Lắp thang trong hang Sơn Đoòng: Sở TNMT Quảng Bình nói gì?

Google News

Trước việc dư luận lo ngại việc lắp thang vượt bức tường trong hang Sơn Đoòng, Sở Tài Nguyên Môi Trường (TNMT) Quảng Bình đã có câu trả lời.

Sở TNMT tỉnh Quảng Bình cũng đã có công văn số 965 báo cáo UBND tỉnh sau khi đi thị sát đánh giá các tác động liên quan thực địa Sơn Đoòng, hang động lớn nhất thế giới.
Tận dụng 15 lỗ khoan cũ
Văn bản 965 do ông Nguyễn Hữu Thiện, Phó Giám đốc Sở TNMT tỉnh Quảng Bình ký với nội dung báo cáo chi tiết, trong đó nêu:
Phương án vượt “Bức tường Việt Nam” để khai thác thử nghiệm hang Sơn Đoòng theo lộ trình mới 4 ngày 3 đêm của công ty Oxalis đã được UBND tỉnh đồng ý tại thông báo số 816/TB-VPUBND ngày 20/3/2017. Công ty đã có văn bản cam kết bảo vệ môi trường đối với phương án thử nghiệm nói trên.
Ông Thiện cho biết: Tại địa điểm lắp đặt thang vượt “Bức tường Việt Nam”, với phương gần thẳng đứng (nghiêng khoảng 70 độ), có 3 lỗ khoan để móc khóa neo giữ đỉnh thang, trong đó có 2 lỗ khoan cũ, 1 lỗ khoan mới. Hiện tại, có một điểm của thang tỳ vào vách của “Bức tường Việt Nam” nhưng đã được kê lót bằng đệm cao su để tránh trầy xước. Đoạn di chuyển còn lại của “Bức tường Việt Nam” chiều dài khoảng 65m, nghiêng khoảng 45 độ, có 23 lỗ khoan để neo móc dây bảo hiểm (an toàn), trong đó 15 lỗ khoan cũ, 8 lỗ khoan mới.
Lap thang trong hang Son Doong: So TNMT Quang Binh noi gi?
Một đoạn thang trong thang trong Sơn Đoòng. 
Theo báo cáo của Công ty Oxalis, các lỗ khoan cũ do đoàn thám hiểm hang động Hoàng Gia Anh thực hiện năm 2010 khi khảo sát và thám hiểm hang, nay được trưng dụng lại. Cũng theo Công ty cho biết, các lỗ khoan có độ sâu là 10cm với đường kính là 1 cm; theo chiều sâu của lỗ khoan, có khoảng 2 cm khoan vào lớp nhũ đá phủ trên bề mặt của “Bức tường Việt Nam”, tiếp đến là 8cm khoàn sâu đá vôi gốc. Đồng thời, các lỗ khoan phải khoan vào đá gốc mới có độ chắc chắn và an toàn cho du khách. Lối đi đến cửa sau hang Sơn Đoòng được giới hạn khoảng 1m và đi qua khu vực ít nhạy cảm để tránh ảnh hưởng đến tính nguyên vẹn về địa chất và cảnh quan trong hang động.
Tác động không đáng kể
Báo cáo của Sở TNMT tỉnh Quảng Bình cũng đánh giá: Thang vượt bức tường Việt Nam không hề chạm tới thạch nhũ, việc lắp đặt thang và khoan vít không có dấu hiệu làm nứt vở bề mặt tại vị trí các lỗ khoan. Việc sử dụng lại các lỗ khoan cũ trước đây và một số ít các lỗ khoan mới với đường kính nhỏ (1cm), nên ảnh hưởng của nó là rất nhỏ, không đáng kể so với mục tiêu đảm bảo an toàn và cứu hộ, cứu nạn khi cần thiết. Ông Thiện đánh giá: Đoạn vượt bức tường 65m nghiêng 45 độ bằng dây an toàn với dãi lưu thông hẹp, chỉ khoảng 0,5 m đi qua trên bề mặt lớp nhũ tràn, lưu thông từng người một nên tác động đến lớp nhũ tràn trên nền đá gốc và các quá trình địa chất và cảnh quan của chặng “Vượt tường” nói trên là không đáng kể.
Lap thang trong hang Son Doong: So TNMT Quang Binh noi gi?-Hinh-2
Việc neo cố định thang có sử dung 15 lỗ khoan cũ của chuyên gia. 
Mặt khác, phương án thử nghiệm đã rút ngắn thời gian tour du lịch chinh phục hang động Sơn Đoòng từ 5 ngày 4 đêm xuống 4 ngày 3 đêm, cho phép giảm được đáng kể thời gian lưu trú của khách trên tuyến do không phải quay ngược lại tuyến cũ, nhờ đó giảm đáng kể tác động của du khách đến môi trường hang động, đảm bảo an toàn trong trường hợp có mưa lũ đột ngột; thuận lợi và kịp thời trong cứu hộ, cứu nạn đối với du khách khi có sự cố; nâng cao tính an toàn cho toàn tuor du lịch nói trên. Qua quan sát và đánh giá trực quan cho thấy, đoạn mới trong tuyến khảo nghiệm, mức độ tác động đến lớp thạch nhũ bề mặt và đa dạng sinh học, sinh thái là không đáng kể.
Như vậy, lộ trình vượt “Bức tường Việt Nam” theo giải pháp kỹ thuật nêu trên có ảnh hưởng đến các quá trình địa chất là không đáng kể; lợi ích đảm bảo an toàn, cứu hộ, cứu nạn và bảo vệ môi trường lớn hơn nhiều so với tác động của nó.

Sở TNMT cũng khuyến cáo UBND tỉnh cần chỉ đạo Công ty Oxalis có biện pháp chèn đá rời đảm bảo lối di chuyển toàn tuyến không gập ghềnh, tránh nguy cơ trượt ngã, thường xuyên kiểm tra trang thiết bị, bảo đảm các điều kiện an toàn cho du khách và nhân viên phục vụ trong quá trình khai thác tuyến du lịch. Phối hợp với BQL Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng xây dựng phương án phòng cháy chữa cháy khi xuyên qua khu vực rừng trong tuyến này; lắp đặt các biển báo, khuyến cáo, chỉ dẫn và cảnh báo an toàn cho du khách. Phối hợp với BQL vườn quốc gia PN-KB và các Sở, ngành liên quan tiếp tục nghiên cứu xây dựng phương án nhằm giảm thiểu thấp nhất có thể đối với bề mặt thạch nhũ non đang trong quá trình hình thành; tranh thủ ý kiến của các nhà khoa học, các cơ quan có liên quan để có kết quả chính xác về sự ảnh hưởng của việc khai thác tuyến mới du lịch hang Sơn Đoòng đến hệ sinh thái dộng thực vật ở khu vực hang động làm cơ sở để UBND tỉnh quyết định chính thức cho khai thác tuyến du lịch này.

Theo Sơn Nguyên/Một Thế Giới