Đại biểu QH: Cân nhắc yêu cầu bổ sung thông tin bảo mật trên căn cước

Google News

Theo đại biểu, những thông tin sinh trắc học gồm ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt, ADN, giọng nói... có tính bảo mật cao nhất, cần được cân nhắc kỹ khi yêu cầu bổ sung vào CCCD.

Sáng 28/8, tại hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 4 cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau về dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi), nhiều đại biểu quan tâm thảo luận liên quan đến tên gọi và các thông tin thay đổi trên thẻ căn cước.
Cân nhắc yêu cầu bổ sung những thông tin có tính bảo mật
Phát biểu ý kiến về dự thảo Luật Căn cước công dân (sửa đổi), đại biểu Quốc hội Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) bày tỏ tán thành cao với các nội dung sửa đổi, chỉnh lý của dự thảo Luật, cho rằng các nội dung dự thảo Luật đã hướng tới sửa đổi, khắc phục các vấn đề bất cập của Luật hiện hành, đảm bảo cải cách hành chính, chuyển đổi số, đảm bảo quyền và lợi ích của công dân…
Dai bieu QH: Can nhac yeu cau bo sung thong tin bao mat tren can cuoc
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tạo (Lâm Đồng). 
Liên quan đến nội dung cụ thể tại Điều 9 quy định về thông tin của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Điều 15 quy định về thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước, đại biểu Nguyễn Tạo đề nghị cần cân nhắc việc bổ sung quá nhiều thông tin vào dữ liệu căn cước.
Bởi dự thảo Luật lần này yêu cầu bổ sung rất nhiều thông tin của công dân, trong đó có cả thông tin sinh trắc học gồm ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt, ADN, giọng nói...Theo đại biểu đây là những thông tin có tính bảo mật cao nhất của công dân nên cần được cân nhắc kỹ lưỡng.
Bên cạnh đó, đại biểu Tạo cũng đề nghị xem xét lại nội dung quy định chuyển tiếp và thời điểm hiệu lực thi hành của dự thảo Luật. Theo đó, cần bổ sung nội dung về lộ trình và nguồn lực thực hiện (nguồn lực con người, kinh tế, hạ tầng kỹ thuật...) để đảm bảo tính khả thi.
Đồng tình với tên gọi là Luật Căn cước công dân
Phát biểu tại Hội nghị, đại biểu Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) thống nhất cao với dự án Luật Căn cước và cho rằng dự án Luật này đã được chuẩn bị cẩn thận và chất lượng. Trao đổi thêm về tên gọi của dự thảo Luật, đại biểu Tạ Văn Hạ đồng tình với tên gọi là Luật Căn cước công dân.
Dai bieu QH: Can nhac yeu cau bo sung thong tin bao mat tren can cuoc-Hinh-2
 Đại biểu Tạ Văn Hạ (Quảng Nam).
Đại biểu cho rằng, Luật này phục vụ trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam và đối tượng là công dân Việt Nam, và trong Hiến pháp cũng có nhiều điều khoản nhắc đến nhiều từ “công dân”. Đối tượng công dân Việt Nam nằm trong quy định pháp luật của Việt Nam, còn những đối tượng chưa rõ quốc tịch, người gốc Việt còn liên quan đến quyền con người và đến các đối tượng khác.
Do đó, đại biểu Tạ Văn Hạ đề nghị cần đánh giá toàn diện tên gọi của Luật này và cân nhắc kỹ hơn có nên đưa một bộ phận nhỏ vào trong Luật này hay không, cần xem xét có phù hợp và đồng bộ với các điều ước quốc tế và các yếu tố khác hay không?
Về thông tin của công dân, đại biểu Tạ Văn Hạ đề nghị làm rõ hơn: nơi tạm trú, nơi thường trú và nơi ở hiện nay. Đồng thời cần xác định khái niệm về “quê quán”, cần xem xét thêm quy định như thế nào để phù hợp với thực tiễn.
Về vấn đề bảo mật, đồng quan điểm với đại biểu Nguyễn Tạo, đại biểu Tạ Văn Hạ cho rằng đây là vấn đề đời tư và bất khả xâm phạm, do vậy đại biểu đề nghị quy định những thông tin, điều khoản trong dự thảo Luật cần phải phù hợp với yêu cầu quản lý và vẫn đảm bảo đời tư, quyền con người, quyền công dân (vì hiện nay trong thực tế vẫn còn hiện tượng lộ lọt thông tin cá nhân).

Báo cáo tiếp thu, chỉnh lý một số nội dung lớn của dự thảo Luật Căn cước, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh (UBQPAN) Lê Tấn Tới cho biết, việc thay đổi thông tin thể hiện trên thẻ căn cước đã được đánh giá cụ thể trong quá trình xây dựng Luật, tương thích với các quy định của pháp luật có liên quan.

Dự thảo luật bỏ vân tay trên bề mặt thẻ (được lưu trữ trong bộ phận lưu trữ) để bảo đảm tính bảo mật trong quá trình sử dụng thẻ; bỏ thông tin “quê quán”, sửa đổi “số thẻ căn cước công dân” thành “số định danh cá nhân”, “căn cước công dân” thành “thẻ căn cước”, “nơi thường trú” thành “nơi cư trú”, bổ sung “nơi đăng ký khai sinh”... để tạo thuận lợi hơn cho người dân trong quá trình sử dụng thẻ căn cước và bảo đảm tính riêng tư của người dân.
Các thông tin căn cước của người dân cơ bản sẽ được lưu trữ, khai thác, sử dụng thông qua chíp điện tử trên thẻ căn cước; việc tích hợp cả QR code và chíp điện tử trên thẻ căn cước nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan, tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng thông tin công dân khi thực hiện các thủ tục hành chính, giao dịch dân sự.
Mời quý độc giả xem video: Bộ trưởng Lê Minh Hoan trả lời chất vấn về việc càng dùng từ "giải cứu" nông sản càng mất giá. Nguồn: THQH.

Mai Loan