nghiêm trọng hơn hết là việc Ngành giao thông không thiếu kinh nghiệm, thiếu trình độ, năng lực và cả trách nhiệm vậy tại sao vẫn quyết định khởi công tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông đến nay đã gần 10 năm trôi qua mà vẫn chưa thể vận hành”, luật sư Trương Anh Tú đặt câu hỏi.
Phân tích dưới góc độ pháp luật về việc phía Tổng thầu Trung Quốc đề nghị số tiền 50 triệu USD để thực hiện công tác vận hành hệ thống và thanh toán toàn bộ trước khi bàn giao, luật sư Trương Anh Tú cho hay, căn cứ theo báo cáo của Bộ GTVT, việc chạy thử dự án là việc của Tổng thầu Trung Quốc phải thực hiện, phía Việt Nam không có trách nhiệm phải quyết toán thêm khoản tiền này.
Như vậy, có thể thấy, phía Tổng thầu Trung Quốc đang có dấu hiệu vi phạm hợp đồng.
|
Luật sư Trương Anh Tú. |
Trả lời câu hỏi về việc có thể khởi kiện phía Tổng thầu Trung Quốc về dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông hay không?, luật sư Trương Anh Tú cho rằng, trường hợp xảy ra tranh chấp thì hai bên nên đưa ra toà án để giải quyết, thường thì những vụ việc như thế này sẽ đưa ra trọng tài quốc tế để giải quyết.
"Tuy nhiên, chúng ta cần phải xem lại các điều khoản giữa Tổng thầu Trung Quốc và chúng ta đã ký kết trong hợp đồng khi phát sinh vấn đề thì trong hợp đồng quy định đưa ra toàn án nào để giải quyết?. Đồng thời, đánh giá xem thiệt hại, tổn thất từ dự án gây ra là bao nhiêu để có căn cứ khởi kiện" – ông Tú nêu ý kiến.
Luật sư Trương Anh Tú cũng cho rằng, thiệt hại của dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông ai cũng thấy rõ , đội vốn gấp nhiều lần, thiệt hại lớn nhất chính là chưa biết đến khi nào vận hành.
"Nếu muốn xác định được cụ thể, chi tiết những vi phạm của Tổng thầu Trung Quốc thì cần phải rà soát lại hợp đồng ký mới có thể xác định được.Tuy nhiên, để tiếp cận được hồ sơ, hợp đồng dự án Cát Linh – Hà Đông là điều rất khó, bởi hợp đồng này có thể đã đóng dấu mật. Như tôi dự đoán thì chắc chắn hợp đồng này được đóng dấu mật, mặc dù nội dung thực sự mật hay không thì không thể biết được” - luật Sư Trương Anh Tú nêu quan điểm.
Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh-Hà Đông được khởi công năm 2011, sau 8 lần sai hẹn về đích mà lần gần nhất theo cam kết của Bộ Giao thông Vận tải là vào tháng 4/2019 nhưng bất thành. Mặc dù dự án đã hoàn thành 99% khối lượng nhưng Bộ Giao thông Vận tải cũng chưa hứa thời gian cụ thể để đưa dự án vào khai thác.
Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh-Hà Đông sử dụng vốn vay ODA Trung Quốc, với điều kiện chỉ định Tổng thầu EPC là Công ty Hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc thực hiện.
Tư vấn giám sát là Công ty trách nhiệm hữu hạn giám sát xây dựng Viện Nghiên cứu thiết kế công trình đường sắt Bắc Kinh (Trung Quốc).
Chủ đầu tư là Bộ Giao thông Vận tải (Ban Quản lý dự án đường sắt được giao trực tiếp quản lý dự án, đại diện chủ đầu tư).
Đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh-Hà Đông có chiều dài tuyến đi trên cao là 13,5km (từ Cát Linh đi Hà Đông), khổ đường 1.435mm và 12 nhà ga trên cao. Đoàn tàu chạy với vận tốc thiết kế tối đa 80km/giờ, vận tốc bình quân khai thác 35km/giờ, khai thác với tần suất vận chuyển khoảng 2 phút/chuyến. Dự án có tổng mức đầu tư sau điều chỉnh là 886 triệu USD (khoảng 20.000 tỷ đồng). Dự kiến ban đầu đưa vào khai thác năm 2016 nhưng phải điều chỉnh lùi tiến độ nhưng cho đến nay, dự án này vẫn chưa hẹn ngày đưa vào khai thác thương mại.
>>> Mời độc giả xem video Sai phạm dự án Cát Linh - Hà Đông: Ai chịu trách nhiệm?
Tâm Đức