Thảo luận tại Quốc hội chiều 26/10, Đại biểu Phan Ngọc Thọ - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã có những chia sẻ về việc Di dời khoảng 4.200 hộ dân đang sinh sống trong Khu vực I Kinh thành Huế mà ông gọi là cuộc di dân lịch sử.
Mở đầu ý kiến phát biểu, đại biểu Phan Ngọc Thọ đã cảm ơn Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh vào chiều ngày 24/10/2018 vừa rồi và đã đồng thuận cao về chủ trương di dời khu vực dân cư đang sinh sống tại khu vực 1, kinh thành Huế cũng như đã chỉ đạo một số chủ trương liên quan đến công tác di dời, giải phóng mặt bằng khu vực này.
Nói về nguyện vọng của các cử tri liên quan sự việc trên, đại biểu Phan Ngọc Thọ cho biết, di tích cố đô Huế hiện đang phải đương đầu với những tác động của thời gian, khí hậu và đặc biệt là những tác động phát sinh hằng ngày từ hoạt động của dân cư đang sinh sống tại khu vực 1, kinh thành Huế.
|
Đại biểu Phan Ngọc Thọ. Ảnh: Quochoi.vn |
Do quá trình lịch sử, di dân trong thời gian chiến tranh giai đoạn 1945 - 1975, di dân từ vùng nông thôn vào thành thị và gia tăng dân số tự nhiên đã hình thành khu dân cư sinh sống trên di tích Thượng Thành - Eo Bầu, Hộ thành hào và các công trình di tích thuộc khu vực 1, kinh thành Huế.
Sinh sống trên di tích nên hầu hết các hộ dân cư này không được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đất ở không hợp pháp, nhiều hộ phải làm nhà trên mặt nước tại các hồ, hào, vì vậy nhà ở tại khu vực này không được xây dựng, sửa chữa lớn.
Các hộ sống ở đây chủ yếu là lao động phổ thông nên đời sống khó khăn, đa phần hộ nghèo, hộ cận nghèo, nhiều thế hệ đã sống chung trong những căn nhà tạm bợ, chật hẹp với điều kiện vệ sinh môi trường không được đảm bảo, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, cảnh quan đô thị, xâm phạm nghiêm trọng đến di sản thế giới.
Trong những năm qua, được sự hỗ trợ của Trung ương và kinh phí của địa phương đã từng bước di dời dân cư để trả lại mặt bằng cho di tích. Giai đoạn 1996 - 2018 đã di dời được 1.050 hộ dân cư. Hiện nay, tại khu vực 1 các di tích kinh thành Huế còn khoảng 1200 hộ sinh sống.
“Nếu nói cuộc sống của hàng ngàn con người này tạo ra áp lực đến tiến độ bảo tồn, tôn tạo kinh thành Huế thì cũng phải thấy rằng chính những người dân nơi đây đất sống vô cùng chật vật, khó khăn khi gắn đời mình với công trình di tích quan trọng đặc biệt của quốc gia. Mong ước của nhiều thế hệ ở đây là tìm kiếm cơ hội, một cuộc đổi đời về nơi sinh sống trong nhiều năm qua vẫn chưa thực hiện được”, ông Thọ nói.
Đại biểu Phan Ngọc Thọ chia sẻ, qua nhiều lần tiếp xúc với chính quyền các cấp, bà con cử tri bộc bạch, mong muốn sớm được di dời, nhiều bà con cảm thấy có lỗi với tiền nhân khi phải sống trên di tích nhưng do hoàn cảnh lịch sử, điều kiện kinh tế không thể di dời được.
Nguyện vọng của bà con cử tri đang sinh sống tại khu vực 1 kinh thành Huế tha thiết được di dời, hỗ trợ tái định cư nhằm ổn định cuộc sống lâu dài, an cư lạc nghiệp, trả lại đất cho di tích.
Thấu hiểu nguyện vọng người dân, lo lắng của chính quyền địa phương, Thủ tướng Chính phủ đã có chủ trương xây dựng cơ chế đặc thù, di dời, hỗ trợ tái định cư đối với các hộ dân cư đang sinh sống tại khu vực 1 kinh thành này và giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính đề xuất hỗ trợ kinh phí cho địa phương thực hiện.
Đến nay, Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế đã xây dựng cơ chế đề án trình Thủ tướng và các bộ, ngành liên quan.
Theo đó, phải di dời dân cư khoảng 4.200 hộ sinh sống trong khu vực Kinh thành Huế thực hiện trong giai đoạn 2019 - 2023, kinh phí cần Trung ương hỗ trợ để bồi thường hỗ trợ khoảng 2.800 tỷ đồng.
Trong giai đoạn 2019 - 2021 sẽ di dời dự kiến khoảng 2.938 căn hộ, với kinh phí khoảng 1.900 tỷ đồng. Bình quân từ 600 đến 650 tỷ đồng một năm. Kinh phí di dời này là rất lớn đối với địa phương. Quỹ đất sau khi giải phóng mặt bằng chỉ phục vụ trùng tu di tích, không thể chuyển sang mục đích sử dụng khác. Ngoài ra, địa phương phải tự huy động các nguồn vốn khoảng 1.300 tỷ đồng để xây dựng các khu tái định cư phục vụ cho di dời.
“Đối với Thừa Thiên - Huế, đây là cuộc di dân có tính lịch sử, chưa bao giờ công tác giải phóng mặt bằng lại có thời điểm thuận lợi như thế này, đó là xuất phát từ nguyện vọng, sự đồng thuận cao của các hộ dân cư thuộc đối tượng di dời. Với sự chỉ đạo quyết tâm của Thủ tướng, các bộ, ngành, sự quan tâm của các cơ quan Quốc hội, sự sẵn sàng với trách nhiệm cao của chính quyền các cấp. Việc di dân đã chín muồi, cử tri đang mong muốn chính sách của Quốc hội, của Chính phủ để cơ chế, chính sách, để có nguồn kinh phí hỗ trợ từ Trung ương thực hiện chủ trương mang tính lịch sử này”, ông Thọ cho biết.
Hải Ninh