Tại hội thảo Chính sách phát triển kinh tế xã hội tại đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt sáng 3/11, TS Võ Trí Thành cho rằng dự thảo luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt đã có bước tiến lớn so với dự thảo đầu tiên.
|
TS Võ Trí Thành |
Tuy nhiên, ông lưu ý, dự thảo luật đang hướng tới yếu tố ưu đãi nhiều quá. Theo ông, đặc khu phải là nơi thí điểm không những cho thể chế mà cho những tư tưởng phát triển mới.
Mạnh dạn áp dụng thủ tục hành chính điện tử
GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT nhận xét các quy định trong dự luật chưa mang tính đột phá. Ông dẫn chứng chính sách về thủ tục hành chính theo mô hình cửa thì hiện nay Chính phủ đang áp dụng trên phạm vi cả nước.
“Ở đây không có gì nhiều hơn cái chúng ta đang triển khai trên phạm vi cả nước”, ông nhấn mạnh và đề nghị phải mạnh dạn đưa ra yêu cầu tại các đặc khu này là thủ tục hành chính điện tử, một cửa điện tử, chứ không chỉ một cửa. Thậm chí trong xu hướng thế giới bước vào thời kỳ công nghệ 4.0 thì việc làm thủ tục hành chính là không cửa chứ không phải một cửa.
|
Phối cảnh tổng thể khu dịch vụ du lịch phức hợp cao cấp Vân Đồn. Ảnh: Báo Quảng Ninh |
Về chính sách đất đai, nguyên Thứ trưởng TN&MT cho rằng vẫn còn thiếu 1 điểm cần vượt lên là cơ chế thế chấp tại NH có pháp nhân nước ngoài (có đại diện thương mại tại Việt Nam) hiện mới chỉ chấp nhận tài sản gắn liền với đất chứ chưa áp dụng với quyền sử dụng đất.
“Khi chúng ta đã cho người nước ngoài mua nhà gắn liền với đất ở Việt Nam thì việc cho thế chấp bằng nhà và quyền sử dụng đất tại NH nước ngoài là tương đương nhau”, ông Võ nêu quan điểm.
Ông cũng lưu ý việc đảm bảo điều kiện bình đẳng giữa nhà đầu tư nước ngoài và trong nước. Hiện nhà đầu tư trong nước được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, được thuê đất và được nhận góp vốn vào quyền sử dụng đất đối với hộ gia đình cá nhân nhưng nhà đầu tư nước ngoài chưa được.
“Tôi đề nghị cho nhà đầu tư nước ngoài được những quyền đó nhưng trong phạm vi đất của dự án đầu tư đã khoanh ra rồi. Đây là điều dự luật còn thiếu”, nguyên Thứ trưởng TN&MT nói,
Ông cũng đề nghị cách tiếp cận đất đai tại các đặc khu nên đưa ra cơ chế theo hướng thị trường để phù hợp với thông lệ quốc tế.
Một số chính sách ưu đãi khác về thuế, tiền sử dụng đất, ông Võ cho rằng, không phải miễn giảm tất cả mọi thứ sẽ tạo ra sự hấp dẫn, “sử dụng đất thì phải trả tiền”.
Theo ông, nếu miễn giảm tiền này sẽ tạo ra hệ quả rất khó, sử dụng đất không hiệu quả, bê trễ, nhà đầu tư sẽ cố gắng tìm các quan hệ để có đất, có đất xong để đó chờ thời.
|
GS Đặng Hùng Võ |
“Có thể giảm thuế, giảm các việc khác nhưng thuê đất và trả tiền sử dụng đất là chính sách để đất đưa vào sử dụng kịp thời, hiệu quả cao chứ không phải giảm tất tần tật mọi thứ và mong muốn đấy là phát triển tốt”, GS Đặng Hùng Võ lưu ý.
Để không bị "sớm lạc hậu"
Chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng đặc khu tại Malaysia, ông Patrick Tay, Phó TGĐ phụ trách mảng tư vấn chính sách kinh tế PWC đưa ra 3 thông điệp chủ chốt. Đó là khung khổ pháp lý, chất lượng định chế, thể chế để có được “đặc khu” siêu hạng; phải liên tục nỗ lực không ngừng nghỉ mới có thể thu hút vốn FDI, đây là cuộc chạy maraton lâu dài; các thành công của đặc khu chỉ thực sự có khi tất cả mọi người đều được hưởng lợi.
Ông cũng nhấn mạnh đến việc nhiều đặc khu kinh tế trên thế giới thành công trước đây là phải quan tâm tới môi trường, chất lượng thể chế.
Đánh giá về dự luật, ông Patrick cho rằng phải có một bộ luật siêu hạng, không chỉ tập trung những gì tốt nhất hiện có mà còn đánh giá được xu thế trong tương lai để không bị “sớm lạc hậu”.
“Tính rõ ràng, tính chắc chắn và tính thể chế là 3 yếu tố phải có trong dự thảo luật này”, ông Patrick nói và đánh giá dự luật chưa có điều khoản đảm bảo thúc đẩy mạnh mẽ hơn sự đổi mới sáng tạo, ngăn ngừa quan liêu.
“Ví dụ cần tránh xu thế hình sự hoá, tăng tính minh bạch. Phi hình sự hoá – từ khoá quan trọng”, ông lưu ý.
Theo Thu Hằng/Việt Nam Net