Góp ý vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), TS. Ngô Văn Hồng, Trung tâm Nghiên cứu Quản trị Tài nguyên Vùng cao (CEGORN) cho biết, đất, rừng vừa là tài nguyên thiên nhiên vừa là yếu tố sản xuất quan trọng đối với trong ngành lâm nghiệp.
|
Hội nghị Lấy ý kiến các tổ chức, nhà khoa học về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) do Liên hiệp hội Việt Nam phối hợp tổ chức. |
Trong hệ thống pháp luật của Việt Nam, đất rừng và rừng chịu sự điều chỉnh của 2 Luật: Luật Đất đai 2013 điều chỉnh các quan hệ liên quan đến đất rừng; còn rừng với tư cách là tài nguyên, tài sản trên đất chịu sự điều chỉnh của Luật Lâm nghiệp 2017.
Giữa Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) và Luật Lâm nghiệp 2017 mặc dù đã có những tiếp thu quan trọng, nhằm đảm bảo hài hoà giữa hai hệ thống pháp luật, nhưng vẫn còn một số nội dung chưa thống nhất.
Chưa thống nhất về phân loại đất rừng và phân loại rừng
Theo TS Ngô Văn Hồng, Dự thảo Luật Đất đai (Điều 10) quy định phân loại đất theo mục đích sử dụng, trong đó có đất rừng sản xuất, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng thuộc lâm nghiệp (Luật đất đai 2013 quy định là đất nông nghiệp), nhưng không đưa ra khái niệm về 3 loại đất rừng.
Trong khi đó, tại Phụ lục 01 của Thông tư 28/2014/TT-BTNMT phân thành 3 loại đất là Đất rừng sản xuất, Đất rừng phòng hộ và Đất rừng đặc dụng. Một số thông tư của Bộ TN&MT cũng có những quy định liên rõ đối với các loại đất lâm nghiệp hoặc tiêu chí tiêu chí thành rừng đối với rừng mới trồng.
Tại Điều 2 của Luật Lâm nghiệp 2017 đã phân rừng thành 3 loại: là Rừng đặc dụng, Rừng phòng hộ và Rừng sản xuất. Một số các quy định trong thông tư của Bộ TN&MT cũng phân rõ 3 loại rừng này.
Việc không quy định rõ về khái niệm đất rừng trong Luật Đất đai mà được điều chỉnh bằng văn bản dưới Luật nên hiệu lực pháp lý không cao, thậm chí có cách hiểu khác nhau về đất rừng. Điều này dẫn đến có 2 sự bất cập cơ bản trên thực tế:
Thứ nhất, đó là sự chệnh lệch về diện tích đất rừng lâm nghiệp trong quy hoạch đất đai và quy hoạch rừng và cả trong thống kê.
Thứ hai, là chênh lệch về diện tích rừng trồng giữa số liệu thống kê của hai ngành (TNMT và NNPTNT) ở tất cả các cấp quản lý.
Hằng năm Bộ TN&MT công bố hiện trạng sử dụng đất, trong đó có diện tích đất rừng theo hướng dẫn của Thông tư 28/2014/TT-BTNMT. Trong khi đó Bộ NN&PTNT công bố diện tích 3 loại rừng (thực chất là diện tích đất được quy hoạch cho 3 loại rừng dựa theo Thông tư Liên tịch 07/2011/TTLT-BNNPTNT-BTNMT và diện tích rừng theo Thông tư số 34/2009/TT-BNNPTNT.
Việc này dẫn đến số liệu chưa thống nhất giữa 2 ngành, đặc biệt là diện tích đất chưa có rừng được sử dụng vào mục đích lâm nghiệp. Ở tất cả các tỉnh được tham vấn đều tồn tại vấn đề chênh lệch số liệu thống kê, số liệu hiện trạng.
Ví dụ, ở tỉnh Hòa Bình thống kê diện tích đất quy hoạch cho lâm nghiệp chênh với diện tích đất lâm nghiệp theo thống kê đất đai năm 2016 là 43.758 ha. Số liệu báo cáo với Quốc hội về diện tích rừng trồng giữa hai Bộ cũng có sự khác nhau.
|
Ảnh minh họa. Nguồn: Báo TN&MT. |
Cụ thể, đối với bất cập về diện tích đất lâm nghiệp và diện tích quy hoạch rừng: Ngành TN&MT chỉ coi diện tích đất có rừng (gồm rừng tự nhiên và rừng trồng) và rừng mới trồng là đất lâm nghiệp. Các diện tích khác như đồi núi, núi đá chưa thành rừng, hoặc diện tích được khoanh nuôi phục hồi chưa đạt tiêu chí thành rừng không được coi là đất lâm nghiệp mà coi là đất khác chưa sử dụng.
Trong khi đó ngành NNPTNT coi đất lâm nghiệp gồm cả đất chưa có rừng mà được quy hoạch cho 03 loại rừng, bao gồm cả diện tích có rừng (rừng tự nhiên, rừng trồng đạt tiêu chí thành rừng) và các diện tích đất chưa có rừng (gồm cả diện tích núi đá, thảm thực vật đang được phục hồi, đất đồi núi chưa thành rừng) được coi là quy hoạch thành đất rừng đặc dụng, phòng hộ và sản xuất.
Như vậy có thể thấy, khái niệm đất lâm nghiệp theo ngành TN&MT chỉ là một tập con của khái niệm đất lâm nghiệp theo quy định tại Thông tư liên tịch 07.
Từ đó, dẫn đến nhiều vấn đề phát sinh từ sự không thống nhất này. Trong đó có việc diện tích đất có rừng luôn bị giới hạn, chặn lại (ngày một nhỏ đi), không thể phát triển rừng, đặc biệt là diện tích để phục hồi rừng bảo vệ đa dạng sinh học ở vùng rừng phòng hộ và đặc dụng.
Trong mọi khu rừng trên thực tế (kể cả rừng đặc dụng và phòng hộ), khu nào cũng có các diện tích đất chưa có rừng ở bên trong (do tự nhiên như diện tích núi đá, hoặc do bị xâm lấn, đốt nương làm rẫy làm mất rừng), nếu coi diện tích đất chưa có rừng (hoặc đã bị mất rừng) này là đất chưa sử dụng hay đất khác thì việc quản lý cực kỳ khó khăn, dẫn đến đan xen và chồng chéo về chủ quyền sử dụng đất. Đây là một điều bất hợp lý trong quản lý, trong khi đó yêu cầu của quản lý là mọi khái niệm pháp lý phải được xác định thống nhất.
Nhiều trường hợp đất có rừng tự nhiện (thuộc quy hoạch rừng phòng hộ và đặc dụng), khi giao là rừng, nay bị người dân chặt phá, xâm lấn, đốt rừng hoặc do cháy rừng mà không còn rừng, theo ngành TN&MT thì được thống kê là đất chưa sử dụng. Việc này sẽ dẫn đến hậu quả là có rất nhiều diện tích đất bị chuyển đổi từ đất rừng thành đất khác, có nguy cơ dẫn đến gia tăng đốt phá rừng, chuyển đổi đất có rừng sang đất khác. Ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự toàn vẹn của tài nguyên rừng do không có dư địa để phục hồi rừng.
Việc quản lý rừng (đặc biệt là rừng đặc dụng và phòng hộ) sẽ rất khó khăn nếu có nhiều loại đất xen kẽ trong cùng một khu vực. Việc quy hoạch rừng tại các nước trên thế giới nói chung đều bảo đảm liền khu, liền khoảnh.
Các diện tích sông suối nhỏ, lán trại, công trình bảo vệ rừng (như chòi canh lửa, đường bang cản lửa…) trong rừng có được coi là đất lâm nghiệp hay không? Thực tế các diện tích này thuộc hệ sinh thái rừng theo khái niệm về rừng của pháp luật lâm nghiệp, cần được coi là đất lâm nghiệp để dễ quản lý và đảm bảo tính đa dạng, toàn vẹn của hệ sinh thái rừng.
Chưa thống nhất về đối tượng giao đất, giao rừng
Theo TS Ngô Văn Hồng, cả Luật lâm nghiệp và dự thảo Luật đất đai đều quy định giao đất gắn liền với giao rừng cho cộng đồng. Tuy nhiên, Luật đất đai trước đây và dự thảo Luật đất đai hiện nay chưa có một khoản nào quy định cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho đối tượng quản lý là cộng đồng.
Điều này, dẫn tới nhiều địa phương trên cả nước trong thời gian qua phải thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rừng cho cộng đồng vì chưa có quy định trong Luật và đã gây bức xúc lớn cho nhân dân. Đã có cộng đồng đề nghị trả lại phần rừng đã giao cho nhà nước sau khi bị thu hồi.
Mặt khác, hiện nay theo thống kê của UNDP, cả nước có khoảng trên 1 triệu ha đất rừng do cộng đồng quản lý theo truyền thống mà chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và đây là các khu rừng có chứa đựng giá trị đa dạng sinh học cao và đã được quy hoạch là rừng đặc dụng.
Trong dự thảo Luật Đất đai hiện nay tại điều 180 mới quy định giao rừng đặc dụng là rừng tín ngưỡng cho cộng đồng. Các trường hợp khác không quy định. Thực tế cộng đồng đang quản lý các khu rừng đặc dụng này theo truyền thống hoàn toàn tự nguyện ví dụ như bảo vệ Voọc gáy trắng, bảo vệ cua đá, bảo vệ rừng lim, rừng săng lẻ… để bảo vệ môi trường và bảo vệ tài sản cho thế hệ mai sau.
“Điều gì xảy ra trong tương lại nếu như cộng đồng không có khả năng kinh tế hoặc động lực để bảo vệ những khu rừng này?”, TS Ngô Văn Hồng đặt câu hỏi.
Ngoài ra, theo TS. Hồng, còn hàng loạt các điểm chưa thống nhất khác giữa Giữa Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) và Luật Lâm nghiệp 2017, như Khái niệm về thửa đất, lô rừng; Khái niệm về cộng đồng dân cư đối với đất và rừng được giao; Nội dung cho thuê đất rừng đặc dụng và phòng hộ; Xử lý vi phạm pháp luật về đất đai và rừng…
Với những góp ý của mình, TS Hồng mong sẽ được Ban soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu bổ sung đầy đủ để tránh chồng chéo, thống nhất khi Luật đất đai được ban hành.
Bài viết trích ý kiến góp ý của TS. Ngô Văn Hồng, Trung tâm CEGORN tại Hội nghị “Lấy ý kiến các chuyên gia, các nhà khoa học và các tổ chức, đơn vị về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)”. Hội nghị do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp tổ chức.
Mời quý độc giả xem video: "Hàng loạt cán bộ bị khởi tố vì sai phạm đất đai". Nguồn: ANTV.
Mai Loan