Đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam theo kịch bản 3 có hợp lý?

Google News

Theo GS.TS Bùi Xuân Phong, đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam theo kịch bản 3, khai thác tàu chở khách và dự phòng chở hàng, tốc độ thiết kế 350 km/h, là không khả thi.

Trong văn bản góp ý kiến về đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam vừa gửi tới Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị - thành viên Ban Chỉ đạo xây dựng, thực hiện đề án - đã thống nhất đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam theo kịch bản 3.
Theo đó, Bộ Xây dựng thống nhất xây mới đường sắt Bắc - Nam theo kịch bản đường đôi, khổ ray 1.435 mm, tải trọng 22,5 tấn/trục, khai thác tàu chở khách và dự phòng cho chở hàng khi có nhu cầu, tốc độ thiết kế 350 km/h.
Trước đó, Bộ GTVT xin ý kiến về ba kịch bản đường sắt Bắc Nam, trong đó có hai kịch bản tàu tốc độ 350km/h chở khách riêng và dự phòng chở hàng.
Dau tu duong sat toc do cao Bac - Nam theo kich ban 3 co hop ly?
 GS.TS Bùi Xuân Phong.
GS.TS Bùi Xuân Phong, nguyên Chủ tịch Hội Kinh tế và Vận tải Đường sắt Việt Nam, Hội thành viên Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, cho rằng, đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam theo kịch bản 3 không có tính khả thi.
Theo ông Phong, cách thức vận hành tàu hàng và tàu khách rất khác nhau nên thiết kế tốc độ 350km/h cho cả hai loại tàu là không hợp lý, không đúng với góc độ công nghệ và vận tải.
Chạy tàu hàng yêu cầu trọng tải trục phải cao hơn tàu khách. Ngoài ra, muốn chạy tàu hàng phải có đường xếp dỡ, nhiều ga chờ và mất nhiều thời gian… Nếu đang chạy tàu khách mà có tàu hàng thì không thể chạy được 350km/h, vì tác nghiệp tàu hàng khác biệt với tàu khách, cơ bản nhất là việc xếp dỡ.
Bên cạnh đó, tốc độ tàu hàng sẽ không “đồng nhất” với tàu khách vì tàu hàng phải dừng đỗ ở nhiều ga. Quá trình ra khỏi ga rồi tăng tốc nhưng chưa đạt được tốc độ cao nhất, lại phải giảm tốc để vào ga kế tiếp bốc hàng, là hoàn toàn không “ăn ý” với tàu khách.
GS.TS Bùi Xuân Phong cho rằng, chạy cả tàu hàng và tàu khách phải có thiết kế chi tiết, cụ thể chứ không phải chạy tàu khách, dự phòng cho tàu hàng.
Nhận xét về ý kiến “ban ngày chạy tàu khách, ban đêm chạy tàu hàng”, GS.TS Bùi Xuân Phong cho rằng, “đây là ý tưởng không có chuyên môn, không thực tế”.
Bàn về tính chất của mỗi kịch bản, GS.TS Bùi Xuân Phong cho biết, kịch bản 1 là chạy tàu khách với tốc độ 350km/h nhưng dư luận lại đặt vấn đề về nhu cầu vận tải hàng hóa khi không có tàu hàng. Nếu cạnh tranh về tốc độ, phải chạy 350km/h theo kịch bản 1 nhưng nếu chạy cả tàu khách và tàu hàng theo kịch bản 3 thì lại không đạt được tốc độ.
Một số quan điểm cho rằng, chạy 220 - 250km/h theo kịch bản 2 nhưng tốc độ này lại không phải đường sắt tốc độ cao mà phải là tốc độ 320 - 350km/h.
>>> Mời độc giả xem thêm video Đường sắt trên sa mạc đầu tiên trên thế giới được xây dựng sao?
 
Thiên Tuấn