Liên quan đến vụ án vụ án hình sự Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại dự án di dân thủy điện Sơn La, trao đổi với PV Kiến Thức về vụ việc này, luật sư Lê Văn Thiệp (Đoàn luật sư Hà Nội) đã có những phân tích, nhận định.
Kế hoạch số 41 vì mục đích đảm bảo tiến độ?
Kế hoạch 41/KH-UBND, ngày 15/04/2014 của UBND huyện Mường La (viết tắt là Kế hoạch 41).
Theo luật sư, thủy điện Sơn La là dự án trọng điểm quốc gia với quy mô lớn, phức tạp. Dự án tác động trực tiếp đến đời sống của hàng vạn hộ dân trong khu vực xây dựng nhà máy và lòng hồ chứa nước phục vụ công trình
Dự án nhà máy thủy điện nằm trong quy hoạch phục vụ an ninh năng lượng, phát triển kinh tế xã hội, được Quốc hội thông qua, phê duyệt đúng quy định. Hàng ngàn hộ dân đã được đền bù tài sản, tái định cư tại nơi ở mới nhưng việc đền bù bị khiếu kiện, khiếu nại kéo dài làm ảnh hưởng đến an ninh trật tư tại huyện Mường La.
|
Vùng ngập thủy điện Sơn La. Ảnh: VOV.VN |
Vị luật sư cho rằng, do địa bàn là nơi sinh sống của đồng bào dân tộc sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, tư liệu sản xuất chủ yếu là đất rừng nên việc kiểm kê, khai nhận, đo vẽ địa chính không được quan tâm đầy đủ, kịp thời, đây chính là nguyên nhân của việc khiếu kiện, khiếu nại kéo dài, vượt cấp.
Do diện tích đất cần để phục vụ dự án rất lớn, trải dài suốt lưu vực của sông Đà trên nhiều tỉnh khác nhau, việc xây dựng nhà máy thủy điện đòi hỏi thời gian thi công dài nên để đẩy nhanh tiến độ xây dựng, UBND huyện Mường La và UBND tỉnh Sơn La vừa thực hiện dự án, vừa thu hồi giải phóng mặt bằng.
Thời điểm đó, người dân trong vùng bị ảnh hưởng có tập tính sống du canh, du cư nên UBND huyện Mường La đã đề ra Kế hoạch 41 nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, đảm bảo an sinh xã hội, giúp dân có sinh kế bền vững, tránh khiếu kiện. Kế hoạch số 41 là chủ trương của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Mường La chứ không phải văn bản quy phạm pháp luật.
Luật sư cũng cho rằng Trung tâm kỹ thuật Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sơn La là đơn vị hoạt động độc lập, trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường, không trực thuộc UBND huyện Mường La. Vì vậy, kế hoạch 41 không phải Trung tâm kỹ thuật Tài nguyên và Môi trường tham mưu, đề xuất, nghiên cứu và triển khai thực hiện mà là đối tác.
Việc đề xuất chủ trương, xây dựng và ban hành Kế hoạch số 41 không có dấu hiệu vụ lợi hay động cơ khác mà tất cả vì mục đích đảm bảo tiến độ của dự án, bảo đảm quyền - lợi ích hợp pháp của nhân dân và đặc biệt là đảm bảo an ninh năng lượng, đáp ứng nhu cầu về điện của xã hội.
Thực hiện Kế hoạch số 41 đã đảm bảo quyền lợi cho hơn 600 hộ dân phải di dời để nhà nước thu hồi đất phục vụ cho dự án nhà máy thủy điện Sơn La.
Nên xem xét toàn diện vụ án
Theo luật sư, sau khi có yêu cầu của Ban quản lý dự án di dân tái định cư huyện Mường La đề nghị giao kết hợp đồng đo vẽ bản đồ địa chính khu vực Nhà máy thủy điện Sơn La, UBND huyện Mường La đã cử người làm việc trực tiếp với Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sơn La là Đỗ Tiến Đồng. Sau khi đàm phán, thỏa thuận, hai bên có ký kết hợp đồng theo quy định.
Sau khi ký hợp đồng, Trung tâm kỹ thuật Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sơn La đã giao nhiệm vụ cho Phòng Kỹ thuật và bị can Thanh thực hiện. Thanh sau đó đã thực hiện nhiệm vụ của mình theo Hợp đồng lao động.
|
Luật sư Lê Văn Thiệp. |
Đến nay, toàn bộ kinh phí để tiến hành phục dựng và đo đạc địa chính trên cơ sở 10 hợp đồng được ký kết, Ban quản lý dự án di dân tái định cư huyện Mường La chưa chi trả tiền công cho Trung tâm kỹ thuật Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sơn La và bị can Nguyễn Văn Thanh (SN 1970, nguyên phó phòng kỹ thuật Trung tâm kỹ thuật tài nguyên và môi trường Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Sơn La).
Bị can Nguyễn Văn Thanh là lao động theo hợp đồng tại Trung tâm kỹ thuật Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sơn La, đây là người lao động trong doanh nghiệp chứ không phải là chức danh do bầu cử hoặc được bổ nhiệm theo quy định của Luật Công chức, viên chức.
Từ căn cứ trên, luật sư cho rằng, tội cố ý làm trái phải là người có chức vụ quyền hạn do bầu cử hoặc bổ nhiệm của cơ quan nhà nước, trong vụ án này thì đó là những cán bộ của UBND huyện Mường La, Ban quản lý dự án di dân tái định cư huyện Mường La và những người có liên quan khác chứ không phải là đơn vị sự nghiệp có thu.
Việc làm của Nguyễn Văn Thanh là làm việc chuyên môn, thực hiện theo sự phân công của chủ sử dụng lao động là Giám đốc trung tâm.
Từ đó, luật sư cho rằng, việc xác định Nguyễn Văn Thanh là đồng phạm trong vụ án này là không phù hợp về chủ thể của tội phạm được quy định tại điều 165 BLHS năm 1999 (sửa đổi bổ sung năm 2009).
Thủy điện Sơn La với tổng công suất 2.400 MW, hoàn thành năm 2012 là nhà máy thủy điện lớn nhất Đông Nam Á. Hàng năm công trình này góp hơn 10 tỷ kWh, chiếm gần 10% sản lượng điện bình quân cả nước.
Đến năm 2015, chi phí xây dựng nhà máy khoảng 35.000 tỷ đồng (giữ nguyên so với dự toán); xây dựng công trình giao thông 4.400 tỷ đồng (giảm 662 tỷ đồng). Tuy nhiên, công tác di dân tái định cư tăng hơn 6.100 tỷ đồng.
Đến cuối năm 2017, Cơ quan an ninh điều tra tỉnh Sơn La khởi tố vụ án, khởi tố 17 bị can về tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Thiếu trách nhiệm về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Trong đó, 2 người bị cấm đi khỏi nơi cư trú.
Hành vi sai phạm bước đầu được xác định lập bản đồ địa chính, đo đạc, thẩm định, thu hồi và bồi thường hỗ trợ chưa đúng quy định, gây thiệt hại cho nhà nước tại thời điểm sai phạm từ (2014 - 2015).