Đại biểu Quốc hội (QH) Phạm Thị Minh Hiền, Ủy viên Ủy ban về Các vấn đề xã hội của QH, đã có bài viết về vụ gian lận điểm thi tốt nghiệp THPT quốc gia tại Hà Giang đang gây chấn động cả nước. Báo Người Lao Động xin giới thiệu bài viết này:
"Tôi cho rằng vụ việc tiêu cực về kết quả thi tốt nghiệp THPT tại Hà Giang vừa qua, một lần nữa đã đẩy niềm tin về giáo dục trong xã hội đứng trên bờ vực thẳm.
Còn ai khác đứng đằng sau vụ gian lận gây chấn động này?
Đấy là tôi vẫn còn nhiều lạc quan với tư cách của một phụ huynh học sinh có con, có cháu đang thụ hưởng nền giáo dục công lập của nước nhà. Bởi nếu không có niềm tin vào sự đổi mới giáo dục hiện nay, tôi biết đặt con cháu mình vào đâu trong hành trình tiếp thu tri thức khi không còn sự lựa chọn nào khác?
|
ĐBQH Phạm Thị Minh Hiền trong một lần phát biểu tại nghị trường - Ảnh: Quochoi |
Ở vị trí là đại biểu dân cử, tôi đã nhìn thấy nhiều “cú rơi tự do” về niềm tin đối với nền giáo dục đào tạo trong dư luận xã hội suốt một thời gian dài.
Rất nhiều tiếng nói từ lương tri đã được cất lên liên quan đến vấn đề thi cử trong giáo dục ở các cấp, không riêng gì kỳ thi tốt nghiệp THPT, nhưng rồi dường như những vấn đề đặt ra không nhận được câu trả lời thấu đáo, thay vào đó là những chương trình đổi mới đầy tính ảo vọng của những nhà quản lý giáo dục.
Cá nhân tôi hiểu được sự bức xúc và giận dữ của dư luận - nhất là với những phụ huynh và các em học sinh tham gia kỳ thi vừa rồi. Phải nói thẳng rằng, kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia vừa qua không nhẹ nhàng gì; có đánh giá thực chất trình độ thí sinh không, có khách quan không, có tiết kiệm cho ngân sách hay không thì chúng ta cũng thấy rất rõ.
Việc dư luận xã hội nhìn nhận đánh giá và việc Bộ Giáo dục và Đào tạo có báo cáo đánh giá kết quả kỳ thi quốc gia vừa qua, được công khai minh bạch trước công luận lại là 2 câu chuyện khác nhau.
Tôi rất mong, sau kết luận thẳng thắn và trách nhiệm của Cục Khảo thí Kiểm định chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo), cơ quan điều tra cần phải vào cuộc quyết liệt. Không chỉ làm rõ hành vi gian lận có chủ đích của chỉ một cá nhân mà cần làm rõ và trả lời cho được những nghi ngờ của dư luận xã hội, có hay không việc đang tồn tại “đường dây” chạy điểm thi với quy mô ra sao, hoặc còn ai khác đứng đằng sau vụ gian lận gây chấn động này.
Sự gian dối vô cùng nguy hiểm, sự bất công, nhẫn tâm không thể dung tha
Hiện nay dư luận đang có những suy đoán theo chiều hướng tiêu cực khiến cho phụ huynh và học sinh ở những địa phương khác rất hoang mang, lo lắng và bức xúc.
|
Đại biểu QH Phạm Thị Minh Hiền cho rằng Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cần lên tiếng về vụ gian lận điểm thi ở Hà Giang - Ảnh: GD và Thời đại |
Tôi đề nghị, các cơ quan chức năng cần nhanh chóng vào cuộc để điều tra làm rõ. Nếu phát hiện sai phạm thì phải có hình thức xử lý thích đáng và cần thiết là truy cứu trách nhiệm hình sự.
Không thể để một hành vi gian lận được thực hiện rất ngang nhiên giữa thanh niên bạch nhật, vô pháp vô thiên trong phạm vi của một kỳ thi cấp quốc gia, được kiểm soát nghiêm ngặt về an ninh theo quy định pháp luật.
Chúng ta đang dạy điều gì cho thế hệ tương lai, cho rường cột nước nhà từ những hành vi gian dối đến ghê sợ của người lớn như vậy? Chúng ta cần phải nhìn rộng ra rằng, có thể đó chỉ là hành vi sai phạm của một cá nhân, nhưng kết quả của kỳ thi này lại là kết quả của một địa phương và của cả quốc gia.
Nếu vụ việc không bị phát hiện thì chắc chắn đó là kết quả được công nhận hợp pháp, nhưng thực chất lại chứa đựng sự gian dối vô cùng nguy hiểm, sự bất công rất lớn và cả sự nhẫn tâm không thể dung tha bởi đã cướp đi không ít những cơ hội của không ít em học sinh xứng đáng nhận được.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cần lên tiếng
Sự vào cuộc rất nhanh và câu trả lời rõ ràng của cơ quan chuyên môn thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo là một động thái hết sức tích cực và trách nhiệm.
Tuy nhiên, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần phải thấy rõ trách nhiệm cao hơn của mình trong thời gian tới - nhất là trách nhiệm của bộ trưởng.
Dư luận mà cụ thể là các quý bậc phụ huynh, các em học sinh, báo chí đang chờ đợi sự thể hiện quan điểm của cá nhân bộ trưởng trước vụ việc gây chấn động này.
Dù hiện nay, không có quy định bắt buộc các bộ trưởng phải phát ngôn trước công luận về những bê bối, tiêu cực xảy ra trong lĩnh vực ngành đang quản lý. Nhưng xét cho cùng, không cần phải có những quy định bắt buộc thì tinh thần trách nhiệm, cách ứng xử văn minh với những đối tượng bị thiệt thòi, yếu thế do cách quản lý yếu kém của ngành mình gây ra, thì sự lên tiếng thể hiện quan điểm hoặc trấn an, trả lời dư luận là một việc nên làm đối với một tư lệnh ngành có tâm và có tầm.
Bên cạnh đó, tôi cho rằng đã đến lúc ngành giáo dục cần nghiêm túc xem xét lại có nên duy trì việc tổ chức thi chuyển các cấp nữa hay không.
Rõ ràng chúng ta thấy rằng, hầu như năm nào ở các kỳ thi chuyển cấp, từ cấp tiểu học cho đến cấp THPT, đặc biệt, kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia đều luôn có những bài viết phản ánh trên báo chí về những tiêu cực liên quan đến kỳ thi, từ đề thi cho đến hình thức thi, tính kỷ luật cho đến chất lượng thi...
Nên chăng, việc thi tốt nghiệp THPT giao cho các địa phương chủ động tổ chức, nội dung đề thi, hình thức thi phù hợp với điều kiện và sức học thực tế của thí sinh ở từng vùng miền, từng địa phương. Để kỳ thi diễn ra nghiêm túc thì các địa phương sẽ thực hiện theo quy chế chung do bộ ban hành.
Nhìn vào thực trạng hiện nay, và nhất là vụ việc đang gây khủng hoảng lớn về niềm tin trong những ngày qua, tôi thấy thương con em mình, thương cho bao lớp thế hệ học sinh, chúng đã được giáo dục những gì, đào đạo như thế nào mà học sinh chẳng mấy hứng thú trên hành trình tiếp thu kiến thức, chỉ toàn áp lực và ức chế.
Khi đến cột mốc quan trọng để các em chuẩn bị hành trang vào đời, là tốt nghiệp THPT chuyển sang bậc cao hơn, thì lại phụ thuộc hoàn toàn vào kết quả cuộc thi có tính may rủi vào các ô đáp án? Nó phản ánh điều gì về chất lượng dạy và học của nước nhà, chỉ thấy sự đánh đồng trình độ thực chất của thí sinh một cách xảo trá.
Với sự gian lận về kết quả thi như thế này, có em chưa thi đã biết mình sẽ đậu, có em học quên ăn quên ngủ lại phụ thuộc vào độ may rủi, đánh đu với số phận tương lai, trong khi mục đích, ý nghĩa của của tốt nghiệp THPT và đầu vào đại học hoàn toàn khác nhau.
Thi trắc nghiệm làm biến dạng kết quả đầu vào đại học
Hình thức thi trắc nghiệm đã nhận nhiều ý kiến trái chiều, nhiều ý kiến cảnh báo của dư luận và chuyên gia, nó kìm hãm sự phát triển năng lực sáng tạo của học sinh và đồng thời tổ chức tú tài IB Quốc tế đã khuyến cáo nên hạn chế. Đặc biệt, nó lại làm biến dạng kết quả đầu vào đại học bởi kỳ thi 2 trong 1 hiện nay. Điều đó, đồng nghĩa với việc làm biến dạng một lớp công dân theo mục tiêu mà giáo dục đặt ra, đó là có ý thức trách nhiệm, vừa hồng vừa chuyên..., thật nguy hại. Nói thẳng ra, chưa biết tương lai các em sinh viên sẽ tốt nghiệp đại học đạt loại gì nhưng ngay từ đầu vào đã thấy rõ sự thất bại.
"Thật tâm tôi muốn nói rằng, giáo dục và đào tạo là hành trình tiếp nạp tri thức của nhân loại, xây dựng con người, kiến tạo xã hội. Nó không phải là thực phẩm chúng ta tiếp nạp mỗi ngày để rồi trước tình trạng thực phẩm bẩn khó nhận dạng đang tràn lan hiện nay, người tiêu dùng không còn sự lựa chọn nào khác bằng cách đi chợ mua cân cá mớ rau bằng niềm tin và tiếp nạp chất độc hại tiềm ẩn bằng niềm tin... Tôi thật sự thấy đau khi đành phải so sánh như vậy".
Theo nguoilaodong