Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho hay, khác với các hoạt động vui chơi giải trí trong các trò chơi dân gian, các hoạt động "đánh bạc hợp pháp" (như các Casino, đua ngựa, đua chó, xổ số...) có sự quản lý của nhà nước thì hành vi đánh bạc trái phép có thể tạo ra một thế giới ngầm, gây ra nhiều hệ lụy tiêu cực cho xã hội nên hành vi này sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
|
Ảnh minh họa. |
"Đánh bạc là hành vi nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm trật tự xã hội, không chỉ ảnh hưởng xấu đến gia đình và cá nhân người chơi mà còn có thể là nguyên nhân của các tệ nạn xã hội và tội phạm khác. Do vậy, tội phạm này được quy định trong Luật hình sự Việt Nam rất sớm. Văn bản pháp luật đầu tiên quy định về tội phạm này là Sắc lệnh số 468 năm 1948.
Trước khi có Bộ luật hình sự cũ năm 1985, tội đánh bạc được quy định trong Sắc luật số 03 năm 1976. Trong Bộ luật hình sự cũ năm 1985 và năm 1999, tội đánh bạc đều được quy định thuộc nhóm tội xâm phạm trật tự công cộng. Tuy nhiên, trong Bộ luật hình sự năm 1999, tội đánh bạc được quy định cụ thể hơn với những dấu hiệu cụ thể giúp việc phân biệt giữa đánh bạc là tội phạm và đánh bạc là vi phạm cũng như với các dấu hiệu định khung hình phạt để phân hoá trách nhiệm hình sự giữa các trường hợp phạm tội đánh bạc" - luật sư Cường nói.
Luật sư Cường cho biết thêm, theo quy định thì người có hành vi đánh bạc trái phép dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật đều bị coi là hành vi vi phạm pháp luật. Trong thực tế không phải cứ tham gia trò chơi nào được thua bằng tiền hay hiện vật đều bị coi là hành vi phạm tội.
|
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội) |
Luật sư Cường chia sẻ, hiện nay các cơ quan, tổ chức có nhiều hình thức vui chơi giải trí có được thua bằng tiền hay hiện vật như: Xổ số, lô tô, casino… các trò chơi này đựơc Nhà nước cho phép nên không coi là hành vi phạm tội. Hay nói cách khác đây được xác định là đánh bạc hợp pháp, đánh bạc có sự quản lý của nhà nước áp dụng đối với từng đối tượng, từng mức độ và hạn chế đến mức thấp nhất những ảnh hưởng, hệ lụy, thiệt hại của hành vi này gây ra đối với xã hội.
Đánh bạc trái phép là một trong những tệ nạn xã hội, gây nhức nhối trong xã hội. Hành vi đánh bạc trái phép không tạo ra của cải vật chất cho xã hội mà gây ra những hệ lụy tiêu cực cho xã hội như: Người lao động, gian manh phải bị bóp, thủ đoạn để chiếm đoạt tài sản của nhau, người thắng bạc thì chơi bời trác táng phải kẻ thua bạc thì phá ra bại sản, tan vỡ hạnh phúc gia đình, thậm chí có thể trở thành tội phạm. Kéo theo hoạt động đánh bạc là đòi nợ thuê, cho vay nặng lãi thậm chí án mạng xảy ra khi các con bạc khát nước mâu thuẫn, xung đột với nhau.
"Hành vi đánh bạc trái phép là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy vào tính chất của sự việc mà người vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu hành vi chưa đến mức để xử lý hình sự thì người vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 VNĐ đến 2.000.000 VNĐ theo quy định tại điều 26 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính, phòng chống bạo lực gia đình.
Hành vi đánh bạc trái phép đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự được quy định tại điều 321 bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Nếu trường hợp đánh bạc trái phép với số tiền dưới 5.000.000 đồng nhưng người vi phạm trước đó đã bị xử phạt hành chính hoặc đã bị kết án về tội này mà chưa xóa án tích thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 321 bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017" - Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp phân tích.
>>> Xem thêm video: An Giang: Trốn dịch lên đồi đánh bạc, 8 đối tượng bị bắt quả tang
Nguồn: Đài Truyền Hình Đồng Tháp.
Gia Đạt