Sáng 10/7, tại phiên họp thứ 35, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 5 và 6. Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Chính phủ chỉ đạo quyết liệt để giải quyết vấn đề thiếu thuốc, vật tư y tế thuộc danh mục bảo hiểm y tế (BHYT), làm rõ nguyên nhân. Đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TPHCM), nguyên Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM đã có trao đổi với Tri thức và Cuộc sống về vấn đề này.
|
Đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TPHCM), nguyên Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM. Ảnh: Mai Loan. |
Bộ bảo đủ, dân nói thiếu do… bệnh thành tích
Tại phiên họp thứ 35, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng nay, trả lời Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm liên quan vấn đề người dân phải tự đi mua thuốc bảo hiểm y tế, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Chính phủ chỉ đạo quyết liệt để giải quyết vấn đề thiếu thuốc, vật tư y tế thuộc danh mục bảo hiểm y tế. Từng là đại biểu đã nêu ý kiến về vấn đề này, bà có suy nghĩ gì?
Tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV vừa rồi, Bộ Y tế vẫn khẳng định là không thiếu thuốc. Khi đó, tôi có nêu ý kiến, rằng thời gian vừa qua chúng ta đã bắt gặp rất nhiều vấn đề về lĩnh vực cung ứng trong ngành y tế, đỉnh điểm là sự thiếu thuốc, thiếu trang thiết bị, vật tư y tế ở các cơ sở điều trị. Chính phủ đã vào cuộc rất quyết liệt thể hiện ở việc ban hành Nghị định 07 và Nghị quyết 30.
Vấn đề là, từ giai đoạn đó cho tới nay, ngành y tế đã có những sơ kết, tổng kết ban đầu để thấy được những cái nào có ích, những cái nào thực sự tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong quá trình mua sắm thuốc và trang thiết bị để có thể luật hóa, để chúng ta không rơi vào tình trạng năm nào cũng thiếu? Không lẽ lúc nào Thủ tướng cũng phải ra nghị quyết. Tôi đã đề nghị phải khẩn trương làm rõ vấn đề này.
Thực tế, rất nhiều bệnh nhân đến bệnh viện phải tự đi mua thuốc, phải tự đi chụp chiếu ở các cơ sở tư nhân, phải tự đi mua vật tư y tế. Vậy vai trò của bảo hiểm y tế trong việc này thế nào?
Bộ Y tế khẳng định không thiếu thuốc, trong khi người dân lại phản ánh thuốc vẫn tiếp tục thiếu. Theo bà nguyên nhân ở đâu?
Tôi cho rằng, có căn bệnh thành tích ở đây. Thiếu thuốc nhưng Bộ lại không dám nói là thiếu, lúc nào cũng phải khẳng định là đầy đủ. Cuối cùng, thiệt thòi chỉ ở người dân.
Người dân tự mua thuốc bảo hiểm y tế phải được hoàn tiền
Khi người dân phải tự đi mua thuốc bảo hiểm y tế sẽ có những nguy cơ và thiệt thòi gì, thưa bà?
Bệnh nhân, đặc biệt là những bệnh nhân nghèo chủ yếu chỉ trông mong vào bảo hiểm y tế, vậy mà giờ lại phải đi ra ngoài mua thuốc có thể gặp một số thiệt thòi, nguy cơ. Thứ nhất, đó là thuốc ở ngoài có thể đắt hơn. Ngoài ra, việc bảo đảm chất lượng, nguồn gốc, xuất xử cũng đáng lo hơn là thuốc bảo hiểm y tế trong bệnh viện.
Vậy theo bà cần xử lý việc này thế nào?
Khi Ban dân nguyện đã đưa phản ánh lên thì tôi cho rằng, cần phải chất vấn Bộ Y tế, rút cục sự thật ở đây là gì? Có thiếu thuốc hay không? Với những trường hợp đã thiếu và đang thiếu thì phải giải quyết thế nào để bảo đảm quyền lợi của người dân? Người dân đã đóng tiền bảo hiểm y tế, nhưng tới khi bị bệnh lại thiếu thuốc, lại phải tự đi mua thuốc bảo hiểm y tế là sao?
Bản thân tôi hoàn toàn đồng tình với đề nghị của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương về việc Chính phủ cần có chỉ đạo quyết liệt để giải quyết vấn đề thiếu thuốc, vật tư y tế thuộc danh mục bảo hiểm y tế, làm rõ nguyên nhân. Tránh tình trạng người dân, các đoàn đại biểu phản ánh người dân bị thiếu thuốc, thiếu trang thiết bị y tế… còn Bộ Y tế thì lại cứ dứt khoát phủ nhận. Vậy giờ đưa chứng cớ ra, đề xuất hướng giải quyết.
Khi họp Ủy ban xã hội tôi cũng đã đề nghị rồi, thì Bảo hiểm y tế đổ lỗi cho Bộ Y tế rằng vẫn chưa có đề xuất phải làm thế nào. Đây là quyền lợi của người dân tại sao lại chậm chạp như vậy?
Tôi cho rằng, bảo hiểm cần phải trả lại tiền cho người bệnh. Bởi đây là quyền lợi chính đáng của người nộp bảo hiểm y tế. Quyền lợi của bệnh nhân mà bệnh nhân không được hoàn tiền là sai. Vấn đề là, cho tới giờ, chưa có ai được trả lại tiền. Theo tôi, phải trả lại cho người dân thì mới đủ sức “răn đe” để khắc phục việc thiếu thuốc này. Chứ giờ cứ đổ qua đổ lại, người trong hệ thống y tế có mất đồng lương nào đâu, trong khi người dân lại phải tự trả tiền.
Bài học kinh nghiệm nữa cũng cần lưu ý là hệ thống báo cáo thế nào? Nếu Sở y tế, bệnh viện nào báo cáo không thiếu thuốc mà người dân bị thiếu thì phải chịu trách nhiệm, chứ còn cứ báo cáo theo kiểu bệnh thành tích thành thì không được.
Việc này làm tôi liên tưởng tới việc mấy hôm nay chúng ta đang nỗ lực chống bệnh bạch hầu lan rộng. Năm ngoái, có tình trạng thiếu vắc xin tiêm chủng mở rộng, trong đó có vắc xin bạch hầu cho trẻ, người dân phải tiêm dịch vụ. Vậy, trong trường hợp người dân không có tiền tiêm dịch vụ, trẻ không được chích ngừa thì mấy năm nữa lại có thể bị bệnh bạch hầu. Trong khi đó, bạch hầu là bệnh cổ điển chứ có phải mới mẻ gì đâu?
Theo bà, trách nhiệm của người đứng đầu ở đây thế nào?
Đương nhiên người đứng đầu phải chịu trách nhiệm. Bởi đây là chuyện quan trọng của ngành. Chính phủ cần chỉ đạo xuống Bộ Y tế, chứ không thể có chuyện lúc nào Bộ cũng khẳng định rằng không thiếu, rằng đã có văn bản đầy đủ, tại các bệnh viện không vận dụng được. Nếu vậy thì tại sao Bộ không tìm hiểu nguyên nhân do đâu, và có giải pháp tháo gỡ? Đặc biệt là tình trạng người dân cứ phải tự đi mua thuốc đã diễn ra trong thời gian dài mà đến giờ vẫn không có chính sách đền bù cho người dân thì rất là vô lý.
Trân trọng cảm ơn bà!
Nêu ý kiến về tình trạng thiếu thuốc tại phiên họp thứ 35, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng nay, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm dẫn báo cáo nêu tình trạng thiếu một số thuốc, thiết bị y tế trong danh mục chi trả bảo hiểm y tế ở một số nơi, vẫn chưa đảm bảo, người dân phải mua bên ngoài.
"Trước đây, Bộ trưởng Y tế có trả lời trước Quốc hội và khẳng định không thiếu, các cơ chế, chính sách đảm bảo cho bệnh viện thực hiện, nhưng có vẻ các bệnh viện sau quá trình thực hiện chưa giải quyết được vướng mắc, hạn chế này, ảnh hưởng đến người dân, nhất là người bệnh nghèo, khám chữa bệnh bảo hiểm y tế nhưng không có thuốc, phải mua bên ngoài", ông Y Thanh Hà Niê Kđăm nhấn mạnh.
Theo ông, cần hết sức quan tâm, có các biện pháp cụ thể để giải quyết. Đặc biệt, ông đề nghị làm rõ thiếu thuốc do trách nhiệm của ngành y tế hay do thực tế khách quan.
Mai Loan (thực hiện)