Mới đây, Bộ Công Thương vừa có văn bản trình Chính phủ đề xuất giảm giá bán điện với mức 10% trong 3 tháng nhằm giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Theo đề xuất của Bộ này, tổng số tiền điện hỗ trợ cho các khách hàng sử dụng điện khoảng gần 11.000 tỷ đồng, trong đó số tiền hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh khoảng 6.104 tỷ đồng; các cơ sở lưu trú du lịch là 1.840 tỷ đồng; các hộ sinh hoạt được hỗ trợ khoảng 2.930 tỷ; các cơ sở phục vụ chống dịch COVID-19 khoảng 100 tỷ đồng.
Cụ thể, đối với khách hàng sinh hoạt, Bộ Công Thương đề nghị giảm 10% giá các bậc thang sinh hoạt từ bậc 1 đến bậc thang 4 ((dưới 300 kWh tháng) từ tháng 4 đến tháng 6/2020, số tiền là gần 3.000 tỷ đồng. Đây là các đối tượng chủ yếu là người lao động, công chức, viên chức, công nhân bị ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19.
|
Bộ Công Thương vừa có văn bản trình Chính phủ đề xuất giảm giá bán điện với mức 10% trong 3 tháng nhằm giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. |
Dư luận đặt câu hỏi, với đề xuất giảm giá điện như trên, người dân được hưởng mức tính tiền/KWh thế nào?
Từ ngày 20/3/2019 đến nay, giá điện sinh hoạt được điều chỉnh tăng tương đương so với giá cũ là 8,36% được chia làm 6 bậc gồm bậc 1 kWh từ 0 – 50 là 1.678 đồng, bậc 2 kWh từ 51 – 100 là 1.734 đồng, bậc 3 kWh từ 101 – 200 là 2.014 đồng, bậc 4 kWh từ 201 – 300 là 2.536 đồng, bậc 5, kWh từ 301 – 400 là 2.834 đồng và bậc 6 kWh từ 401 trở lên là 2.927 đồng.
Theo giá điện sinh hoạt trên, nếu sử dụng bậc 1 khoảng 50 kWh/tháng với đơn giá hiện nay là 1678 đồng, khách hàng sẽ phải trả số tiền 83.900 đồng (cộng với 10% VAT sẽ phải trả 92.290 đồng/tháng). Với việc giảm giá 10%, khách hàng sẽ phải trả số tiền 75.510 đồng/50 kWh/tháng (chưa bao gồm 10% VAT) và được giảm số tiền 8.390 đồng/tháng.
Tương tự nếu khách hàng sử dụng bậc 4 khoảng 300 kWh giá hiện tại là 2.536 đồng sẽ phải trả số tiền 760.800 đồng (cộng 10% VAT sẽ phải trả số tiền 836.880 đồng/tháng). Nếu được giảm 10% theo đề xuất của Bộ Công Thương, người dân chỉ phải trả 760.800 đồng đã bao gồm thuế VAT). Như vậy, nếu sử dụng 300 kWh/tháng, người dân sẽ được giảm 76.080 đồng/tháng. Nếu hỗ trợ 3 tháng, người dân sẽ được giảm số tiền 228.240 đồng.
Cũng theo đề xuất, Bộ Công Thương cũng giảm giá điện sản xuất, kinh doanh; miễn, giảm giá điện cho các cơ sở phòng dịch.
Cụ thể, giá điện sản xuất, kinh doanh cũng sẽ hạ 10% trong ba tháng, từ ngày 1/4 đến ngày 1/7. Bộ Công Thương đề xuất giảm giá điện ở các khung giá: Cao điểm, bình thường và thấp điểm với mức giảm 10% so với biểu giá tại Quyết định số 648/QĐ-BCT. Với mức hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh như trên, Bộ Công Thương dự tính khoảng 6.104 tỷ đồng.
Hiện nay, giá bán điện với các hộ, doanh nghiệp sản xuất, khu công nghiệp… được chia theo giờ (bình thường, thấp điểm và cao điểm) và cấp điện áp dưới 6kV, 22kV và 110kV. Mức giá bán lẻ cao nhất cho ngành sản xuất, điện áp dưới 6kV giờ cao điểm là 3.076 đồng/kWh, thấp nhất là 970 đồng/kWh vào giờ thấp điểm với cấp điện áp từ 110kV trở lên. Các khách hàng sẽ được giảm 10% so với giá hiện tại tương ứng với số điện đã sử dụng/tháng.
Theo Bộ Công Thương, ưu điểm của phương án trên là tất cả các khách hàng sản xuất, bao gồm các doanh nghiệp lớn sản xuất 3 ca hay các doanh nghiệp nhỏ chỉ sản xuất 1 ca, đều được hỗ trợ tiền điện. Tổng số tiền hỗ trợ các hộ sản xuất và kinh doanh là 6.104 tỷ đồng, tương ứng doanh thu của Tập đoàn điện lực Việt Nam EVN giảm 6.104 tỷ đồng.
Cùng với đó, Bộ Công Thương cũng kiến nghị giảm giá các cơ sở lưu trú du lịch bằng giá sản xuất từ tháng 4/2020, số tiền là hơn 1.800 tỷ đồng. Bộ cũng đề xuất miễn tiền điện cho khách hàng sử dụng điện là cơ sở cách ly, khám chữa tập trung chỉ liên quan đến dịch COVID-19 và giảm 20% giá điện cho các cơ sở khám chữa bệnh có thực hiện khám, xét nghiệm và điều trị bệnh nhân nghi nhiễm, đã nhiễm COVID-19 và các khách sạn được sử dụng để cách ly.
Trong báo cáo gửi Thủ tướng Chỉnh phủ, Bộ Công Thương cũng dẫn đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư liên quan việc này.
Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất bãi bỏ quy định khung giờ cao điểm bán điện (9 giờ 30 phút - 11 giờ 30 phút), thu hẹp bậc thang biểu tính giá điện, trước mắt nghiên cứu giảm 50% giá điện giờ cao điểm từ tháng 3 đến tháng 10/2020; áp dụng giá điện của các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú, du lịch bằng với mức giá điện áp dụng cho các cơ sở kinh doanh khác.
Với kiến nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương cho rằng, khoản tiền hỗ trợ cho các doanh nghiệp là gần 20.000 tỷ đồng, tương ứng với khoản giảm doanh thu lớn của EVN. Phương án giảm 50% giá điện giờ cao điểm cũng có thể dẫn đến việc không khuyến khích tiết kiệm điện và giờ cao điểm, trong khi hệ thống đang có nguy cơ thiếu công suất vào giờ cao điểm.
Một nhược điểm nữa là trong số 1,6 triệu khách hàng là các hộ sản xuất thì có tới 1 triệu khách hàng là các doanh nghiệp nhỏ chỉ sản xuất 1 ca trong giờ hành chính. Từ những phân tích trên, Bộ Công Thương nhận định nếu chỉ giảm giá vào giờ cao điểm, thì các doanh nghiệp nhỏ này cũng không được hưởng sự hỗ trợ của việc điều chỉnh này.
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã hoan nghênh việc Bộ Công Thương, EVN giảm giá điện như đề xuất trên.
>>> Mời độc giả xem video Đề xuất giảm 10% giá điện trong 3 tháng