Ông trời lấy đi đôi mắt của Vương Hoài Ân (53 tuổi, trú tại ven biển Tây, thuộc xóm Mũi Dừa, ấp Bãi Ớt, xã Dương Hòa, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang), nhưng bù lại cho anh đôi tai ngoại cảm tinh tường, đôi tay rắn rỏi và ý chí phi thường quyết không đầu hàng số phận.
Là con út trong gia đình có 9 anh em, cha mẹ làm nghề chèo xuồng đánh lưới bắt cá, ghẹ gần bờ, năm lên 7 tuổi, chứng bệnh ban đỏ biến chứng cướp đi đôi mắt của cậu bé Ân.
Cậu bé 7 tuổi ngày đó tuy buồn khổ nhưng đã tự nhủ còn cả cuộc đời dài rộng sau này, không được phép đầu hàng hay gục ngã, cậu đã nỗ lực làm quen với bóng tối, và vận dụng tất cả tri giác, xúc giác của mình để đương đầu, thích ứng với cuộc sống mới.
|
Nhờ nghề lặn biển mà anh Ân học được nhiều kinh nghiệm. |
Ân treo can nhựa trên cột nhà để đoán cường độ của gió khi can va vào cột. Anh nhặt đá chọi về phía can nhựa để luyện cách định vị đồ vật.
Tập luyện ròng rã hàng tháng, hàng năm, anh Ân có thể làm những việc mà đến người sáng mắt cũng phải “bó tay”. Thậm chí hồi 25 tuổi, có lần anh còn bơi thi với đám bạn, vượt từ Bãi Ớt tới đảo Móng Tay, dài 5.4km bơi tay không và vẫn cán đích đầu tiên.
Giai thoại khiến người dân ấp Bãi Ớt vẫn thường nhắc nhớ, là chuyện anh Ân mù đuổi trộm. Chẳng là, có lần vào khoảng 3 giờ sáng, hai gã trộm rình rập, định lấy chiếc ca nô người ta gửi anh Ân. Đang ngủ, nghe thấy tiếng động lạ, anh Ân liền chụp lấy khúc cây thủ thân, quyết đi “đuổi trộm”.
Biết một tên trộm giả tiếng chó sủa, anh Ân nhanh tay ném khúc cây về phía phát ra âm thanh. Cú ném dứt khoát, chính xác khiến hai tên trộm hoảng sợ, nhảy ùm xuống kênh chạy mất.
Anh Ân kể, những năm tháng chiến tranh ác liệt, anh phải cùng gia đình sơ tán ra đảo Móng Tay. Những ngày tháng sống trên đảo đã rèn cho anh kỹ năng đánh bắt cá.
|
Đảo Móng Tay hoang vắng nên còn gọi là đảo Cô Đơn. |
Sau này cha mẹ qua đời, anh chị em chuyển về đất liền sinh sống, ai cũng có cuộc sống riêng, ly tán bốn phương, còn lại một mình anh sinh sống ở Mũi Dừa, buộc phải tự bươn chải mưu sinh.
Đối với người thường, tự thân vận động không hề dễ dàng, đối với người chung thân với bóng tối như anh lại càng khó khăn gấp bội. Thế nên anh phải vận dụng tất cả các giác quan để cảm nhận cuộc sống xung quanh. Cái tên “chuyên gia dự báo thời tiết bằng tai – mũi – họng” gắn với anh cũng từ đó.
Anh Ân lắng nghe tiếng gió thổi qua chiếc lục lạc treo trên tàu, nghe đá nổ dưới đáy biển để phân tích thời tiết. Biển càng động mạnh thì lục lạc càng kêu to. Đá nổ rốp rốp báo hiệu biển sẽ động mạnh, còn nổ lẹt rẹt như xé vải là chắc chắn có bão.
Trước khi trời đổ mưa, gió mang hơi lạnh xộc thẳng vào mũi, có mùi chan chát. Gió từ cấp 5 trở lên, anh Ân thông báo cho tài công điều khiển tàu theo hành trình an toàn. Điều lạ là những dự đoán của anh chưa bao giờ sai lệch.
Mấy mươi năm đi biển, anh Ân chẳng thể nào quên những ngày theo tàu thả câu vây bắt cá mập. Khi bủa câu, có 2 người đứng dưới khoang hầm, còn anh đứng trên khoang, móc lưỡi câu vào cá mồi nặng chừng 3-4kg rồi ném xuống biển.
Kể từ lúc thả mồi, anh phải dùng bộ óc linh hoạt để phân tích, đôi tai thính nhạy để nghe và đôi tay nhanh nhẹn để bắt cá. Anh bảo, cá mập mắc câu thì vùng vẫy, kéo liệt dây câu xuống đáy biển, rất khác các loài cá khác.
Lúc thấy dây động, bị kéo sâu xuống đáy biển, nhiệm vụ còn lại của những người bạn ngư phủ là kéo mạnh dây ngược lại. Sự ăn ý nhịp nhàng giữa các khâu khiến việc săn cá mập không quá khó khăn dù tàu có chạy hết tốc lực.
Thế nhưng, riêng bắt cá mú lại khác, vì khi cắn câu, cá mú chui vào rạn đá, ẩn mình trong hang. Khi tàu kéo câu đến đoạn dính cá, thì dây câu kẹt dưới đáy biển. Lúc này, anh Ân sẽ lặn xuống biển mò bắt cá mú trong hang.
Với sự tinh nhạy đặc biệt, anh Ân sẽ lần tìm đến phần đầu cá, xỏ cánh tay xuyên qua mang rồi dùng sức kéo cá ra khỏi hang. Khi anh giật dây câu đánh tín hiệu cho ngư phủ đứng trên tàu, họ sẽ kéo dây lên. “Với những con cá mú nặng 200kg, cuộc chiến giằng co vất vả hơn nhiều”, anh Ân bộc bạch.
Cuộc sống khắc nghiệt của Robinson trên “đảo Ma”
Trong những năm sống ở Mũi Dừa, có một người con gái thương mến anh, nhưng sợ cô gái ấy phải gắn nghĩa chung thân với người mù cả đời, anh Ân đã khước từ tình cảm ấy. Ôm mối tương tư sâu kín, năm 2000 anh quyết định trở lại đảo Móng Tay khai khẩn đất hoang.
Đảo Móng Tay chạy dài khoảng 1 cây số và chiều ngang nơi rộng nhất chừng 400m, nơi hẹp chưa đầy 10m. Đó là một đảo đá chông chênh, thường được gọi với cái tên đảo Cô Đơn vì không ai dám đến đó sống. Nơi này không điện, không nước ngọt, không một bóng người... Thế nên quyết định của anh Ân khiến không ít người choáng váng.
Anh Ân ra đảo Móng Tay nhờ quá giang tàu đánh cá. Anh dùng tay chọn tìm cây chồi mồi, bình linh và ổi rừng, đục đẽo thành cột, thành kèo. Nửa tháng cần mẫn đục đẽo, lắp ghép, ngôi chòi cheo leo mé biển cũng hình thành.
Toàn bộ vật dụng tối giản, thức ăn, nước uống anh Ân đều quá giang tàu ra vào đất liền mua. “Có những ngày biển động, không có tàu ra đảo, đồng nghĩa không có nước uống. Có khi tui phải nhịn khát vài ngày”, anh Ân nhớ lại.
Suốt 2 năm sống cô độc như Robinson trên đảo Móng Tay, anh nếm trải đủ những khó khăn nơi hoang đảo, ngoài thời gian theo tàu đi biển, anh lên rừng khai khẩn đất hoang, nuôi ý định gắn bó lâu dài với nơi này.
Ngư phủ nhiều lần chạy tàu qua đảo Móng Tay từng nghe thấy những tiếng than khóc rền rĩ, họ gọi đó là Đảo Ma. Bản thân anh Ân cũng nhiều lần gặp những chuyện kì quặc khó lý giải. Có lần, vào ban ngày, khi anh đang ngồi trên mé biển nghe tiếng chim hót, thì bỗng có tiếng đá lăn rào rào sau lưng.
Đá lăn tới sát nơi anh ngồi thì im bặt. Hoặc có lần anh đang ngồi, thì bị một cục đá từ trong bụi cây bay ra trúng người. Lại một lần nửa đêm anh đi bộ ra mũi nồm (eo đảo) thì chợt nghe thấy tiếng trẻ con khóc nức nở, tiếng đôi nam nữ tình tự rì rầm...
Chuyện cơm nấu buổi chiều, ăn xong còn sót lại tới 11 giờ đêm đã bị ôi thiu xảy ra không ít lần, dù thời tiết khô ráo. Nếu là một người bình thường, thần hồn nát thần tính, chắc chắn không khỏi sợ hãi và tìm cách trở lại đất liền, nhưng anh Ân tâm niệm, mình chẳng bao giờ làm điều ác, thì sao phải sợ ma quỷ vô hình.
Sống cô độc trong điều kiện vô cùng khắc nghiệt trên hoang đảo suốt 2 năm, anh Ân bỏ nghề làm ngư phủ bởi công việc ấy quá khắc nghiệt trong khi tiền tích cóp bèo bọt chẳng đáng bao. Anh kể, 17 năm làm ngư phủ, tiền công anh dành dụm được vỏn vẹn chỉ… 1,5 triệu đồng.
Năm 2003, anh Ân lấy 1,3 triệu đồng mua chiếc xuồng chèo, ngày ngày xuống biển quanh đảo Móng Tay tự mò hải sản. Hễ mò được nhiều sản vật biển, anh lại tự chèo xuồng vượt 5,4km vào bờ bán, mua gạo, muối và nhu yếu phẩm cần thiết rồi lại chèo xuồng ngược ra đảo.
Cuối năm 2003, cô bé Vương Thị Kim Vui (khi ấy 17 tuổi) ra đảo Móng Tay nhận anh Ân làm cha nuôi. Vui là con người anh thứ 3 của anh Ân. Khi người anh qua đời để lại 2 người con, anh Ân nhận Vui làm con gái.
Có thêm người con để trò chuyện, anh Ân đỡ cô đơn hơn. Trong khi anh lặn biển mò hải sản thì cô con gái nuôi ở nhà nấu cơm hoặc lên rừng phát cây làm rẫy. Cuộc sống bộn bề vất vả, đã nhiều đêm, cha con anh không an giấc, vì mưa bão hắt ướt hết chỗ nằm.
“Nhà sinh vật biển” đầy những vết sẹo trên tay
Ngày tháng trôi đi, đôi tay anh còn hằn sâu những vết dọc ngang do hải sản biển kẹp, cắn khi mò bắt. Anh Ân có thể lặn không cần ống hơi ở độ sâu 7m, lâu hơn 1 phút, khi lặn xuống biển, chỉ cần sờ tay vào anh biết ngay san hô loại gì và có loài hải sản nào trú ngụ. Biển cả nằm lòng trong trí nhớ của anh.
Anh bảo, anh tự hào về những vết sẹo in hằn trên tay, bởi đó là chứng tích của lao động, của sinh tồn. Trong số những sản vật bắt được, cua biển là loài “khó nhằn” nhất. Anh thường dùng chiêu “độc nhất vô nhị” là cởi quần ra chụp bắt cua.
Khi bị vải quần trùm mắt, con cua chẳng còn thấy gì để phản kháng. Có lần vì chiến đấu với cua biển mà anh bị kẹp 2 nhát vào tay khiến ngón tay bật máu. Thậm chí con cua vặn mình tự bẻ gãy cặp càng bỏ chạy.
Không chịu thua, anh Ân chịu đau đớn, liền áp miệng vào cắn bể 2 càng cua còn dính trên tay, lắng nghe nơi phát ra tiếng động, đoán trúng hướng của con cua. Như vậy, thao tác cuối, anh chỉ cần đưa tay bắt lấy con cua cự phách này.
Ngoài cua biển, anh nhớ mãi lần suýt mất chiếc quần dài vì bắt cá ngát khi dùng chiếc quần để trùm đầu cá. Rất may giữ lại được quần nhưng con cá thì sổng mất.
Nói về động vật có nọc nguy hiểm nhất dưới biển, anh Ân nhắc tới ngay đẻn cườm, bởi nọc đẻn độc như nọc rắn hổ mang. Nếu tay thợ lặn lỡ va trúng vào mình đẻn cườm liền bị đẻn mổ, nọc độc phát tán tê cứng cả người và mất mạng như chơi.
Anh Ân chia sẻ: “Tui biết một bài thuốc trị dứt nọc độc đẻn rất đơn giản và hiệu quả. Đó là hái cây rau muống biển rồi đập giập, vắt lấy nước cho người bị đẻn cắn uống, còn xác rau muống đắp vào vết thương. Làm vài lần là cứu được người, kể cả khi đờm đã kéo lên cổ họng gần ngạt thở. Rau muống biển còn trị được nọc độc khi bị rắn hổ mang cắn nữa”.
Anh Ân nói, chuyện đi đánh bắt hải sản biển bằng tàu, hay lặn đều phải đối mặt với nhiều nguy hiểm, đôi khi phải trả giá bằng tính mạng. Đôi lần khi chèo xuồng ra biển mò hải sản, lúc anh neo xuồng nghỉ thì tự dưng ong ở đâu bay túa ra đốt túi bụi.
Hay thời gian đầu mới ra đảo Móng Tay, anh liên tục bị nhum đâm, buốt thấu xương. Cách trị nhum đâm đơn giản nhất là dùng nước tiểu ấp vào vết thương. Lát sau toàn bộ gai nhum cắm trong thịt sẽ tự rời ra.
Chẳng vậy, ông Võ Văn Thành (55 tuổi, người có hơn 30 năm đi biển, nhà ở thị trấn Kiên Lương) trầm trồ thán phục: “Thấy ông Ân mù vậy nhưng tài giỏi lắm, xứng danh “chúa đảo”, người thường mắt sáng còn chẳng nhanh nhạy bằng ông ấy”.
Có lần để tiếp đón ông Thành và 4-5 người bạn ra chơi, đích thân anh Ân đã lặn xuống biển, chắc chỉ vài chục phút, lúc về vác cả thùng mồi lên đưa cho chúng tôi. Sau lưng đảo Móng Tay là hòn Khô, khu vực dày đặc nhum đen.
Dân đi biển chẳng dám thò chân xuống nước vì sợ nhum đâm, đằng này, anh Ân hùng hổ lặn xuống chỗ nhum sống làm đám ngư phủ có kinh nghiệm đi biển hàng chục năm còn phải lắc đầu thán phục. Đó là dưới nước, còn trên đất liền, ông ấy đào khoai một xíu đã được 2-3kg trong khi chúng tôi lúi húi vỏn vẹn chưa đầy 1kg”.
Sum họp nơi đất liền
Sau nhiều năm lăn lộn trên biển, chiếc xuồng chèo của anh Ân đã mục nát, buộc phải chuyển sang xuồng phao (bè xốp) đầy bất trắc. Khó khăn bủa vây cuộc sống của cha con anh Ân.
Năm 2014, biết hoàn cảnh mù lòa và sống gieo neo ngoài hoang đảo của cha con anh Ân, những người làm chương trình Điều ước thứ 7 của Đài Truyền hình Việt Nam đã tặng anh Ân bồn chứa nước và 1 chiếc xuồng máy để tiếp tục mưu sinh.
Vừa lúc bạn trai của cô con gái nuôi tên Lê Văn Giang (một chàng chăn vịt xứ Tiền Giang, quen nhau qua chương trình giao lưu âm nhạc trên sóng phát thanh của Đài Cần Thơ) muốn ra đảo, làm con rể anh Ân. Nhận được cái gật đầu của cha con anh Ân, Giang ra đảo, chạy ghe máy đi đánh lưới, câu mực, bắt cá... Cuộc sống hoang đảo Móng Tay đã dần bớt cô đơn.
|
Con gái và cháu anh Ân, đang vui tươi chuẩn bị chào xuân mới. |
Tháng 9/2015, một người chủ hầm khai thác đá ở huyện Kiên Lương ra đảo Móng Tay hỏi mua đất. Tiền bán đất, cha con mua được hai nền đất mới ở thị trấn Kiên Lương (huyện Kiên Lương, Kiên Giang) và dựng được một ngôi nhà cấp 4.
Gia đình chuyển về đất liền sinh sống, kiếm kế sinh nhai. Hàng ngày, anh vẫn đi lặn biển, đục bắt hàu, sò huyết, cá và cua đá, túc tắc bán được 200 ngàn/ngày. Vợ chồng con gái nuôi đã có con, đồng nghĩa anh Ân được lên chức ông ngoại. Con rể xin được công việc lái xe cho một doanh nghiệp khai thác mỏ, cuộc sống hạnh phúc ấm êm.
“Ngẫm lại mình thấy ông bà xưa nói đúng, “nhất nghệ tinh nhất thân vinh”. Tui bám biển đảo nên sau mấy chục năm cũng có ngày lên bờ, cuộc sống về già của tôi coi như viên mãn bởi con cháu yên ổn, an cư lạc nghiệp.