“Trước đây mỗi tháng Chi cục Thú y TP.HCM chỉ nhận 1-2 đề nghị phối hợp bắt chó chạy rông của UBND phường, xã. Thế nhưng chỉ trong một tuần của tháng 9, chi cục đã nhận bảy đề nghị phối hợp bắt chó chạy rông từ phường, xã và hai trường hợp phản ánh tình hình chó chạy rông của người dân. Điều này cho thấy chó chạy rông đang là vấn đề quan tâm của nhiều người” - ông Phạm Minh Trí, Trưởng trạm Phòng, chống dịch và kiểm dịch động vật thuộc Chi cục Thú y TP.HCM, nói.
Người dân, chính quyền cùng oải
“Mới đây có người trong xóm tôi bị chó chạy rông cắn phải chích ngừa. Họp tổ dân phố bà con đề nghị nhà ai nuôi chó thì nhốt trong nhà, đừng thả rông. Nói hoài cũng vậy nên bà con ý kiến lên phường” - bà H. (hẻm 401 đường Tân Kỳ Tân Quý, phường Tân Quý, quận Tân Phú, TP.HCM) nói.
“Tôi và không ít bà con phường Thảo Điền (quận 2, TP.HCM) oải với mấy con chó chạy rông. Chúng chạy qua chạy lại liên tục, sủa ầm trời, lại còn phóng uế tứ tung. Góp ý với chủ nuôi nhiều lần nhưng chuyện đâu vẫn còn đó nên tình nghĩa hàng xóm càng nhạt dần” - ông M. lắc đầu.
Sau khi nhận phản ảnh của bà con hẻm 401 đường Tân Kỳ Tân Quý, phường Tân Quý (quận Tân Phú), bà Dương Thị Cẩm Tú, Phó Chủ tịch UBND phường Tân Quý, gửi công văn đề nghị Chi cục Thú y TP.HCM tổ chức bắt chó rông tại địa chỉ trên cùng một số khu vực khác trong phường.
|
Nhân viên Chi cục Thú y TP.HCM đuổi bắt chó chạy rông. Ảnh: TRẦN NGỌC |
Theo bà Tú, hiện tình trạng nuôi chó chạy rông trên địa bàn phường Tân Phú xảy ra thường xuyên. “Chẳng những phóng uế bừa bãi, cắn người đi đường, chó chạy rông còn gây mất đoàn kết trong khu dân cư, mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng an toàn giao thông và sức khỏe người dân” - bà Tú cho biết.
Tương tự, ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Chủ tịch UBND phường Thảo Điền, cho biết gần đây phường tiếp nhận nhiều ý kiến của bà con về việc một số hộ dân thiếu ý thức thả rông chó. UBND phường đã thông báo đến các hộ nuôi đề nghị không thả rông chó nhưng thực trạng trên vẫn tồn tại. “UBND phường vừa có công văn đề nghị Chi cục Thú y TP.HCM tổ chức bắt chó thả rông trên địa bàn để giữ mỹ quan đô thị và ngăn ngừa bệnh dại” - ông Tuấn cho biết thêm.
Khoảng 35.000 người bị chó cắn hằng năm
“Từ đề xuất của chính quyền địa phương, Chi cục Thú y TP.HCM lên kế hoạch và tổ chức phối hợp bắt chó chạy rông. Có một thực tế xảy ra là chó thả rông thì nhiều nhưng bắt chẳng bao nhiêu, chỉ độ 3-4 con mỗi ngày. Lý do thấy xe bắt chó từ xa là chủ nuôi mở cửa cho chó chạy vô nhà” - ông Phạm Minh Trí, Trưởng trạm Phòng, chống dịch và kiểm dịch động vật thuộc Chi cục Thú y TP.HCM, cho biết.
Theo ông Trí, thống kê năm 2017 ghi nhận TP.HCM hiện có hơn 125.500 hộ nuôi chó, mèo với trên 227.260 con. “Tính tới thời điểm hiện tại, hơn 139.000 con chó (trên 61%) được tiêm ngừa dại. Điều này cho thấy số chó chưa tiêm ngừa dại còn khá nhiều” - ông Trí nhận định.
Chó dại sẽ truyền bệnh dại cho động vật, con người qua các vết cắn, vết liếm, vết cào, da, niêm mạc bị tổn thương… Trường hợp chó không dại cắn người thì cũng phải tiêm phòng.
Theo Viện Pasteur TP.HCM và Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, hằng năm trên địa bàn TP có 33.000-35.000 người bị chó cắn phải tiêm ngừa dại. “Bình quân người bị chó cắn tốn 800.000 đồng tiền tiêm ngừa. Tính ra thiệt hại do chó cắn lên tới hơn 26 tỉ đồng mỗi năm, một số tiền không nhỏ” - ông Trí phân tích.
Theo Trần Ngọc/PLO