Khi ngành giáo dục đang hân hoan khi tỉ lệ tốt nghiệp THPT Quốc gia 2018 trên toàn quốc đạt 97,57%, đang tâm đắc với kỳ thi được cho là diễn ra rất nghiêm túc với quy trình tổ chức thi, chấm thi được đánh giá rất chặt chẽ của kỳ thi “2 trong 1” thì vụ việc nâng điểm thi tại Hà Giang không khác gì một gáo nước lạnh dội vào ngành giáo dục.
Nó như một “cơn cuồng phong”, một “trận lũ lớn”cuốn trôi tất cả niềm tin của người dân, của các bậc phụ huynh và ngay cả các em học sinh vào sự công bằng trong thi cử, niềm tin vào quy trình chấm bài thi trắc nghiệm được cho là thực hiện rất khoa học và nghiêm ngặt và mất luôn niềm tin vào kết quả chấm thi được cho là khách quan. Dù biết rằng, có lẽ trên cả nước, nhiều tỉnh thành đã thực hiện nghiêm túc quy chế của kỳ thi.
Thay vào đó, dư luận hiện đang có rất nhiều những câu hỏi nghi vấn về tiêu cực trong thi cử mà sự việc xảy ra ở Hà Giang là một ví dụ điển hình.
Một quy trình chấm bài thi trắc nghiệm được cho là khoa học và nghiêm ngặt, nhưng tại Hà Giang, những kết quả điểm thi bất thường đã được làm rõ có bàn tay “ma thuật” phù phép vào 330 bài thi dẫn đến sai lệch lớn so với thực tế.
|
Trụ sở Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang. Ảnh: Tiền Phong. |
Minh chứng rõ ràng nhất chính là kết quả chấm thẩm định mà Bộ GD&ĐT vừa công bố cho thấy, có đến 102 bài thi Toán đã chênh từ 1,0 điểm đến 8,0 điểm, có nghĩa điểm chấm thẩm định là 1,0 và điểm đã công bố là 9,0 điểm và có 85 bài thi Vật lý đã chênh lên từ 1,0 điểm đến 7,75 điểm (điểm chấm thẩm định là 1,0; điểm đã công bố là 8,75 điểm);Có 56 bài thi Hóa đã chênh lên từ 1,0 điểm đến 8,75 điểm (điểm chấm thẩm định là 0,75; điểm đã công bố là 9,5 điểm)…Đó chỉ là vài ví dụ trong hơn 330 bài thi của 114 thí sinh có tổng điểm đã công bố chênh lên hơn 1,0 điểm so với điểm chấm thẩm định.
Bất ngờ ở chỗ người có bàn tay “ma thuật” có thể phù phép những bài thi của các thí sinh thi được 1,2,3 điểm thành 9 điểm trong vòng có 6 giây lại là ông Vũ Trọng Lương, Phó Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng, sở GD&ĐT Hà Giang.
Tuy nhiên, việc ông Lương có thể sửa điểm 330 bài thi trắc nghiệm, trung bình mỗi bài mất 6 giây. Đáng chú ý, chỉ vỏn vẹn thời gian từ 12h đến 14h38 ngày 27/6 chuyển toàn bộ hòm bài thi trắc nghiệm và máy tính về Phòng Khảo thí, ông Lương đã mở ổ khóa niêm phong, rút bài ở túi và sửa đáp án cũng khiến dư luận cho đó là sự bất thường nếu không có bàn tay giúp đỡ của những người khác.
Bên cạnh đó, việc ông Lương xử lý tất cả bài thi của thí sinh qua mặt được cả thành viên ban giám sát ngồi ở đó đã thể hiện quy trình thanh tra Bộ và Sở chưa chặt chẽ và đáng buồn những thành viên tham gia về cơ bản không nắm được thao tác quy trình này. Đó có lẽ cũng là chuyện lạ xưa nay hiếm khi người làm nhiệm vụ giám sát lại không am hiểu lĩnh vực mình đang giám sát.
Hành vi vi phạm của ông Vũ Trọng Lương đã quá rõ ràng, việc dư luận quan tâm hiện nay là động cơ nào để ông Lương có thể bất chấp quy định của pháp luật để can thiệp nâng điểm thi của 114 thí sinh với 330 bài thi? Để làm rõ điều này không khó khi cơ quan điều tra kiểm tra điện thoại của ông Lương có nhiều tin nhắn, cuộc điện thoại liên quan tới việc nhờ vả, làm sai kết quả thi.
Rõ ràng động cơ của ông Lương không trong sáng và không vì những điều tốt đẹp cho các thí sinh được ông nâng đỡ điểm số. Bởi không ai lại đi làm điều phi pháp mà không có sự đánh đổi nhưng sự đánh đổi ấy vì tiền hay vì quyền hoặc chịu sức ép vẫn đang được làm rõ. Bởi một mình ông Lương không thể có “gan to bằng trời” mà dám làm việc động trời, kinh thiên động địa đến như thế.
Sẽ thật là thất kinh, rúng động dư luận nếu cơ quan điều tra vào cuộc phát hiện vụ điểm thi Hà Giang không chỉ có ông Vũ Trọng Lương mà sự gian lận đó là có hệ thống mang tính chất tập thể. Bởi vượt qua quy trình nghiêm ngặt rất chặt chẽ của Bộ thì “một bàn tay không thể che được cả bầu trời”.
Tất cả những băn khoăn của dư luận như trên sẽ được làm rõ khi mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo điều tra, xử lý nghiêm các sai phạm theo đúng quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, điều đáng ngẫm nghĩ, những người nhắn tin, điện thoại tới ông Vũ Trọng Lương nhờ vả, làm sai điểm thi ở Hà Giang có lẽ họ đều là phụ huynh dù giữ chức vụ nào hay giàu có đến đâu. Nhưng việc họ tìm mọi cách, dùng mọi thủ đoạn để “mua điểm”, “xin điểm” cho con mình cũng là điều đáng trách. Họ có lỗi với chính con cái của họ khi can thiệp để con mình được điểm số cao, có thể đỗ đạt vào các trường đại học trong khi thực lực con cái họ sẽ không thể theo học. Họ có lỗi với đất nước, khi để những đứa con không có năng lực thực sự có thể vì tiền mà qua được các cấp học, khi ra trường lại có vị trí trong bộ máy, cơ quan, đơn vị nào đó mà không có năng lực thật sự thì sẽ kìm chế sự phát triển, thậm chí nảy sinh thêm tiêu cực. Họ dạy con họ sự gian dối cho đến khi chúng trưởng thành, thậm chí dạy con họ cách dùng tiền để đạt được mục đích.
Và nay, khi sự thật về việc nâng điểm đang được làm rõ. Qua kết quả thẩm định có trường hợp một thí sinh ở Hà Giang nằm top điểm cao nhất nước khi Toán 9; Vật lý 9,5; Hóa học 9 nhưng sau khi chấm lại thí sinh này chỉ được Toán 1 điểm; Vật lý 2,75; Hóa học 3 và trượt tốt nghiệp. Không biết mai này, em sẽ phải đối mặt với dư luận thế nào để vượt lên trong cuộc sống. Phụ huynh thương con như thế khác nào lại hại con mình.
Rồi đây, ông Vũ Trọng Lương sẽ phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Nhưng dư luận vẫn đặt câu hỏi về trách nhiệm của Lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Giang, trách nhiệm của Trưởng ban chỉ đạo thi THPT quốc gia tỉnh Hà Giang, thậm chí là trách nhiệm của Bộ GD&ĐT khi để xảy ra sai phạm trên.
Dù tại buổi họp báo, chính ông Trần Đức Quý - Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang, Trưởng ban chỉ đạo thi THPT quốc gia tỉnh Hà Giang - nhận trách nhiệm về vụ việc.
Dù Bộ GD&ĐT được dư luận đánh giá dũng cảm khi dám công khai sai phạm trên và kịp thời, khẩn trương rà soát, xác minh kết quả thi bất thường của kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia năm 2018 tại tỉnh Hà Giang. Tuy nhiên, Bộ cũng nên nhận trách nhiệm về vụ việc trên để tiếp tục rà soát, hoàn thiện quy trình kỹ thuật bảo đảm giám sát chặt chẽ, khách quan, minh bạch đối với tất cả các khâu của kỳ thi THPT Quốc gia.
Trước mắt Bộ GD&ĐT cần làm rõ những điều mà dư luận đang băn khoăn như việc ông Vũ Trọng Lương, Phó Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng, sở GD&ĐT Hà Giang khi vẫn ngồi vị trí ấy công việc ấy mà vi phạm thì những năm trước đây ông Lương có thực hiện những hành vi tương tự hay khi Hà Giang phát hiện tiêu cực nâng điểm thi thì có nên rà soát các tỉnh thành, địa phương khác mà dư luận đang nghi ngờ cũng có điểm số cao bất thường?
Thiên Nga