Đại biểu tranh luận về đề xuất thu hồi đất như “đổ thêm dầu vào lửa”

Google News

Việc bổ sung thu hồi đất để cải tạo chung cư cũ vào diện thu hồi đất để phát triển kinh tế xã hội, vì lợi ích quốc gia có thể “đổ thêm dầu vào lửa.

Động thái “đổ thêm dầu vào lửa”
Chiều 21/6, thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Tại buổi thảo luận, đại biểu Quốc hội Nguyễn Trúc Anh (Đoàn Thành phố Hà Nội) đóng góp ý kiến đối với quy định về thu hồi đất để phát triển kinh tế-xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.
Theo đó, đại biểu đề nghị bổ sung thêm các trường hợp thu hồi đất đối với các dự án phát triển khu đô thị, cải tạo chung cư cũ, khu dân cư nông thôn, dự án chỉnh trang đô thị, dự án chỉnh trang khu dân cư nông thôn. Đây là mảng trọng yếu, Nhà nước phải làm nhưng rất cần xã hội hóa việc giải phóng mặt bằng thường tư nhân không làm hoặc khó làm.
Bên cạnh đó, đưa các dự án công viên thể dục thể thao, trường học, bệnh viện vui chơi giải trí vào trường hợp thu hồi đất hoặc đối với các dự án phát triển thương mại, dịch vụ và trường hợp thu hồi đất nếu có quy mô lớn, có tổng mức đầu tư trên 30.000 tỷ, có đóng góp vào sự phát triển kinh tế của địa phương thì được thực hiện cho thu hồi đất và đấu thầu dự án đầu tư theo quy định. Chi tiết của việc này do HĐND cấp tỉnh quyết nghị.
Dai bieu tranh luan ve de xuat thu hoi dat nhu “do them dau vao lua”
Đại biểu Đồng Ngọc Ba (Bình Định). Ảnh: QH.
Tranh luận với đại biểu Nguyễn Trúc Anh, đại biểu Đồng Ngọc Ba (Bình Định) cho hay, không đồng ý với đề xuất bổ sung trường hợp thu hồi đất vì mục đích phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng và bổ sung trường hợp thu hồi đất để cải tạo lại chung cư cũ. Dự thảo hiện tại khoản 3 Điều 79 quy định về các trường hợp thu hồi vì mục đích phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích quốc gia, công cộng đã bao gồm tất cả các dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư.
Vấn đề này Bộ Tài nguyên và Môi trường giải trình, tuy nhiên, đại biểu thấy giải trình đó vừa không phù hợp với thực tiễn và về pháp lý, vừa không phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành.
Đại biểu Đồng Ngọc Ba cho rằng việc bổ sung thu hồi đất để cải tạo chung cư cũ vào diện thu hồi đất để phát triển kinh tế xã hội, vì lợi ích quốc gia công cộng có thể trở thành động thái “đổ thêm dầu vào lửa” trong nỗ lực cải tạo chung cư cũ, trái với các quy định của pháp luật hiện hành. Vì vậy, đại biểu đề nghị cần nghiên cứu, xem xét kỹ nội dung này.
Không phải cứ dự án tư nhân là lợi dụng danh nghĩa để thu hồi đất
Tranh luận với các đại biểu, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho hay, ông không đồng tình với ý kiến rằng phải tránh tình trạng những dự án tư nhân đầu tư lợi dụng danh nghĩa dự án phát triển kinh tế - xã hội để thu hồi đất tràn lan và phải để cho người dân và doanh nghiệp tự thỏa thuận.
Dai bieu tranh luan ve de xuat thu hoi dat nhu “do them dau vao lua”-Hinh-2
 Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội)
Theo đại biểu, không phải cứ dự án tư nhân đầu tư là không phải phát triển vì kinh tế - xã hội, vì lợi ích quốc gia, công cộng. Chúng ta biết đất đai do Nhà nước quy hoạch nhằm mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, không quy hoạch vì lợi ích cá nhân.
Như vậy, bất kể một dự án nào thực hiện quy hoạch đất đai của Nhà nước đều là dự án thực hiện phát triển kinh tế - xã hội, vì một lợi ích quốc gia, công cộng. Lĩnh vực tư nhân cũng thế, có thể được thu hồi, đấy là điều kiện đủ.
Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, nếu Nhà nước thu hồi xong, cho người dân tham gia vào quá trình xây dựng phương án bồi thường, tái định cư, để được sự đồng thuận của người dân thì chúng ta sẽ đạt được các hiệu quả về kinh tế, xã hội tốt hơn và đáp ứng được đầy đủ những yêu cầu của Nghị quyết 18.
Ngược lại, nếu như chúng ta cứ để cho người dân với doanh nghiệp tự thỏa thuận thì rất nhiều những yêu cầu, như yêu cầu về việc đảm bảo hài hòa lợi ích không được thực hiện hoặc yêu cầu về tái định cư phải đảm bảo ổn định tốt hơn không được thực hiện.
Chính vì vậy, đại biểu cho rằng, việc Nhà nước đưa thu hồi và có phương án tái định cư tốt sẽ đảm bảo tốt hơn là phương án để tự thỏa thuận. Và theo ông, sẽ có 3 phương án.
Một là, quan hệ mua bán, chuyển nhượng đất đai không cần Nhà nước phê duyệt dự án. Hai là, các dự án người dân đóng góp đất để đóng góp cổ phần cùng kinh doanh. Ba là, những dự án tái điều chỉnh, phân loại khu dân cư hoặc là tái thiết đô thị.
“Tôi có bài tham luận sẽ gửi Ban Soạn thảo và chúng tôi rất mong là sẽ được Ban Soạn thảo nghiên cứu”, đại biểu Hoàng Văn Cường nói.
Mời quý độc giả xem video: "Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Hà Nội) nói về việc cần có quỹ bình ổn giá xăng dầu". Video do PV Tri thức và Cuộc sống thực hiện.

Mai Loan