Giá điện tăng bất thường: Còn độc quyền, thiếu minh bạch

Google News

Những ngày qua, dư luận không ngừng xôn xao chuyện giá điện chỉ tăng 8,36% từ 20/3 nhưng hóa đơn tiền điện lại tăng gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi.

Giá điện tăng “khủng” khiến nhiều người dân không khỏi bức xúc trước cách tính giá bất hợp lý của một đơn vị đang giữ thế độc quyền về điện.
Bất cập biểu giá bậc thang
Lý do dẫn đến sự chênh lệch kỳ hóa đơn tiền điện tháng 4 so với kỳ hóa đơn tháng 3 là số ngày sử dụng điện của hóa đơn tháng 4 (31 ngày) nhiều hơn số ngày sử dụng điện của hóa đơn tháng 3 (28 ngày) cộng với việc vào tháng Hè lượng điện tiêu thụ thường tăng cao hơn.
Đại diện Tổng Công ty Điện lực Hà Nội thông tin: “Sản lượng điện tiêu thụ những ngày đầu tháng 4/2019 tăng 11 triệu kWh/ngày so với cuối tháng 3”. Về tiền điện tại Hà Nội có trên 46% khách hàng sử dụng điện sinh hoạt có mức điện năng sử dụng tháng 4/2019 tăng trên 1,5 lần so với tháng 3/2019 (tỷ lệ này tại TP Hồ Chí Minh là trên 37%).
Gia dien tang bat thuong: Con doc quyen, thieu minh bach-Hinh-2
Hóa đơn tiền điện tháng 4/2019 tăng đột biến khiến dư luận xôn xao. Ảnh minh họa: Dkn. 
Ngoài ra, biểu giá điện bán lẻ 6 bậc lũy tiến hiện nay cũng là nguyên nhân khiến tiền điện của các hộ gia đình tăng theo. Nếu so sánh giá cũ của 6 bậc với giá mới, tỷ lệ tăng sẽ xoay quanh 8,3%, tức là tương đương mức điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân 8,36%. Tuy nhiên, nếu so sánh mức tăng lũy tiến của từng bậc sẽ thấy, các con số được "nhảy múa" phi mã theo từng bậc.
Nếu thông thường một hộ tiêu thụ điện sử dụng dưới 200 số thì khi dùng vượt lên 300 kWh, hóa đơn tiền điện sẽ tăng thêm 25%. Còn nếu lên mốc trên 400 kWh thì tiền điện phải trả tăng thêm 40%. Trường hợp cao nhất là nếu đang sử dụng ở mức 50 kWh mà tăng lên hơn 600 kWh thì sẽ có mức tăng tới 75%.
Giá điện, xăng dầu đẩy CPI tháng 4 tăng 0,31%
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4/2019 tăng 0,31% so với tháng trước. Đây là mức tăng khá cao nếu so với mức giảm 0,21% của tháng 3/2019, cũng như so với mức tăng nhẹ 0,08% của tháng 4 năm ngoái và mức “giậm chân tại chỗ” của tháng 4 năm 2017.
Theo Tổng cục Thống kê, việc tăng giá xăng dầu, giá điện có ảnh hưởng trực tiếp đến tăng chỉ số giá tiêu dùng trong tháng, tuy nhiên diễn biến của dịch tả lợn châu Phi tác động đến tâm lý người tiêu dùng và việc kiên định chính sách tiền tệ linh hoạt giữ vững mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ góp phần kiềm chế lạm phát. CPI bình quân 4 tháng đầu năm 2019 chỉ tăng 2,71% so với cùng kỳ năm 2018. Đây là mức tăng CPI bình quân 4 tháng đầu năm thấp nhất trong 3 năm gần đây.
“Chiếc thang” bậc giá điện ngày càng thể hiện bất cập sau mỗi lần giá điện tăng. Ngay bậc thứ nhất chỉ dao động từ 0 – 50kWh/ tháng. Đây là mức tiêu thụ điện thấp mà gần như khó có trong thực tế, bởi với mức tiêu thụ đó, một gia đình chỉ sử dụng thiết bị điện tối thiểu là chiếu sáng. Tương tự mức tiêu thụ bậc 2 từ 51 – 100 kWh cũng rất ít gia đình sử dụng trong mức tiêu thụ điện đó một tháng, ngay cả khu vực nông thôn. Theo tính toán mức tiêu thụ điện của gia đình, trung bình dao động từ 100 – 300 kWh/tháng.
“Biểu giá sinh hoạt có 6 bậc thang đã gây phức tạp trong công việc thanh toán tiền điện với khách hàng. Tiền điện thanh toán mỗi tháng phụ thuộc vào lượng điện sử dụng của khách hàng, điện sử dụng càng nhiều bị áp ở mức giá càng cao là ngược với logic tiêu dùng hàng hóa thông thường (càng mua nhiều càng rẻ), dễ làm cho khách hàng khó hiểu, khó kiểm tra, theo dõi dẫn đến khó thông cảm” - chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long bình luận.
Sao không xóa được độc quyền của EVN?
“Chỉ dùng thêm một quạt điện vì trời nóng mà tiền điện nhà tôi tháng này tăng 80%. Cách tính giá điện mới không hợp lý. Bộ Công Thương cần sửa sai, điều chỉnh lại giá điện cho phù hợp” - một người dân ở quận Hoàng Mai than. Trên mạng xã hội, một nhóm diễn đàn cũng đưa lên bức xúc vì giá điện tăng. Cụ thể, người dùng có tên Duy Tan cho biết: "Hóa đơn tiền điện tôi phải trả là 950.000 đồng, trong khi tháng liền kề trước đó là 620.000 đồng. Gia đình tôi còn chưa dùng điều hòa, không thể tăng đến mức này được”. Dù rất bức xúc nhưng người dùng điện vẫn phải chấp nhận vì hiện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang độc quyền thị trường này.
Theo đánh giá của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM), sau một thời gian cải cách, trong 4 ngành từng do Nhà nước độc quyền (điện, đường sắt, hàng không, viễn thông), đến nay ngành điện vẫn có tính độc quyền cao nhất.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan bày tỏ lo ngại đây có thể là một mối liên kết “không sòng phẳng”. Ba tập đoàn trong chương trình họ gọi là hợp tác chiến lược với nhau thì liệu các cơ quan Nhà nước có kiểm soát nổi không?
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng, về chiến lược lâu dài phải thực hiện việc cung cấp điện, than trên cơ sở kinh tế thị trường, Chính phủ chỉ đứng ra điều phối, tính toán sao cho phù hợp với nhu cầu phát triển của nền kinh tế quốc dân cũng như nhu cầu dự trữ để đảm bảo an ninh năng lượng. Ngành điện chưa rõ ràng được đầu vào, đầu ra, giá thành, giá cả, lời lãi thỏa đáng. Tương tự, ngành than cũng không công khai được đầu vào, đầu ra, các chi phí, giá thành cũng như sản xuất như thế nào...
Những ngày qua, đi kèm với bức xúc về hóa đơn tiền điện tăng vọt thì dư luận cũng thắc mắc về sự bất thường khi EVN đang “ngập nợ” nhưng vẫn để hơn 42.000 tỷ đồng tiền gửi không kỳ hạn trong ngân hàng (tăng gần 10.000 tỷ đồng so với cuối năm 2017) và gần 20.000 tỷ đồng đầu tư tài chính ngắn hạn tại thời điểm 30/6/2018.
Dù EVN đã giải trình nhưng các chuyên gia cũng đặt câu hỏi, đây là yếu kém trong quản trị tài chính hay còn động cơ nào khác? Nếu EVN quản trị tốt hơn dòng tiền, cơ cấu lại danh mục tiền gửi tại các ngân hàng thương mại, hẳn nguồn lực tài chính khổng lồ này sẽ được sử dụng hữu ích hơn, tăng thu cho Tập đoàn hàng trăm tỷ đồng. Ngay cuối năm 2017, EVN đã từng bị Thanh tra Bộ Tài chính kết luận là hạch toán sai gần 2.000 tỷ đồng nhưng tăng giá điện để bù lỗ.
“Còn quá nhiều câu hỏi mà EVN cần phải trả lời để giải tỏa nỗi ấm ức của khách hàng khi phải móc thêm hầu bao thanh toán hóa đơn tiền điện hàng tháng. Người dân, công luận phải cùng phối hợp, giám sát việc đầu tư kinh doanh vốn Nhà nước tại DN và EVN cần phải minh bạch. Lúc đó, việc tăng giá điện mới được dư luận thông cảm, chia sẻ hơn” - vị chuyên gia bày tỏ, đồng thời cũng kịch liệt phản đối việc trong khi người dân đang xôn xao vì hóa đơn tiền điện tăng đột biến trong tháng đầu tiên tính theo mức giá điện mới, Bộ Công Thương lại có tham vọng “đóng dấu mật” vào thông tin giá điện bán ra cho người dân.
"Độc quyền sinh ra cồng kềnh lạc hậu. Ngành than và ngành điện muốn có được giá thành hợp lý phải nâng cao năng suất lao động, cải tiến quản lý... cổ phần hóa DN, thực hiện cơ chế quản lý theo thị trường, không thể cứ theo cơ chế quản lý tập trung như trước nay. Quan trọng nhất là phải đổi mới tư duy, DN chỉ là người cung cấp hàng hóa với chất lượng tốt nhất, giá thành hợp lý nhất sao cho có lợi cho chính DN và khách hàng. Khi sản phẩm có giá rẻ, chất lượng tốt thì thị trường chấp nhận, còn không thị trường sẽ tìm nguồn khác." - PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - Học viện Tài chính
"Bộ Công Thương đưa số liệu so sánh giá điện của Việt Nam thấp nhất trong 25 nước được điều tra là khập khiễng, bởi mỗi quốc gia có đặc thù sản xuất khác nhau, thu nhập khác nhau. Việc ít tuân theo các kỷ luật và quy tắc tài chính là hệ quả của việc EVN được nuông chiều quá mức, bao gồm cả sự tắc trách của các cơ quan, ban ngành trong việc “đáp ứng nhu cầu tăng giá” để biện luận cho sự quản lý chi phí yếu kém của EVN. Khi lãi lớn thì EVN thưởng rất đậm, còn khi chi phí tăng cao thì rục rịch đòi tăng giá, điều này là bất thường trong kinh doanh, nhất là kinh doanh khu vực Nhà nước. " - TS Lê Đăng Doanh.
Mời độc giả xem video: Đây là nguyên tắc tăng giá điện của EVN. Nguồn: Youtube.

Theo KTĐT