Chó gây chuyện khắp nơi
Số là, chở vợ đi chợ về thấy con gái lớn ngồi ôm em khóc với đầy vết xước trên người, anh Hải, ngụ xóm trọ công nhân trên đường M1, liền hỏi nguyên do. Cô bé mười tuổi nói rằng, hai chị em trên đường đi ăn sáng trở về nhà thì bị một con chó màu nâu rượt. Hai chị em sợ quá nên cuống cuồng bỏ chạy dẫn đến té trầy xước khắp người. Thương con bị đau, giận con chó thả rông gây hoạ, anh Hải đi điều tra thì biết con chó rượt con mình là của cặp vợ chồng ở khu nhà trọ gần bên. Anh Hải qua nói chuyện với hàm ý “nuôi chó thì nhớ giữ chứ thả rông vậy dễ đe doạ trẻ em”. Cặp vợ chồng nuôi chó không những không tiếp thu, mà còn thách thức với lời lẽ có con không lo giữ chó rượt cắn ráng chịu, vì họ đâu có xúi chó cắn người. Vậy là cự cãi xảy ra, những người trong xóm trọ kẻ bênh anh Hải, người bênh cặp vợ chồng nuôi chó, đỉnh điểm là con chó không biết bị ai đánh mà lết vào nhà. Tưởng những người bênh anh Hải đánh chó của mình, cặp vợ chồng nuôi chó liền tấn công anh Hải.
|
Nuôi chó mèo ở Sài Gòn đang là vấn nạn khó giải quyết, vì việc phạt chưa giúp người dân có tinh thần thượng tôn pháp luật. |
Vụ việc chỉ được vãn hồi khi có người la lên rằng đã có người đi báo công an. Sợ bị phạt vạ nên ai về nhà nấy, nhưng nỗi ấm ức vẫn còn.
Một câu chuyện “cười ra nước mắt” không kém, là chuyện hai con chó “ma” chuyên ị bậy trước những căn nhà trên con hẻm 525 Huỳnh Văn Bánh, quận Phú Nhuận, gây bức xúc cho cư dân trong xóm. Qua “trinh sát” người dân trong xóm được biết có ít nhất hai con chó thường xuyên gieo rắc nỗi kinh hoàng khi đêm xuống. Biết chó của ai nhưng không bắt tận tay, day tận mặt thì gia chủ không ngán. Để rồi khi một người bắt được thủ phạm thì tình cảm chòm xóm cũng sứt mẻ, bởi gia chủ quá… quê! “Thật khốn nạn, họ biết sạch cho nhà họ, chứ không hề nghĩ chó của họ đi ị trước nhà người khác thì gia chủ khó chịu đến mức nào. Sống với những con người kém ý thức kiểu này, ức chế không chịu được. Đôi khi chỉ muốn lao vào bạt tai cho chủ vài cái cho đỡ tức, chứ cãi thì họ nói tại chó chứ đâu phải tại mình”, ông Cường, một cư dân trong xóm bức xúc, nói.
Chuyện chó gây hoạ, gây mất tình cảm trong khu dân cư ở TP.HCM thực tế là đáng báo động, tuy nhiên, chưa bức xúc bằng chuyện chó ngang nhiên xâm lăng khu vui chơi công cộng, gây lo ngại cho cả người lớn lẫn trẻ em. Dù phố đi bộ Nguyễn Huệ (Q.1) đã cấm chó đi dạo, nhưng giờ cứ đi ra đây là thấy chó. Chó khoá mõm có, chó không khoá mõm có, cứ vô tư đi sát trẻ em và du khách. “Con chó nặng vài ba chục ký, dù có khoá mõm nhưng lỡ chủ vuột tay một cái cũng có thể gây nguy hại cho trẻ nếu chó cố tình vồ. Ấy vậy mà nhắc nhở họ là họ sửng cồ và nói nhà ông đấy à, ông lấy quyền gì cấm. Thật là thiếu ý thức không chịu được”, ông Hoàn, một người dân thường tập thể dục trên phố đi bộ Nguyễn Huệ, ngao ngán.
Rồi chuyện con chó ở chung cư, khi cứ nhắc đến là người dân lại nhớ đến nỗi ám ảnh thường trực, nhưng đành chịu thua với những gia chủ thiếu ý thức, đành mang nỗi lo sợ cho con trẻ lỡ chẳng may gặp hoạ vì con chó hung hăng.
Biết nhưng… chịu thua!
Tìm hiểu luật mới thấy, việc xử phạt đối với vi phạm về nuôi, thả rông chó ở khu đô thị, khu dân cư thuộc thẩm quyền của UBND cấp xã, phường, thị trấn, và đã có từ cả chục năm nay. Tuy nhiên, điều khiến ai cũng phải giật mình là đến nay chưa có trường hợp nào cơ quan chức năng chủ động xử phạt, thường chỉ khi xảy ra hậu quả như chó cắn người thì mới truy lại để xử phạt, nhưng cũng rất hiếm, mỗi năm chỉ xử phạt được một vài vụ.
Theo giới luật sư, sở dĩ quy định trên không đi vào cuộc sống là do hiện tại chúng ta chỉ tập trung vào việc đặt ra mức phạt hoặc tăng mức phạt, mà không hề chú trọng đến khâu thực thi. Bởi lực lượng chức năng còn xem nhẹ hoặc buông lỏng quản lý, thì khó nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân, cũng như khó có thể xây dựng tinh thần thượng tôn pháp luật. Vậy có phải chăng phường, xã đang buông lỏng không thèm chú ý và xem chó thả rong là chuyện… vặt?!
Một chủ tịch phường ở Bình Tân cho rằng, chuyện chó nói riêng, gia súc nói chung thả rong gây tai hoạ là điều có thể thấy trước được, nên phường cũng thường xuyên cho người dân biết về hiểm hoạ, cũng như quy định chế tài. Phường cũng tiến hành xử phạt khi nhận phản ánh của người dân… Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng, hiện hàng ngày cấp phường phải giải quyết một khối lượng công việc rất lớn. Trong khi đó, các quy định ra đời đều giao về cấp phường thực hiện, nên rất khó xử lý. Đáng nói, phường không có lực lượng chuyên trách, không đủ chuyên môn để xử lý. Cụ thể, phạt thả rông chó, nếu không xác định được chủ thì phải bắt chó đi tiêu huỷ, nhưng gặp phải chó dữ thì sao bắt được? Chưa kể bị chó tấn công ngược lại thì sẽ nguy hiểm cho lực lượng làm nhiệm vụ. Do đó, cần có lực lượng chuyên trách để xử phạt chó thả rông, còn địa phương sẽ tăng cường tuyên truyền.
Theo Quân Minh – Đằng Giang (Thế Giới Tiếp Thị)