ĐBQH Phạm Thị Thanh Mai: Cần tìm ra “điểm nghẽn” trong việc phục hồi và phát triển kinh tế.

Google News

Theo ĐBQH Phạm Thị Thanh Mai, cần làm rõ "địa chỉ", "điểm nghẽn", giải pháp cụ thể để thực hiện tốt nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội.

Trao đổi bên lề trước thời điểm chuẩn bị diễn ra Phiên chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, đại biểu Phạm Thị Thanh Mai – Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội kỳ vọng Bộ Tài chính và các thành viên Chính phủ sẽ làm rõ hơn “địa chỉ”, những điểm nghẽn và giải pháp cụ thể để thực hiện tốt Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội.
Theo chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, phiên chất vấn của Quốc hội sẽ được tổ chức trong 2,5 ngày làm việc, bắt đầu từ chiều ngày 7/6 đến hết ngày 9/6.
DBQH Pham Thi Thanh Mai: Can tim ra “diem nghen” trong viec phuc hoi va phat trien kinh te.
 Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai – Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội.
 Chia sẻ về các nội dung sẽ được chất vấn tại Kỳ họp lần này trước thời điểm chuẩn bị diễn ra Phiên chất vấn và trả lời chất vấn, đại biểu Phạm Thị Thanh Mai – Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội cho biết, trong bốn nhóm nội dung chất vấn của bốn thành viên Chính phủ, đại biểu bày tỏ sự quan tâm đến trách nhiệm của Bộ Tài chính. Theo đại biểu, đây là một trong những nội dung nhận được nhiều ý kiến, kiến nghị của cử tri trong thực tiễn thời gian qua. Đặc biệt, trong khâu tổ chức triển khai thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế thuộc về trách nhiệm của Bộ Tài chính.
Qua thực tế, đại biểu Phạm Thị Thanh Mai chỉ ra rằng, gần đây có những nội dung đã gây tâm lý hoang mang cho các nhà đầu tư đối với thị trường rất nóng là thị trường chứng khoán. Một số sai phạm, vi phạm của các nhà đầu tư đang được các cơ quan điều tra và các cơ quan pháp luật làm rõ. Tuy vậy cũng có tác động ảnh hưởng đến tâm lý các nhà đầu tư và cũng có đại biểu đã phân tích rất kĩ lưỡng về các giá trị đã “bốc hơi” trên thị trường tài chính.
Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán cũng là một trong những kênh rất quan trọng để huy động các nguồn lực tham gia đầu tư và phát triển đất nước. Vì vậy, những khó khăn trong quá trình thực hiện các quy định pháp luật đối với lĩnh vực chứng khoán nói riêng rất cần Bộ Tài chính với tư cách thành viên của Chính phủ và với tư cách cơ quan quản lý nhà nước được Chính phủ giao trách nhiệm trong lĩnh vực này cần báo cáo rõ với đại biểu Quốc hội những bất cập trong quá trình thực hiện về đánh giá thể chế để có giải pháp khắc phục. Theo đại biểu, những bất cập hiện nay vừa do thể chế gây ra nhưng cũng đồng thời trong tổ chức thực hiện, do đó rất cần được quan tâm. Đặc biệt, cử tri rất mong chờ những nội dung này được các đại biểu Quốc hội nêu thẳng thắn, mang tính chất xây dựng trên nghị trường Quốc hội.
Chia sẻ về những kỳ vọng, đại biểu Phạm Thị Thanh Mai nêu rõ, Bộ trưởng Bộ Tài chính là thành viên Chính phủ có nhiều kinh nghiệm trên thị trường của Quốc hội với trách nhiệm hai vai là thành viên của Chính phủ và đại biểu Quốc hội, từ đó sẽ biết được những tâm tư, nguyện vọng của các đại biểu kỳ vọng ở Bộ trưởng. Đại biểu nhấn mạnh, việc Quốc hội đã ban hành Nghị quyết chưa có tiền lệ đã thể hiện sự quan tâm và cụ thể hóa cũng như trách nhiệm của Nhà nước đối với chủ trương của Đảng, đó là triển khai sớm để phục hồi và phát triển kinh tế một cách nhanh chóng nhất. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng như các thành viên khác của Chính phủ đã nhìn nhận được về những nội dung chưa đạt được theo yêu cầu mong muốn trong tổ chức thực hiện, đặc biệt là sự lo ngại của các đại biểu Quốc hội ngay từ khi bàn về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế.
Sau đợt dịch COVID-19 vừa qua, trong khâu tổ chức thực hiện đã có những khó khăn, bất cập. Về mặt khách quan thì rất chia sẻ với các trưởng ngành, tuy nhiên về mặt chủ quan, đại biểu Phạm Thị Thanh Mai cũng đánh giá và kỳ vọng hơn với câu trả lời của Bộ trưởng để làm rõ được “địa chỉ”, đâu là điểm nghẽn do chủ quan, tổ chức thực hiện để sớm khắc phục và có giải pháp. Theo báo cáo của Chính phủ cũng như ý kiến trả lời của Phó Thủ tướng Chính phủ, đến nay chưa giải ngân đủ 10% so với tổng nguồn lực đã quyết trong Nghị quyết của Quốc hội. Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội bày tỏ quan ngại về vấn đề này bởi thời gian vật chất không còn nhiều. Có nội dung mà chạy theo tiến độ thời gian thì chưa chắc đã đảm bảo được về mặt chất lượng, nếu không cẩn thận thì có những cái sai sót không đáng có xảy ra. Như vậy trong hệ thống chính trị không đáp ứng được yêu cầu và trách nhiệm của các cơ quan.
Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội chia sẻ, cá nhân đại biểu cũng quan ngại và lo lắng nếu xảy ra vấn đề sai sót không đáng có và dẫn đến sự thất thoát, những sai phạm trong quá trình triển khai tổ chức thực hiện Nghị quyết 43 của Quốc hội về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế mà làm suy giảm hơn nữa lòng tin của nhân dân, đây mới là điểm mất mát lớn nhất.
Nêu rõ Bộ Tài chính không thể làm hết tất cả trách nhiệm trong chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, do đó, đại biểu Phạm Thị Thanh Mai kỳ vọng, tại phiên chất vấn lần này, cùng với Bộ trưởng Bộ Tài chính, các thành viên Chính phủ khác như Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,.. là những đơn vị cùng đồng hành triển khai Nghị quyết 43 sẽ làm rõ hơn địa chỉ, rõ hơn những điểm nghẽn, rõ hơn về giải pháp cụ thể để thực hiện tốt Nghị quyết số 43/2022/QH15 theo đúng yêu cầu của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và cũng như kỳ vọng của nhân dân cả nước.
Thiên Tuấn