PGS.TS. Nguyễn Văn Nhật, Phó Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam (VUSTA) nhấn mạnh như trên khi nói về kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại trong đại thắng mùa xuân năm 1975 và bài học đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc hiện nay.
Ông khẳng định, thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mà đỉnh cao là Đại thắng mùa Xuân năm 1975 là kết quả của đường lối kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, đường lối giương cao hai ngọn cờ Độc lập dân tộc và Chủ nghĩa xã hội của Đảng.
 |
PGS.TS. Nguyễn Văn Nhật, Phó Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam |
Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại
Theo PGS.TS. Nguyễn Văn Nhật nêu rõ, sau thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ, Hiệp định Geneva về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam được ký kết. Theo Hiệp định, Việt Nam tạm thời bị chia thành hai vùng do hai bên kiểm soát, sau 2 năm sẽ tiến hành tổng tuyển cử tự do để thống nhất đất nước. Nhưng với âm mưu biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới, căn cứ quân sự ở Đông Nam Á, đế quốc Mỹ cùng chính quyền Sài Gòn khước từ hiệp thương với miền Bắc, tiến hành bầu cử riêng rẽ ở miền Nam, lập nên ở miền Nam chính thể Việt Nam Cộng hòa.
Để đấu tranh thực hiện thống nhất đất nước, tháng 8/1956, Đảng đã đề ra “Đường lối cách mạng miền Nam”, trong đó nhấn mạnh ba nhiệm vụ của toàn quốc là: Củng cố thật vững chắc miền Bắc; đẩy mạnh phong trào cách mạng miền Nam và tranh thủ sự đồng tình và ủng hộ của nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới.
 |
Hội nghị Giơnevơ (Thụy Sỹ) năm 1954 bàn về lập lại hòa bình ở Đông Dương (Ảnh tư liệu).
|
Nghị quyết Trung ương 15 (năm 1959) xác định: “Đẩy mạnh công cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam để hoàn thành sự nghiệp dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước, thực hiện thống nhất nước nhà, đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội”.
Tại Đại hội lần thứ III (năm 1960) đề ra đường lối cho cách mạng nước ta lúc này là: “Tích cực đưa miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội thì có thể tạo điều kiện cho cách mạng miền Nam phát triển mạnh mẽ và giành được thắng lợi, bảo đảm cho cách mạng cả nước tiến lên, sử dụng đầy đủ lực lượng của bản thân cách mạng Việt Nam kết hợp với lực lượng của cả phe xã hội chủ nghĩa và lực lượng của phong trào hòa bình và độc lập dân tộc để cô lập và cuối cùng chiến thắng kẻ thù hung ác nhất, nguy hiểm nhất của nhân dân ta là đế quốc Mỹ”.
Năm 1965, đế quốc Mỹ trực tiếp đưa quân vào miền Nam, tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc, trong Lời kêu gọi ngày 17/7/1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa, Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ. Không có gì quý hơn độc lập tự do, đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”. Người khẳng định: “Chúng ta có chính nghĩa, có sức mạnh đoàn kết của toàn dân từ Bắc tới Nam, có truyền thống đấu tranh bất khuất, lại có sự đồng tình ủng hộ rộng lớn của các nước xã hội chủ nghĩa anh em và nhân dân tiến bộ cả thế giới, chúng ta nhất định thắng”.
Như vậy, đường lối của cách mạng Việt Nam trong thời kỳ này này là đường lối kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, phát huy sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của hệ thống xã hội chủ nghĩa, tranh thủ sự ủng hộ của các nước xã hội chủ nghĩa anh em và nhân dân tiến bộ trên thế giới.
Với đường lối cách mạng đúng đắn đó, Đảng ta đã phát huy tới đỉnh cao chủ nghĩa yêu nước, tinh thần chiến đấu bất khuất, mưu trí, sáng tạo, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh của nhân dân Việt Nam, sự ủng hộ ngày càng mạnh mẽ của các nước trên thế giới để thực hiện hai nhiệm vụ: xây dựng, bảo vệ miền Bắc và giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
 |
Xe tăng của Quân Giải phóng húc đổ cánh cổng tiến vào Dinh Độc Lập trưa ngày 30/4 (ảnh tư liệu).
|
Khi cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 bắt đầu, với vai trò là hậu phương lớn, miền Bắc huy động tối đa toàn lực lượng cho chiến trường miền Nam. Chỉ tính riêng 4 tháng đầu năm 1975, miền Bắc đã chi viện cho miền Nam hơn 10 vạn quân và 230.000 tấn vật chất. Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, có hơn 80% quân số, 81% vũ khí, 60% xăng dầu, 85% xe vận tải, 65% thuốc men được chuyển từ miền Bắc vào miền Nam.
Tại miền Nam, Bộ Chính trị đã điện cho chỉ huy các chiến trường ở miền Nam “Phải nhanh chóng phát động quần chúng vũ trang nổi dậy, đập tan các lực lượng kìm kẹp ở cơ sở, kho tàng nhà máy, thành lập chính quyền cách mạng và xáp vào vận động binh sỹ bỏ súng đầu hàng, làm tan rã các đơn vị ngụy quân (…). Phát huy sức mạnh của ba đòn chiến lược, kết hợp tiến công và nổi dậy từ ngoại thành vào, từ trong đánh ra”.
Trên mặt trận ngoại giao, với tính chất chính nghĩa của cuộc kháng chiến và với đường lối đối ngoại đúng đắn, sáng tạo của Đảng, trên thế giới đã hình thành Mặt trận nhân dân thế giới ủng hộ Việt Nam chống Mỹ xâm lược. Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam không chỉ nhận được sự đồng tình ủng hộ của Liên Xô, Trung Quốc, các nước xã hội chủ nghĩa anh em mà còn được sự ủng hộ, đoàn kết của các nước tư bản chủ nghĩa, nhân dân yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới, trong đó có cả nhân dân Mỹ.
Với sự kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, sức mạnh trong nước và sức mạnh quốc tế, quân và dân Việt Nam đã tiến hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng Sài Gòn và hoàn toàn miền Nam, thu non sông về một mối.
Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV (1976) đã khẳng định: “Năm tháng sẽ trôi qua nhưng thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước mãi mãi ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc”.
 |
Kíp lái xe tăng do Đại đội trưởng xe tăng Bùi Quang Thận dẫn đầu tiến vào cắm cờ chiến thắng trên nóc Dinh Độc Lập (ảnh tư liệu).
|
Bài học đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay
Từ khi đất nước tiến hành công cuộc đổi mới, Đảng luôn coi mục tiêu độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, xây dựng và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với đoàn kết quốc tế là vấn đế có tính nguyên tắc.
Năm 1986, tại Đại hội lần thứ VI – Đại hội mở đầu thời kỳ đổi mới, tư tưởng “lấy dân làm gốc” được coi là cơ sở trong toàn bộ hoạt động của Đảng. Đại hội khẳng định: “Đảng ta coi làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa là bản chất của chế độ dân chủ xã hội chủ nghĩa cần được thể hiện trong mọi lĩnh vực của đời sống. Chúng ta đã xác định mối quan hệ Đảng lãnh đạo, nhân dân làm chủ, Nhà nước quản lý thành cơ chế trong toàn bộ quản lý xã hội”.
Đại hội lần thứ VII (năm 1991) khẳng định: “Không ngừng củng cố, tăng cường đoàn kết: đoàn kết toàn Đảng, đoàn kết toàn dân, đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế. Đoàn kết là truyền thống quý báu và là bài học lớn của cách mạng nước ta”.
Đến năm 2021, tại Đại hội lần thứ XIII, Đảng tiếp tục khẳng định: “Đại đoàn kết dân tộc là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam, là động lực và nguồn lực to lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” và đề ra nhiệm vụ: “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy ý chí, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới”.
Sức mạnh dân tộc được Đảng xác định bao gồm: Sức mạnh truyền thống, ý chí độc lập, tự cường của cả dân tộc; sức mạnh của đường lối đúng đắn, sáng tạo của Đảng; sức mạnh của nền kinh tế, chính trị, văn hoá tiên tiến; của nền quốc phòng, an ninh vững chắc; sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Đoàn kết toàn dân tộc chính là tạo nên sức mạnh bên trong (nội lực) của một quốc gia. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay, sức mạnh nội lực của nước ta là tổng hợp sức mạnh vật chất và tinh thần, sức mạnh cứng và sức mạnh mềm; được tạo nên bởi quy mô và chất lượng của dân số cả nước; của nguồn lực tự nhiên khá phong phú và của tiềm lực kinh tế và quân sự ngày càng lớn mạnh.
Đoàn kết quốc tế chính là tập hợp sức mạnh bên ngoài (sức mạnh thời đại). Sức mạnh thời đại hiện nay là các xu thế chính trị, kinh tế, xã hội trên thế giới như: hòa bình, hợp tác và phát triển, cách mạng khoa học công nghệ, xu thế dân chủ hóa, xu thế phát triển bền vững, tự chủ, xu thế hợp tác và liên kết kinh tế.
Bên cạnh đó, sức mạnh của thời đại ngày này còn là sức mạnh của cộng đồng quốc tế ngày càng đồng thuận trong kiến tạo, củng cố một trật tự thế giới dựa trên luật lệ, đa cực, đa trung tâm, dân chủ, công bằng, bình đẳng, sức mạnh của hàng trăm quốc gia phấn đấu hoàn thành các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ; sức mạnh của thế giới văn minh trong kỷ nguyên của cách mạng khoa học công nghệ, kinh tế tri thức, toàn cầu hóa...
Để tiếp tục phát huy sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, Đảng và Nhà nước, theo PGS.TS. Nguyễn Văn Nhật cần triển khai tốt một số biện pháp.
Cụ thể, về đối ngoại, Việt Nam cần đẩy mạnh đối ngoại song phương và nâng tầm đối ngoại đa phương. Chủ động tham gia và phát huy vai trò của Việt Nam tại các cơ chế đa phương, đặc biệt là ASEAN, Liên Hợp Quốc, APEC, hợp tác tiểu vùng Mê Công và các khuôn khổ hợp tác khu vực và quốc tế, trong những vấn đề và các cơ chế quan trọng có tầm chiến lược, phù hợp với yêu cầu, khả năng và điều kiện cụ thể.
Đồng thời, coi trọng phát triển quan hệ hợp tác, hữu nghị, truyền thống với các nước láng giềng; chủ động, tích cực và có trách nhiệm cùng các nước ASEAN xây dựng Cộng đồng đoàn kết, vững mạnh, giữ vững vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc an ninh khu vực.
Đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác song phương với các đối tác, đặc biệt là các đối tác chiến lược, đối tác toàn diện và các đối tác quan trọng khác, tạo thế đan xen lợi ích và tăng độ tin cậy.
 |
Lễ diễu binh, diễu hành sẽ diễn ra trọng thể vào 8h sáng ngày 30/4 (Ảnh: VGP)
|
Chủ động, tích cực tham gia các cơ chế đa phương về quốc phòng, an ninh theo tư duy mới về bảo vệ Tổ quốc; kiên quyết, kiên trì đấu tranh, làm thất bại mọi âm mưu, hành động can thiệp của các thế lực thù địch vào công việc nội bộ, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia và ổn định chính trị đất nước.
Tiếp tục thúc đẩy giải quyết các vấn đề trên biển, an ninh, an toàn hàng hải, hàng không trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982; củng cố đường biên giới hoà bình, an ninh, hợp tác và phát triển; giải quyết các vấn đề còn tồn tại liên quan đến đường biên giới trên bộ với các nước láng giềng.
Về đối nội, tiếp tục và kiên trì thực hiện công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị thực sự trong sạch, vững mạnh; đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; thực hành và phát huy dân chủ, lắng nghe và giải quyết kịp thời những nguyện vọng, kiến nghị hợp pháp, chính đáng, của Nhân dân.
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Nhà nước; tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân do Đảng lãnh đạo.
Xây dựng cơ chế, chính sách để giải phóng mọi tiềm năng, sức sáng tạo của nhân dân; phát huy vai trò chủ thể của nhân dân tham gia phát triển kinh tế, quản lý xã hội; xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, hình thức phù hợp để nhân dân tham gia ý kiến đối với những vấn đề lớn và quan trọng của đất nước; phát huy hiệu quả vai trò giám sát, phản biện xã hội và góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của nhân dân.
Tập trung phát triển kinh tế - xã hội, không ngừng cải thiện toàn diện đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân; tổ chức thực hiện tốt các chính sách xã hội, an sinh, giảm nghèo bền vững gắn với các chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, đối tượng yếu thế trong xã hội.
Khuyến khích làm giàu chính đáng, có cơ chế, chính sách bảo đảm sự công bằng, bình đẳng, cơ hội tiếp cận cho mỗi người dân trong quá trình phát triển, đóng góp cho sự phát triển đất nước và thụ hưởng thành quả phát triển.
Tăng cường và mở rộng các hoạt động đối ngoại nhân dân theo phương châm "chủ động, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả" góp phần xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với ba trụ cột là đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân. Vận động, tập hợp, đoàn kết, phát huy vai trò của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài hướng về quê hương, Tổ quốc.
Chiến tranh đã lùi xa 50 năm, nhưng bài học thắng lợi của Đại thắng mùa Xuân năm 1975, bài học của đường lối kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội sẽ luôn là động lực để Đảng và Nhân dân ta tiếp tục đổi mới, chủ động, sáng tạo, nêu cao ý chí tự chủ, tự lực, tự cường, vượt qua khó khăn, thách thức, tranh thủ thời cơ, vận hội mới, vững tin bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
Hải Ninh