Sở GTVT Hà Nội vừa cùng đơn vị tư vấn (Đại học GTVT) xây dựng xong phương án lập 87 trạm thu phí ô tô vào nội đô. Mục tiêu của đề án để giảm xe ô tô đi vào nội đô nhằm hạn chế ùn tắc, ô nhiễm môi trường.
Ngay khi tiếp nhận thông tin trên, nhiều ý kiến từ người dân đã phản ứng cho rằng khó khả thi với hệ thống mạng lưới giao thông của Hà Nội Việt Nam như hiện nay, thậm chí dẫn đến tình trạng phí chồng phí…
Một số chuyên gia giao thông dù đồng tình ủng hộ các giải pháp giảm ùn tắc, tuy nhiên vẫn cho rằng, ở thời điểm hiện tại rất khó khả thi. Đồng thời, khi thu phí ô tô vào nội đô cần có nhiều giải pháp được tính toán kỹ lưỡng, tránh phí chồng phí mà không mang lại hiệu quả.
|
Ảnh minh họa (Zing) |
Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, chuyên gia giao thông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, đề xuất thu phí ô tô vào nội thành Hà Nội không phải vấn đề mới mà từ rất lâu rồi.
“Mục tiêu của đề xuất này nhằm hạn chế xe cá nhân chống ùn tắc giao thông, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và có nguồn thu đầu tư hạ tầng giao thông. Thực tế đề xuất này không mới và các nước trên thế giới đã làm từ lâu như Singapore, London (Anh)…”, ông Bùi Danh Liên nói.
Theo ông Liên, xét về mặt lợi ích quốc gia và người dân, ông hoàn toàn ủng hộ đề xuất trên. Tuy nhiên, ông Liên băn khoăn, việc thực hiện đề xuất trên vào thời điểm nào là vấn đề quyết định sự thành, bại của đề án. Nếu không sẽ tốn rất nhiều tiền và mất rất nhiều nhân lực mà không giải quyết được cơ bản mục tiêu đề ra.
“Trong giao thông vận tải, hiện có nhiều loại thu phí. Bài học thu phí tự động của Bộ GTVT trên toàn quốc mà làm mãi bây giờ mới xong. Khi thí điểm, tôi cũng được mời dự lễ khởi công ở Quảng Bình và nhận thấy rằng, khi thí điểm, thành công rất tốt đẹp nhưng sau đó 3, 4 năm khất lần, báo cáo Thủ tướng xin lùi lại, mãi bây giờ mới cơ bản xong. Lý do là yếu tố việc thu phí của người dân, cộng đồng đòi hỏi trình độ khoa học kỹ thuật, khoa học công nghệ phải phát triển mới làm được”, ông Liên nói.
Từ ví dụ trên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, phải chuẩn bị kỹ lưỡng, chi tiết đầy đủ thì việc thu phí ô tô và nội thành Hà Nội mới khả thi.
“TPHCM cũng đã đưa ra đề xuất tương tự về phương án thu phí trong nội đô gần chục năm qua nhưng cuối cùng cũng không thành công”, ông Liên dẫn chứng.
Ông Bùi Danh Liên cho rằng, khi trình độ người dân, trình độ xã hội, khoa học kỹ thuật, quản lý nhà nước về giao thông vận tải được nâng lên thì khi đó việc thu phí xe vào nội đô mới khả thi.
“Ví dụ muốn thu phí, Hà Nội phải thành lập các trạm thu phí và như đề xuất của Sở GTVT là 68 vị trí với 87 trạm thu phí đặt bên trong ranh giới vành đai 3 nhưng hiện nay, cơ sở hạ tầng giao thông của Hà Nội như vậy, người ta vào phố nào cũng được. Không lẽ lại như chống dịch vừa rồi, ngăn cản sự đi lại, gây ách tắc giao thông, nếu làm không khéo lại lợi bất cập hại”, ông Liên nêu ý kiến và cho rằng, phải đợi trình độ dân trí, trình độ khoa học kỹ thuật, trình độ quản lý nhà nước phù hợp với tình hình thực tiễn mới làm được.
Chuyên gia giao thông này lấy ví dụ, khi thu phí không chỉ vẽ ra cái trạm để thu phí như vậy sẽ ùn tắc giao thông mà phải có công nghệ thông tin, công nghệ 4.0 như khi xe ôtô đi vào, ra nội đô, không chỉ phí hạ tầng trong nội đô mà các loại phí đều phải thực hiện qua công nghệ thông tin, các khoản tiền phí được tự động thu vào cho Nhà nước.
Tuy nhiên, để thu phí tự động đòi hỏi người dân phải có tài khoản, phải có sự liên kết giữa các ngân hàng và rất nhiều vấn đề khác. Nói chung, quan trọng nhất là ý thức người dân được nâng lên mới có thể làm được, nếu không sẽ thất bại. Và đề thu được phí như đề xuất vẫn còn có rất nhiều vấn đề phải bàn bạc, cân nhắc trước khi áp dụng triển khai.
Theo đề án, đơn vị tư vấn đã xác định ranh giới thu phí từ vành đai 3 (cầu Thanh Trì - Pháp Vân - Mai Dịch - Phạm Văn Đồng - Tây Hồ Tây - Võ Chí Công - Cầu Nhật Tân - Hoàng Sa - Trường Sa - Lý Sơn - Nguyễn Văn Linh - Vành đai 3); chu vi khu vực thu phí khoảng 51 km, diện tích 150 km2.
Đề án nêu dự kiến 68 vị trí để lập tổng cộng 87 trạm thu phí phương tiện từ bên ngoài vào nội thành. Trong đó có các vị trí như: Nút giao Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến, Nút giao Big C Thăng Long, Lê Văn Lương, Xuân Thủy, Giải Phóng, Cổ Linh - cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Hoàng Quốc Việt, Võ Chí Công, cầu Đông Trù, cầu Chương Dương, cầu Thanh Trì… Các phương tiện đi đường vành đai 3, xe quá cảnh, không vào trung tâm sẽ không phải trả phí.
Thời gian mà đơn vị tư vấn đề xuất thu phí xe vào nội thành là ban ngày, khung giờ từ 5 đến 21h, trong đó có phân biệt mức phí giữa giờ cao điểm và giờ thấp điểm. Tại mỗi vị trí sẽ lắp đặt cổng thu phí tự động và hệ thống camera, không có người thu trực tiếp. Ô tô đi qua không phải dừng, tiền phí được trừ trong tài khoản của chủ xe.
Dự kiến sau khi xác định được vị trí đặt các trạm thu phí, thời gian thực hiện, sắp tới đơn vị tư vấn tiếp tục làm việc với Sở GTVT Hà Nội và các bộ phận có liên quan để xác định cụ thể về nội dung, bản chất của loại phí mới. Cùng đó sẽ xác định rõ phạm vi thu phí, đối tượng thu phí; hình thức đầu tư các trạm thu phí, mức phí và công nghệ thu phí...
Về lộ trình triển khai, đơn vị tư vấn đề án cho biết, có ba giai đoạn, gồm: Từ năm 2021 - 2025: nghiên cứu, hoàn thiện đề án và các điều kiện triển khai thu phí; Từ năm 2025 - 2030: Xây dựng dự án và tổ chức thí điểm thực hiện thu phí điểm tại một số vị trí, sau đó có tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm; Từ năm 2030: xây dựng dự án và bổ sung các điểm thu phí theo danh sách để dần khép kín vành đai thu phí theo mục tiêu của đề án.
>>> Mời độc giả xem thêm video Ùn tắc tại các chốt kiểm soát dịch ở cửa ngõ Hà Nội:
Hải Ninh