Đề Văn thi lớp 10 Hà Nội nhẹ nhàng, khuyến khích thí sinh bày tỏ suy nghĩ

Google News

Số câu hỏi trong đề Văn vào lớp 10 ở Hà Nội năm nay được rút gọn, yêu cầu đề cũng nhẹ nhàng, không mang tính đánh đố, nhưng vẫn đảm bảo sự phân hoá thí sinh.

Thầy Nguyễn Phi Hùng – Giáo viên môn Ngữ văn, Hệ thống Giáo dục HOCMAI nhận định đề thi tuyển sinh vào lớp 10 năm nay rút ngắn thời gian làm bài, tương ứng với đó thì dung lượng đề thi cũng giảm theo. Cụ thể, số lượng câu hỏi trong đề thi sẽ giảm xuống còn 5 ý nhỏ thay vì 7 ý như đề thi năm trước.
De Van thi lop 10 Ha Noi nhe nhang, khuyen khich thi sinh bay to suy nghi
 Thí sinh thi vào lớp 10 Hà Nội.
Điểm mới ở câu nghị luận xã hội, yêu cầu bàn về mối quan hệ giữa tri thức và giá trị con người nhưng câu lệnh được đưa ra dạng câu nghi vấn: “Phải chăng tri thức làm nên giá trị con người?”. Cách đặt vấn đề như vậy sẽ giàu tính gợi mở để cho học sinh có thể nhìn nhận vấn đề từ nhiều góc độ, được tự do thể hiện quan điểm cá nhân.
Cô Đỗ Khánh Phượng, giáo viên Ngữ văn, trường Phổ Thông Hermann Gmeiner (Hà Nội) đánh giá, số câu được rút gọn và yêu cầu đề cũng nhẹ nhàng hơn, không mang tính đánh đố, đảm bảo kiến thức cơ bản nhưng vẫn có sự phân loại ở phần 2 với câu 1 giúp học sinh có thể thoải mái thể hiện suy nghĩ của mình để từ đó khẳng định giá trị của tri thức trong cuộc sống.
Ở câu 2, cấu trúc có thể là đoạn văn hoặc bài văn với 2/3 trang giấy. Chắc chắn phần lớn học sinh sẽ viết đoạn văn. Đây cũng là câu có sức phân loại bởi nó mang tính phản đề được thể hiện dạng câu hỏi “Phải chăng tri thức làm nên giá trị con người?”. Với đề thi này, phổ điểm học sinh có thể đạt 6,5 – 7 điểm.
De Van thi lop 10 Ha Noi nhe nhang, khuyen khich thi sinh bay to suy nghi-Hinh-2

De Van thi lop 10 Ha Noi nhe nhang, khuyen khich thi sinh bay to suy nghi-Hinh-3
Theo cô Nguyễn Thu Trang, giáo viên Ngữ văn, Hệ thống Giáo dục HOCMAI, điểm thay đổi lớn nhất năm nay không chỉ ở thời gian làm bài 90 phút mà cả biểu điểm đoạn văn tăng lên. Các em học sinh cần viết chắc, triển khai luận điểm rõ ràng, phân tích dẫn chứng đầy đủ trong đoạn văn nghị luận xã hội đồng thời khi viết đoạn văn nghị luận về thơ cần thể hiện rõ năng lực cảm thụ, phân tích các biện pháp nghệ thuật để từ đó khái quát giá trị nội dung.
Vì thế các em cần đọc kỹ đề bài, tập trung vào vấn đề và phân bố thời gian làm bài hợp lý, hiệu quả, tránh viết thừa, dài dòng.
Đề thi vẫn giữ nguyên cấu trúc 2 phần như mọi năm với việc đọc hiểu 2 loại văn bản và tích hợp yêu cầu viết tương ứng. Số lượng câu hỏi giảm đi phù hợp với thời gian thi được rút ngắn là 90 phút. Điểm của các câu thành phần có thông tin rõ ràng, thuận tiện cho thí sinh có hướng phân bổ thời gian làm bài.
Về ngữ liệu, như các năm gần đây, ngữ liệu vẫn sử dụng trong sách giáo khoa Ngữ văn 9, trải đều cả hai học kỳ. Tuy ngữ liệu quen thuộc nhưng câu hỏi đã khai thác khá tốt, nêu bật được những nội dung quan trọng của ngữ liệu.
Về độ phân hoá, đề năm nay được đánh giá độ phân hoá rất tốt khi chỉ còn 1 câu hỏi ở mức nhận biết, 2 câu hỏi ở mức thông hiểu và 2 câu hỏi ở mức vận dụng cao. Nhận định cụ thể từng phần như sau:
Phần I (6,0 điểm), trích đoạn bài thơ “Đồng chí” quen thuộc, là một trong những văn bản quan trọng của chương trình, càng quan trọng hơn ở tính thời sự khi tình đồng chí cần được mở rộng quan niệm, phát huy giá trị trong những ngày cả nước đang đương đầu cùng “giặc” COVID-19.
Ngoại trừ câu hỏi 1 giúp thí sinh dễ dàng có điểm, yêu cầu viết đoạn văn nghị luận ở câu 2 không gây khó ở cấu trúc tổng - phân - hợp nhưng yêu cầu sử dụng câu ghép và phép lặp đòi hỏi thí sinh phải có kĩ năng viết khá tốt, nếu không sẽ vướng phải lỗi vụng về trong diễn đạt.
Câu hỏi 3 rất thú vị khi nêu ra vấn đề ở 1 câu thơ ít được chú ý trong đoạn cuối. Vấn đề được nêu ra khá hay, lạ và thống nhất với nội dung các câu hỏi trên, tăng tính liên kết cho phần 1.
Phần II (4,0 điểm), ngữ liệu chọn lọc khá hay. Câu hỏi 1 gắn với nội dung câu chuyện ở trên nhưng đòi hỏi thí sinh phải hiểu sâu hơn về giá trị của chiều sâu tri thức đối với con người từ đó sẽ có thêm lí lẽ và dẫn chứng để thực hiện câu hỏi thứ 2. Hơn thế, câu hỏi 2 đã đặt ra một vấn đề rất ý nghĩa.
Từ việc định nghĩa tri thức, làm rõ được ý nghĩa của điều này trong việc xác lập giá trị con người, thí sinh có thể nghĩ thêm về những cách thức để củng cố, bổ sung, làm giàu thêm cho vốn tri thức của bản thân và đem vốn tri thức ấy phục vụ có ích cho nhân sinh.
Vấn đề “rèn đức” bên cạnh “luyện tài” không mới, nhưng trình bày khéo léo thông qua cách đặt vấn đề sâu sắc, khơi gợi được định hướng giáo dục phát triển năng lực, phẩm chất đang được đẩy mạnh; đó chính là điểm sáng đáng ghi nhận của yêu cầu đề.
Theo HÀ CƯỜNG/ VTC