Tại phiên tòa xét xử sơ thẩm đối với hai cựu Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng và các đồng phạm trong vụ án tiếp tay cho Vũ nhôm thâu tóm nhà đất công sản ở TP Đà Nẵng gây thất thoát hơn 22.000 tỷ đồng ngày 7/1, phần tự bào chữa của hai bị cáo Trần Văn Minh và Văn Hữu Chiến khiến dư luận tiếp tục thất vọng vì cán bộ làm sai đến khi ra tòa vẫn không dám nhìn nhận sai phạm của bản thân.
Theo đó, dù bị VKS cáo buộc trong thời gian giữ chức vụ cao nhất, ông Minh đã ký ban hành các văn bản chỉ đạo chủ trương xử lý nhiều nhà, đất công sản và dự án trái quy định, giữ vai trò chính, trực tiếp cùng các bị cáo khác phạm tội, tạo điều kiện cho Phan Văn Anh Vũ nhận chuyển giao tài sản, quyền quản lý, khai thác đối với 15/22 nhà, đất công sản và 6/7 dự án, gây thiệt hại hơn 22.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên tại tòa, cựu Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Văn Minh đã không nhìn nhận sai phạm của bản thân, còn luôn khẳng định đã làm đúng các quy định, một số việc sai nguyên tắc nhưng đã được cấp trên đánh giá là sáng tạo, có hiệu quả.
|
Bị cáo Trần Văn Minh tại tòa. |
Thậm chí trong phần tự bào chữa, Trần Văn Minh nói: “Ba tôi là cán bộ bị Mỹ bắt ra Côn Đảo 18 năm tù, mẹ tôi cũng phải ở tù 7 năm. Giờ viện kiểm sát buộc tôi 25 năm bằng y số năm bố mẹ ở tù của Mỹ. Bản thân tôi tham gia phong trào sinh viên miền Nam, sau này về xây dựng quê hương”, để từ đó cho rằng, cơ quan tố tụng đã gạt bỏ hết công sức đóng góp của gia đình bị cáo cho đất nước.
Đối với bị cáo Văn Hữu Chiến, theo cáo buộc của VKS, với cương vị Phó chủ tịch UBND Đà Nẵng giai đoạn 2006-2011, ông Chiến đã ký ban hành nhiều văn bản chuyển nhượng nhà đất cho Phan Văn Anh Vũ. Bị cáo này cũng được xác định là đồng phạm giúp sức cho Trần Văn Minh thực hiện hành vi phạm tội. Theo cáo buộc, bị cáo trực tiếp ký các văn bản cho phép chuyển nhượng 22 nhà đất công sản không đúng quy định, không qua đấu giá, giảm hệ số sinh lợi, tiền sử dụng đất và chuyển tên sử dụng đất để Phan Văn Anh Vũ thâu tóm nhà đất.
Tuy nhiên tự bào chữa tại tòa, bị cáo Văn Hữu Chiến cho rằng, ông ký các văn bản liên quan đến việc chuyển nhượng dự án, nhà, đất công sản cho Vũ “nhôm” là do phân công. Bản thân ông không muốn lên làm Phó Chủ tịch. “Lên mà phức tạp thế này tôi thấy không lên là đúng”, bị cáo này nói.
Trước phần tự bào chữa của hai cựu Chủ tịch TP Đà Nẵng Trần Văn Minh và Văn Hữu Chiến, nhiều ý kiến độc giả cho rằng, đó là “hài kịch” và cảm thấy vô cùng thất vọng khi cán bộ làm sai mà không dám thẳng thắn nhìn nhận sai phạm của bản thân.
Độc giả Trần Văn Hoan (Hà Nội) cho rằng, dù hai cựu lãnh đạo TP Đà Nẵng có kể công và cấp phó đổ lỗi cho cấp trên, cho vị trí công tác nhưng thực tế diễn biến tại tòa và các tài liệu do các cơ quan tố tụng cung cấp cho thấy, họ đều giữ cương vị người đứng đầu, lãnh đạo chủ chốt của TP Đà Nẵng, được nhà nước giao thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước và bộ máy hành chính của thành phố Đà Nẵng. Đồng thời chịu trách nhiệm trong việc quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, quản lý đất đai trên địa bàn thành phố này. Tuy nhiên, họ đã cố ý làm trái các quy định pháp luật, chỉ đạo cấp dưới thực hiện các thủ tục để làm quy trình bán nhà công sản, giao đất trái pháp luật.
Thực tế các hành vi này được thực hiện nhiều lần, liên tục trong suốt thời gian dài, có sự gắn bó, câu kết chặt chẽ giữa các lãnh đạo của TP Đà Nẵng với bị cáo Phan Văn Anh Vũ. Từ những sai phạm trên dẫn đến việc tiếp tay cho Vũ thâu tóm nhiều nhà, đất công sản, dự án đất có vị trí đắc địa tại trung tâm hoặc có giá trị sinh lời cao tại TP Đà Nẵng nhưng không qua đấu giá. Dẫn đến việc đất công sản được bán rẻ nhiều lần giá trị thực tế, gây thất thoát cho nhà nước với số tiền hàng chục nghìn tỷ.
“Với hành vi vi phạm đặc biệt nghiêm trọng gây mất niềm tin của nhân dân vào cơ quan quản lý Nhà nước tại thành phố Đà Nẵng, tạo nên sự bất bình đẳng trong cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng trong một thời gian liên tục và kéo dài. Việc VKS đề nghị mức án với cựu Chủ tịch Đà Nẵng Trần Văn Minh 25-27 năm tù; Văn Hữu Chiến từ 18-20 năm tù cho hai tội danh Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí và Vi phạm các quy định về quản lý đất đai là hợp lý”, độc giả Hoan cho biết.
Độc giả Nguyễn Minh cho rằng, việc bị cáo Trần Văn Minh mang công trạng của bố mẹ với cách mạng ra tòa để kể lể và cho rằng, các cơ quan tố tụng đã gạt bỏ hết công sức đóng góp của gia đình bị cáo này cho đất nước khiến bản thân độc giả này thất bất ngờ.
“Bố mẹ ông Minh đã đóng góp công lao cho cách mạng. Lẽ ra bản thân ông Minh phải lấy đó làm gương sáng để học tập, cống hiến cho đất nước ở cương vị lãnh đạo Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng. Tuy nhiên, bị cáo này với cương vị người đứng đầu lại thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật khi ký ban hành các văn bản, quyết định có nội dung thực hiện chủ trương khai thác quỹ đất và bán nhà công sản trên địa bàn thành phố Đà Nẵng trái quy định; đồng ý giá đề xuất bán không đúng quy định của các sở, ngành; chuyển đổi tên nhận quyền sử dụng đất trái pháp luật…để bán rẻ đất công cho Vũ “nhôm” gây thất thoát tài sản của nhà nước. Hành vi sai phạm của bị cáo là rõ ràng. Còn việc gia đình có công với cách mạng, với đất nước chỉ là tình tiết giảm nhẹ. Viện Kiểm sát đã dựa trên tình tiết giảm nhẹ để đưa ra mức án đề nghị trên”, độc giả Minh cho biết.
Nói về việc bị cáo Văn Hữu Chiến khi tự bào chữa cho rằng, việc ký các văn bản là do phân công và cảm thấy hối hận vì lên làm Phó Chủ tịch TP, độc giả Bùi Thanh cho rằng, đó chỉ là sự ngụy biện của bị cáo này.
“Dù được phân công nhưng bản thân bị cáo khi đó là Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng. Nếu thấy việc thực hiện không đúng có thể không ký các văn bản liên quan đến việc chuyển nhượng dự án, nhà, đất công sản cho Vũ “nhôm”. Chứ không phải cứ Bí thư Thành ủy tuyên bố cấp trên chỉ đạo cấp dưới thực hiện mà tự cho đó là áp lực và răm rắp làm theo để tiếp tay cho những hành vi sai phạm. Bên cạnh đó, nếu ông Chiến cho rằng, bản thân không muốn lên nắm vị trí Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng thì khi đó hoàn toàn có thể làm đơn trình bày nguyện vọng ý kiến. Chứ không phải khi ra tòa để xét xử những hành vi vi phạm mới nói không muốn lên. Ở bất cứ cương vị nào cũng cần phải thực hiện đúng các quy định của pháp luật”, độc giả Bùi Thanh cho biết.
Nhiều độc giả khác cho rằng, thay vì vòng vo đổ lỗi, các bị cáo nên thẳng thắn nhìn nhận sai phạm để hưởng sự khoan hồng của pháp luật. Bởi các bị cáo là nnhững người được Đảng, Nhà nước trao cho trọng trách nhưng không những không giữ mình mà đã thoái hóa, biến chất, bảo kê, tiếp tay cho tội phạm thì tất yếu sẽ bị pháp luật trừng trị. Như lời Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng mới đây đã nói: “Tất cả các bị cáo, kể cả các vụ khác, lúc đầu thì cãi, cũng cho rằng thế nọ thế kia, rồi có ý kiến xuyên tạc cho rằng đây là đấu đá nội bộ nhưng sau đều tâm phục khẩu phục, thậm chí cảm ơn, cho đi tù còn cảm ơn”.
>>> Mời độc giả xem video Lộ diện nhân vật tiếp tay cho Vũ "nhôm" mua đất vàng:
Tâm Đức