Mới đây, Báo Kiến Thức nhận được phản ánh của nhiều phụ huynh trên địa bàn Hà Nội về việc nhà trường vận động học sinh có học lực yếu, kém không thi vào lớp 10.
Một số phụ huynh học sinh trường THCS Thanh Trì (quận Hoàng Mai) thậm chí còn “tố” nhà trường gây áp lực không cho học sinh kém thi vào lớp 10 công lập.
Một phụ huynh cho biết, trong buổi họp diễn ra vào giữa tháng 6, giáo viên chủ nhiệm thậm chí đã yêu cầu họ phải viết đơn tự nguyện xin cho con không thi vào trường THPT công lập trên địa bàn. Có phụ huynh đã phải gạt nước mắt để “xin xỏ, năn nỉ” cho con được thi lớp 10, nếu trượt gia đình sẽ chịu trách nhiệm nhưng cuối cùng vẫn phải ký vào tờ đơn này một cách miễn cưỡng.
Đáng chú ý, không chỉ ở trường THCS Thanh Trì, nhiều phụ huynh ở các trường khác trên địa bàn Hà Nội cũng phản ánhvới nội dung tương tự như một phụ huynh ở THCS tại quận Cầu Giấy cũng phản ánh, gia đình họ phải ký vào đơn tự nguyện không thi vào lớp 10 dù con rất mong muốn được học ôn và thi cùng các bạn. Gia đình đã trao đổi cùng giáo viên nguyện vọng nhưng không thay đổi được vấn đề.
|
Ảnh minh họa. |
Nhiều phụ huynh đã tỏ ra bức xúc bởi con họ dù học lực yếu kém nhưng vẫn đang nỗ lực, quyết tâm để thi vào lớp 10 trường công lập, hành động của các trường như trên không chỉ “dội gáo nước lạnh lên đầu” học sinh, tước đi quyền lợi của học sinh, khiến các em cảm thấy hụt hẫng, chán nản khi sớm bị loại khỏi cuộc đua chung. Nhiều ý kiến cho rằng, việc vận động học sinh có học lực yếu, kém không thi vào lớp 10 là biểu hiện của bệnh thành tích trong giáo dục.
Trao đổi với PV Kiến Thức, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ – nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng, đứng về phương diện luật, các cháu học sinh học hết THCS có quyền thi vào lớp 10 THPT. Lẽ ra các trường nên để các em dự thi nếu thi được thì tốt mà không thi được, khi đó nhà trường hướng các em đi học nghề rồi học bổ túc văn hóa.
“Nhà trường chỉ có quyền tư vấn cho các học sinh có học lực yếu, không nên ép bởi nếu ép các học sinh có học lực yếu không thi lớp 10 là không đúng. Nếu các học sinh thấy mình không có khả năng tiếp tục theo học lên mà phải rẽ đi học nghề thì tùy theo nguyện vọng của các học sinh” - PGS.TS Trần Xuân Nhĩ nói và cho rằng, nếu nhà trường có trách nhiệm, thấy học sinh có học lực yếu, không đủ khả năng thi thì nên có lời khuyên, tư vấn. Còn nếu bắt ép phải viết đơn xin tự nguyện không tham gia thi thì vi phạm vào quyền của học sinh và không nên làm như vậy.
|
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ – nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT. |
Theo ông Trần Xuân Nhĩ việc gượng “ép” không thi bằng hình thức phải viết vào đơn xin tự nguyện không tham gia thi là quá hình thức.
“Trong ngành giáo dục vẫn còn tồn tại việc mượn sự tự nguyện này, tự nguyện kia để phòng và đổ lỗi cho phụ huynh khi có chuyện gì đó như việc tự nguyện đóng góp kinh phí chẳng hạn. Theo tôi đã là người thầy giáo phải có cái tâm. Có nghĩa là mình làm thế nào để giúp cho học sinh phát huy tối đa khả năng, nếu nhận thấy học sinh quá yếu kém có thể tư vấn cho học sinh hướng đi còn việc quyết định hay không là do học sinh và phụ huynh. Nhà trường không nên ép các em mà chỉ nên tư vấn cho học sinh, nếu học sinh cảm thấy có khả năng thì để các em, không nên ép các em không thi như vậy” - PGS.TS Trần Xuân Nhĩ nêu ý kiến.
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp nói rằng, không biết chủ trương từ đâu nhưng học và thi là quyền của học sinh.
“Nhà trường có thể phân luồng cho học sinh từ lớp 9. Việc phân luồng theo quy định để các em học sinh yếu kém có thể đi học nghề vừa học phổ thông, bổ túc văn hóa. Như ở Đồng Tháp có phân luồng học sinh nhưng không phải bắt buộc học sinh, phụ huynh phải viết ký giấy tự nguyện không thi lớp 10 mà có quy chế quy định từ đầu năm để các học sinh phấn đấu. Nếu cuối năm học, một số học sinh học lực yếu thì phải phân luồng cho đi học nghề chứ không thi lớp 10. Nếu rạch ròi chuyện đó thì sẽ rõ ràng nhưng không rạch ròi từ đầu năm thì học sinh và phụ huynh bức xúc là đúng” – đại biểu Phạm Văn Hòa cho hay.
|
Đại biểu QH Phạm Văn |Hòa. |
Ông Hòa cho rằng, hiện nay, bên cạnh các trường THPT công lập vẫn còn hệ thống trường nghề, học sinh vẫn có thể học nghề và học phổ thông khi học lực yếu kém không thể thi vào lớp 10 công lập. Tuy nhiên, nhu cầu thi lên lớp 10 là nhu cầu chính đáng của tất cả các học sinh. Học sinh muốn thi, nhà trường không thể không cho các em thi. Nếu nhà trường đề ra chủ trương làm đơn tự nguyện không thi là bệnh thành tích.
“Tôi nhớ khi làm Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, ông Nguyễn Thiện Nhân đã đề ra chủ trương nói không với bệnh thành tích. Nhưng thực tế, bệnh thành tích trong nhà trường hiện nay vẫn còn dai dẳng, một phần do quy định của mình nên các trường sợ bị ảnh hưởng” – ông Hòa nói và dẫn ví dụ như các em học sinh 100% phải lên lớp nhưng 1, 2 học sinh bị lưu ban thì thành tích của trường, lớp đó không được xét khen thưởng. Giáo viên chủ nhiệm không được xét khen thưởng, không được lao động tiên tiến, cờ thi đua.
“Do đó, mặc dù chúng ta nói như vậy nhưng bệnh thành tích vẫn dai dẳng, nhức nhối. Việc bắt học sinh yếu kém không thi vào lớp 10 là họ biết chắc chắn học sinh thi sẽ không đậu, lo lắng sẽ mang tai tiếng, ảnh hưởng đến nhà trường, lớp học, giáo viên nên vận động đừng có thi. Dù sao việc này là không đúng nên ngành giáo dục cần có biện pháp chấn chỉnh” - đại biểu Phạm Văn Hòa cho hay.
Liên quan phản ánh của phụ huynh, trao đổi với báo chí, bà Tạ Thị Tuyết, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Thanh Trì, khẳng định không có chuyện nhà trường ngăn cản học sinh yếu kém thi vào cấp 3 công lập.
Phó Hiệu trưởng Trường THCS Thanh Trì nói rằng, nhà trường có chủ trương phân luồng, định hướng nghề nghiệp cho học sinh theo chỉ đạo từ Bộ GD&ĐT. Căn cứ vào học lực của từng em, giáo viên sẽ phối hợp với phụ huynh để tư vấn, giúp học sinh định hướng nghề nghiệp.
“Hàng năm, nhà trường vẫn mời các trường trung cấp nghề đến để trao đổi với học sinh, giúp các con xác định được hướng đi phù hợp với năng lực. Nhà trường chỉ cung cấp thông tin, còn người quyết định vẫn là phụ huynh và học sinh chứ không hề ngăn cản hay ép buộc”.
Bà Tuyết cũng nhấn mạnh không có chuyện chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm khối lớp 9 vận động phụ huynh ký cam kết.
“Có thể trong công tác phân luồng, thầy cô truyền tải không toát lên được quan điểm chung khiến phụ huynh hiểu sai theo ý ép buộc. Nhà trường hiện có 222 học sinh lớp 9, và chúng tôi cam kết không bắt ép bất cứ học sinh nào để nâng thành tích của nhà trường” – bà Tạ Thị Tuyết cho biết.
>>> Mời độc giả xem thêm video Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 sẽ không có nhiều thay đổi
Hải Ninh