Bác sĩ học 6-10 năm ra trường lương không bằng nhân viên bán hàng

Google News

Trao đổi bên hành lang Quốc hội, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan đã chỉ ra một trong những nguyên nhân khiến các y bác sĩ ồ ạt nghỉ việc là do lương thấp.

Trao đổi với phóng viên bên hành lang Quốc hội về việc hàng loạt các y, bác sĩ nghỉ việc ồ ạt trong thời gian qua, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, đoàn Quốc hội TP HCM cho biết, nguyên nhân đầu tiên đó là lương quá thấp. Những sinh viên vào các trường Y Dược đều là học sinh giỏi, thi đại học 9 - 10 điểm/môn. Sau đó, để ra trường, đi làm được, cũng phải mất từ 6 - 10 năm học tập, thực hành.
Bac si hoc 6-10 nam ra truong luong khong bang nhan vien ban hang
 Đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan trao đổi với PV bên hành lang Quốc hội. Ảnh: Mai Loan.
Vậy mà bác sĩ mới ra trường lương khởi điểm hệ số cũng chỉ hơn một phẩy - mức lương thấp nhất trong bậc lương cơ bản, sau đó mới tăng dần lên theo thâm niên. Thậm chí, "lương mới ra trường của một y bác sĩ không bằng một cử nhân hay nhân viên bán hàng”, bà Lan nói.
Một nguyên nhân nữa khiến các y bác sĩ bỏ việc, theo bà Lan, là do vấn đề tâm lý và môi trường làm việc. Việc các lãnh đạo ngành Y tế bị vướng vòng lao lý tạo tâm lý hoang mang cho các y bác sĩ và bệnh viên. Các bệnh viện không dám mua sắm hay đấu thầu vật tư y tế, thiếu thuốc, thiếu thiết bị... Trong khi đó, ngành y rất cần đến các kỹ thuật, máy móc công nghệ cao.
Việc thiếu cơ sở vật chất, thiết bị không đủ đã tạo tâm lý không tốt, cho y bác sĩ. Từ đó, họ bỏ bệnh viện công, sang bệnh viện tư làm.
Ngoài ra, còn một nguyên nhân nữa, đó là thể chế pháp luật. Nếu luôn phải làm việc với tâm lý nặng nề, sợ hãi, sợ sai… thì các y bác sĩ sẽ không muốn gắn bó với nghề.
Để “giữ chân” các y bác sĩ ở hệ thống công lập, điều đầu tiên là tăng lương. Mức tăng này phải bằng với lương ngành Công an hoặc ngành Bảo hiểm. Trong lực lượng vũ trang và ngành Bảo hiểm hiện nay, cấp trưởng phòng, phó phòng có hệ số lương hơn 1,8, mức này cao dần theo chức vụ.
“Trong khi bản thân tôi, hưởng lương ngang với Giám đốc Sở Y tế vẫn thấp hơn chuyên viên hai ngành kia. Tôi thấy quá buồn, đau xót cho các y bác sĩ, nhân viên y tế hiện nay. Mức lương không đủ trang trải thì làm sao để họ cố gắng, cống hiến”, bà Lan nói.
Ngoài tăng lương, theo bà Lan, về lâu dài cần phải có những điều chỉnh về môi trường làm việc và thế pháp luật – phải có sự minh bạch. Đồng thời, cần phải lấy lại vị thế của các y, bác sĩ trong lòng công chúng.
Dịch COVID-19 vừa qua, các y bác sĩ lao vào mặt trận chống dịch hết sức vất vả. Thậm chí nhiều người đã ngã xuống để có được sự bình yên như hôm nay. Nhưng rồi, đổi lại họ được gì? Khi đề xuất tăng lương cơ sở, mức tăng chỉ lên 1,2 (so với 1,0 trước đây).
“Nhìn lại mức lương của nhiều y bác sĩ mà tôi cảm thấy rất buồn, đau xót. Bởi tôi thấy sự hy sinh của chúng tôi chưa được xã hội nhìn nhận một cách thoả đáng”, bà Lan cho hay.
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan cho biết, bà kỳ vọng tân Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan sẽ dũng cảm quyết định những vấn đề quan trọng, mong muốn lớn nhất của ngành như tình trạng thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế. Bộ trưởng cần lắng nghe sự thật và quyết tâm để giải quyết chứ đừng hài lòng với các báo cáo của các sở y tế.
Với ngành y tế, người đứng đầu có chuyên môn thì là điều tốt nhưng không có nghĩa người không có chuyên môn thì không làm được. Từ trước đến nay, người có chuyên môn đã làm nhưng vẫn gặp khó, nay tựa như phép thử, không có chuyên môn nhưng nếu được sự ủng hộ lớn hơn của các lãnh đạo, mạnh dạn thay đổi những chủ trương, chính sách thì ngành y sẽ có cơ hội phát triển.

Mời quý độc giả xem video: "Đoàn Y, bác sĩ Quảng Ninh khẩn trương chống dịch tại Bắc Giang". Video do PV Tri thức và Cuộc sống thực hiện.


Mai Loan