Vừa qua Tổng thầu Trung Quốc đề nghị phía Việt Nam chi thêm 50 triệu USD (khoảng 1.000 tỉ đồng) để chạy thử đường sắt Cát Linh - Hà Đông, quan điểm của ông về việc này như thế nào?
- Tôi không rõ về việc này, vì chủ đầu tư dự án là Bộ Giao thông vận tải. Đó là trao đổi giữa Tổng thầu Trung Quốc và Bộ Giao thông vận tải.
Ông có thể nêu rõ vai trò của Hà Nội đối với dự án này như thế nào?
- Bộ Giao thông Vận tải là chủ đầu tư dự án, Hà Nội sẽ tiếp nhận và vận hành dự án. Sau này, tất cả vốn đầu tư, nợ nần của dự án là Hà Nội tiếp nhận và có nghĩa vụ trả nợ.
Hà Nội có một Tổng Công ty đường sắt, đơn vị này sẽ phải đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý và vận hành dự án. Tuy nhiên, do dự án chậm tiến độ nên để càng lâu thì giữ chân được đội ngũ lao động này cũng rất khó khăn.
Dự án khai thác sớm được ngày nào thì tốt cho Hà Nội ngày đó. Vì thế, Hà Nội, Thành ủy Hà Nội đã làm việc với Bộ Giao thông Vận tải, lập Tổ công tác liên ngành để “gỡ” vướng dự án. Lãnh đạo Tổ công tác phía Bộ Giao thông Vận tải là Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông và Hà Nội là Phó Chủ tịch Nguyễn Thế Hùng.
Tổ công tác sẽ trình phương án tổng thể lên Bộ Giao thông Vận Tải, việc gì liên quan tới Hà Nội thì Hà Nội sẽ giải quyết, việc gì vượt thẩm quyền sẽ trình Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.
Hiện nay tiến độ đánh giá an toàn của dự án ra sao thưa ông?
- Có 13 chứng chỉ an toàn thì dự án đã đạt được 12, chứng chỉ cuối cùng phải chờ dự án chạy thực tế thì mới đánh giá được. Dự án phải chạy được thì tư vấn Pháp họ mới có thể thực hiện đánh giá.
Vậy vướng mắc lớn nhất của dự án này là gì, thưa ông?
- Vướng mắc lớn nhất là thiếu các chuyên gia phía Tổng thầu Trung Quốc tại Việt Nam do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Đây là vướng mắc không chỉ của riêng dự án này mà của tất cả các dự án có chuyên gia nước ngoài làm việc.
Khi các chuyên gia sang, Hà Nội sẽ bố trí nơi cách ly tập trung theo đúng quy định, hết thời gian cách ly nếu kết quả kiểm tra dịch tễ tốt thì các chuyên gia sẽ trở lại làm việc bình thường.
Hiện có gặp vướng mắc gì về tiền không thưa ông?
- Đúng hơn là vướng mắc về cơ chế thanh toán và liên quan tới việc thực hiện kết luận kiểm toán dự án. Cơ chế tài chính giao cho dự án như thế nào hiện nhiều điểm cơ quan kiểm toán vẫn chưa kết luận dứt khoát.
Có mốc thời gian cụ thể nào “chốt” hạn dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông phải hoàn thành không?
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông Vận tải phấn đấu đưa dự án vào vận hành trong năm 2020. Bản thân Hà Nội mong muốn dự án hoàn thành, khai thác càng sớm càng tốt và trước tháng 10 càng tốt.
Hiện Tổ công tác giữa Bộ Giao thông Vận tải và Hà Nội chưa có báo cáo cuối cùng về tiến độ dự án này.
Trong khi các dự án hiện tại đang chậm tiến độ, sắp tới Hà Nội lại triển khai một số dự án đường sắt đô thị. Vậy cần phải làm gì để tránh những vấn đề tương tự, thưa ông?
- Tôi cho rằng lúc này nói về việc đầu tư các dự án khác quá sớm, cần tập trung để hoàn thành dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Theo kinh nghiệm, tôi nghĩ cốt lõi là phải chuẩn bị đầu tư hết sức kỹ lưỡng thì triển khai mới thông suốt và hiệu quả được.
Theo Chung Nguyên Vương/Laodong