Bộ Công Thương lý giải nguyên nhân tiền điện tăng cao
Bộ Công Thương vừa có báo cáo số 3489/BCT-ĐTĐL gửi Chính phủ về phương án tăng giá điện theo Nghị quyết số 30/NQ-CP; xây dựng, ban hành và kiểm tra thực hiện Quyết định số 648/QĐ – BCT về việc điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân và quy định giá bán lẻ điện.
Về thực tế sử dụng điện, trong tháng 4/2019, nền nhiệt độ ở cả ba miền đều tăng cao, đặc biệt là khu vực miền Bắc và miền Nam. Nhiệt độ trung bình toàn quốc tháng 4/2019 tăng 16% so với tháng 3, dây là nguyên nhân chính dẫn đến nhu cầu phụ tải điện quốc gia và cả ba miền trong tháng 4/2019 tăng hơn so với tháng 3 và cùng kỳ 2018.
Bên cạnh đó, theo báo cáo của EVN, tổng điện năng thương phẩm tăng 10,26% so với cùng kỳ năm 2018 và tăng 14,23% so với tháng 3/2019. Trong đó, phụ tải quản lý, tiêu dùng (bao gồm sinh hoạt) tăng 14,15% so với cùng kỳ năm 2018 và tăng 21,23% so với tháng 3/2019.
|
Các Tổng công ty điện lực và công ty điện lực đã thực hiện đúng quy định. |
Đồng thời, thông qua phần mềm Hệ thống thông tin quản lý khách hàng của EVN, cho thấy lượng khách hàng sử dụng lượng khách hàng sử dụng điện dưới 200kWh có giảm, trong khi lượng khách hàng sử dụng điện trên 200kWh có tăng. Tuy nhiên, phần lớn khách hàng sinh hoạt trên cả nước ngay trong tháng 4 nắng nóng cũng chỉ sử dụng điện dưới 200kWh. Cụ thể, trong tháng 4/2019, khách hàng sử dụng điện sinh hoạt dưới 200kWh chiếm 68,15%, dưới 100kWh chiếm 31,6%.
Bộ Công thương khẳng định, kết quả kiểm tra thực tế công tác niêm yết công khai giá điện mới theo Quyết định số 648/QĐ-BCT được được các đơn vị thực hiện đúng quy định tại Điều 6 Luật Giá và đảm bảo thông tin về việc điều chỉnh giá điện đến các khách hàng kịp thời.
Công tác ghi chỉ số công tơ, chốt chỉ số, tính tiền điện trong tháng thay đổi giá, áp giá bán lẻ điện và thanh toán tiền điện được các đơn vị thực hiện đúng quy trình kinh doanh của EVN, cũng như tuân thủ theo Nghị định số 137/2013/NĐ-CP về ghi chỉ số công tơ, thanh toán tiền điện vả Thông tư số 16/2014/TT-BCT ngày 29/5/2014 của Bộ Công Thương.
Thực tế cho thấy, hoá đơn tiền điện của nhiều khách hàng sinh hoạt trong tháng 4/2019 tăng là do 3 nguyên nhân: Sản lượng điện tiêu thụ của khách hàng tăng do thời tiết nắng nóng, nhiệt độ tăng cao; tác động của việc điều chỉnh tăng giá điện 8,36%; kỳ ghi chỉ số công tơ của tháng 4 là 31 ngày, dài hơn 3 ngày so với kỳ ghi chỉ số công tơ của tháng 3/2019.
Giá bán điện của Việt Nam vẫn thấp hơn các nước
Theo Bộ Công thương, việc điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân được thực hiện theo các văn bản như Luật Điện lực, Quyết định số 24 về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện; quyết định 34 về khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân.
Tại Thông báo số 19/TB-VPCP thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 29/1/2019, Thủ tướng Chính phủ kết luận chủ trương điều chỉnh giá bán lẻ điện năm 2019 theo phương án tăng 8,36% so với mức giá bán lẻ điện bình quân hiện hành và yêu cầu Bộ Công Thương lựa chọn thời điểm thích hợp trong khoảng từ ngày15/3 đến ngày 30/3/2019 để thực hiện việc điều chỉnh.
Bộ Công Thương có văn bản số 212/BCT-ĐTĐL báo cáo Thủ tướng Chính phủ về điêu chỉnh giá bán lẻ điện bình quân năm 2019. Trong đó, đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến chỉ đạo về việc điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân năm 2019 lên 1.864,44 đồng/kWh, tăng 8,36% kế từ ngày 20-3-2019.
Bộ Công Thương cho biết tính toán trên thông số đầu vào cho thấy chi phí mua điện năm 2019 tăng khoảng 20.900 tỷ đồng. Như vậy, giá điện bình quân năm 2019 là 1.864,44 đồng/kWh, tương ứng tỉ lệ tăng giá so với giá bán lẻ điện bình quân hiện hành là 8,36%.
Cũng theo bộ này, phương án tăng giá bán lẻ điện bình quân đã thực hiện chưa bao gồm khoản chênh lệch tỉ giá thực hiện hợp đồng mua bán điện dự kiến năm 2018. Do đó nếu tính thêm thì giá bán sẽ là khoảng 1.879,90 đồng/kWh, tăng tương ứng 9,26%.
Do vậy, Bộ Công Thương cho biết, thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ đã ban hành quyết định 648/QĐ-BCT ngày 20/3/2019 về điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân và quy định giá bán điện.
Việc sử dụng biểu giá điện lũy tiến,Bộ Công Thương cũng là để khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm và thực hiện an sinh xã hội, vốn là phương pháp được nhiều áp dụng.
Bộ Công Thương đã dẫn nguồn Globalpettrolprices tại tháng 6/2018 và Statisticstimes tháng 3/2019 về số liệu giá điện các nước trên thế giới để so sánh giá điện của Việt Nam với các nước.
Theo đó, so với các nước Đông Nam Á: Sau khi điều chỉnh giá điện thì mức giá bán lẻ điện bình quân của Việt so với 8 nước Đông Nam Á bằng 66%, và bằng 37% của Campuchia và 78% giá điện của Lào.
So sánh giá điện so với các nước cùng GDP: Tổng hợp tám nước có GDP từ 1.599USD đến 3,246USD thì mức giá điện bán lẻ bình quân của Việt Nam sau khi điều chỉnh chỉ bằng 83% giá điện bình quân tám nước có GDP bình quân.
Như vậy, sau khi điều chỉnh giá điện bán lẻ điện bình quân ở Việt Nam vẫn thấp hơn 17% giá điện bình quân tám nước có GDP tương đồng với Việt Nam, bằng 66% giá điện bình quân tám nước trong khu vực Đông Nam Á và bằng 58% giá điện bình quân của các nước trên thế giới.
Bên cạnh đó, Bộ Công thương cũng dẫn nguồn một số nước áp dụng giá điện sinh hoạt bậc thang và giá điện theo bậc thang sau cũng cao hơn bậc thang đầu như Việt Nam như tại Thái Lan ở khu vực Bangkok, hộ sử dụng điện sinh hoạt trên 150kWh/tháng gồm hai thành phần cố định và biến đổi; trong đó, giá biến đổi có ba bậc tăng dần từ 1,8047 baht/kWh lên 2,978 baht/kWh (giá bậc cao nhất gấp 1,65 lần so với bậc 1). Tại Lào, giá điện sinh hoạt có 3 bậc tăng dần từ 4,2 cent/kWh đến 12,1 cent/kWh (giá bậc cao nhất gấp 2,88 lần so với bậc 1).
Các TCT điện lực và công ty điện lực đã thực hiện đúng quy định
Đáng chú ý, theo Bộ Công Thương việc chốt chỉ số công tơ, phát hành hóa đơn tiền điện tại một số khách hàng sử dụng điện sản xuất lớn cho thấy, các tổng công ty điện lực và công ty điện lực đã thực hiện đúng quy định.
Trong khi đó, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cũng đã chủ động điều chỉnh kế hoạch kinh doanh và áp dụng nhiều biện pháp để tiết kiệm điện như: Nghiên cứu thay thế, sử dụng đèn tiết kiệm điện, thay thế các thiết bị tiêu hao nhiều điện…
Về kiểm tra công tác kinh doanh dịch vụ, giải đáp thắc mắc của khách hàng sử dụng điện: Theo thống kê của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) từ số liệu phần mềm quản lý chăm sóc khách hàng, từ 20/3 đến 4/5, toàn Tập đoàn đã tiếp nhận và giải quyết hơn 71.500 yêu cầu của khách hàng liên quan đến hoá đơn tiền điện; trong đó có hơn 14.500 kiến nghị thắc mắc về chỉ số công tơ, hoá đơn tiền điện. Kiểm tra cho thấy, các thắc mắc đã được trả lời 100%, các khách hàng đều hài lòng, đồng ý với kết quả.
Số liệu thống kê tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh cho thấy, mặc dù sản lượng điện và số lượng khách hàng sử dụng điện ở bậc thang cao (trên 200 kWh/tháng) cao hơn bình quân cả nước và hoá đơn tiền điện cao hơn nhưng số lượng kiến nghị ít hơn nhiều so với các khách hàng ở các tỉnh, thành phố còn lại (trong số hơn 14.500 kiến nghị, Hà Nội là hơn 66, TP. Hồ Chí Minh là 714).
Tăng cường kiểm tra, giám sát các chỉ tiêu tài chính, quản lý dòng tiền của EVN
Bộ Công Thương nêu rõ: “Thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục chỉ đạo EVN thống kê chi tiết thực tế sử dụng điện của các khách hàng sinh hoạt trên cả nước để nghiên cứu, đề xuất biểu giá bán lẻ điện phù hợp với đại bộ phận khách hàng sử dụng điện trên cả nước; đồng thời khuyến khích sử dụng điện hiệu quả, tiết kiệm”.
Ngoài ra, trong kiến nghị và đề xuất với Thủ tướng, Bộ Công Thương đề nghị giao Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tăng cường kiểm tra, giám sát các chỉ tiêu tài chính, quản lý dòng tiền của EVN theo đúng quy định hiện hành, cũng như thực hiện việc chuyển đổi Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia, bao gồm cả chức năng vận hành hệ thống điện và chức năng vận hành thị trường điện thành đơn vị hạch toán độc lập thuộc EVN.
Bộ Công thương kiến nghị Thủ tướng cho phép thực hiện điều chỉnh biểu giá điện bậc thang theo hướng giảm bù chéo giữa các hộ tiêu thụ.
Trước đó, giá bán lẻ điện bình quân đã tăng 8,36%, lên 1.864,44 đồng/kWh từ ngày 20/3/2019. Cùng với nhiều yếu tố khách quan khác đã khiến hoá đơn tiền điện của nhiều hộ gia đình tăng cao, tạo ra nhiều ý kiến trong dư luận.
Trước sự việc trên, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan kiểm tra việc điều chỉnh mức giá bán điện, phương pháp tính giá và việc thu tiền điện thời gian qua; làm rõ đúng sai, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 6/2019.
Bộ Công Thương đã lập 3 đoàn để kiểm tra tình hình thực hiện Quyết định số 648/QĐ-BCT về việc điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân và quy định giá bán điện. Đối tượng được kiểm tra bao gồm các Tổng công ty Điện lực và một số khách hàng sử dụng điện.
Thông tin tại buổi họp báo Chính phủ ngày 4/5, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Bùi Ngọc Lam cho biết, sau khi có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ cũng sẽ chủ trì thanh tra việc tăng giá điện và phối hợp với các bộ, ngành liên quan.
"Tinh thần làm bảo đảm, kết luận chính xác khách quan, làm rõ đúng sai theo chỉ đạo của Thủ tướng về điều chỉnh giá bán điện và thứ hai là phương pháp tính, cách tính sau khi có quyết định. Sau khi có kết luận sẽ bảo đảm công khai theo quy định kết luận thanh tra," ông Bùi Ngọc Lam nói.
Hải Ninh