Người dân xã Thanh Giang, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An vẫn luôn trầm trồ về chuyện tình của ông Nguyễn Văn Linh (SN 1949) và bà Hồ Thị Cúc (SN 1950) trú cùng xã. Ít ai biết được rằng, mấy chục năm về trước, bà là cô giáo dạy văn xinh đẹp, nết na được nhiều chàng trai trong vùng đem lòng yêu mến. Còn ông là chàng trai tuấn tú, sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng.
Năm 1969, khi đang là giảng viên của trường Trung cấp Điện, ông Linh gác lại công việc lên đường nhập ngũ và trở thành người lính của đại đội C4, D8, E210, Binh trạm 41, đường dây 559 đóng quân ở tỉnh Xavanakhẹt Lào. Nhiệm vụ của ông Nguyễn Văn Linh là pháo thủ cao xạ, bảo vệ tuyến đường Hồ Chí Minh.
|
Nụ cười hạnh phúc của ông Linh và bà Cúc sau những năm tháng cùng nhau viết nên câu chuyện tình cổ tích |
Trước ngày nhập ngũ, ông Linh đã ước hẹn sẽ trở về để dựng xây mái ấm gia đình cùng với bà Cúc. Yêu xa, sự sẻ chia, quan tâm giữa ông Linh và bà Cúc đều gửi gắm qua những cánh thư. Năm 1971, trong lúc thông nòng pháo, đạn nổ đã khiến ông Linh bị thương. Tỉnh lại sau những ngày hôn mê, ông Linh sốc nặng khi hai cánh tay của mình đều đã bị mất một phần. Sợ gia đình lo lắng, người lính trẻ nhờ đồng đội viết thư về báo cho gia đình việc mình vẫn khỏe mạnh.
Sau đó là những chuỗi ngày ông Linh được chuyển về các bệnh viện ở hậu phương để điều trị. Vết thương đau đớn, mặc cảm vì mình đã không còn lành lặn, nhiều lần ông Linh muốn buông xuôi tất cả. “Những khi đau đớn, sự tự ti, mặc cảm lại tăng lên nên tôi nhiều lần muốn buông bỏ. Nhưng vào lúc đó, hình ảnh đồng đội mình ngã xuống nơi chiến trường đã thức tỉnh tôi. Họ đã chiến đấu đến quên thân mình vì đất nước vậy thì tôi phải sống thế nào cho xứng đáng với sự hi sinh đó chứ”, ông Linh kể lại.
Sau thời gian điều trị, ông Linh trở về nhà. Niềm vui đoàn tụ ngắn ngủi qua đi, người thân choáng váng khi thấy đôi tay của ông đã không còn. Đáng lẽ, ngày trở về ông Linh sẽ thực hiện lời hứa “về chung một nhà” với người con gái mà ông yêu nhưng lần này ông lại phân vân rất nhiều. Ông không muốn người con gái mình yêu phải khổ khi sống với người không lành lặn như mình.
Tuy nhiên, mặc ai dèm pha, chê bai, bà Cúc vẫn quyết định lấy ông Linh để sướng hay khổ gì cũng sẽ sẻ chia cùng nhau. Cưới nhau chưa lâu, cuộc sống còn chưa ổn định thì bố mẹ ông Linh lần lượt qua đời vì bạo bệnh. Bà Cúc ngược xuôi lo cáng đáng chuyện nhà chồng. Thấy vợ vất vả, ông Linh thêm quyết tâm phải làm được việc có ích để vợ không phải khổ. Lần lượt 4 đứa con khỏe mạnh ra đời khiến cho vợ chồng ông rất hạnh phúc. Bà Cúc chia sẻ: “Tôi sinh xong 2 tháng phải đi làm nên mọi việc chăm con đều do ông ấy đảm nhiệm. Con bé thứ 3 nghịch tôi cứ tưởng ông ấy không bón được cơm cho cháu nhưng ông ấy bón còn khéo hơn cả tôi nữa. Từ khi lấy nhau về vợ chồng tôi hiếm khi cãi nhau”.
Đồng lương giáo viên của bà Cúc không đủ để trang trải cuộc sống cho cả gia đình 6 miếng ăn. Thời điểm này, ông Linh được phát cho một chiếc xe đạp. Ông Linh quyết định tập xe để đi buôn kiếm tiền giúp vợ. Nghĩ là làm, ông Linh trầy trật tập đi xe. “Đạp thì dễ nhưng giữ thăng bằng và phanh xe thì lại rất khó. Do không có tay, tôi đã sáng chế chiếc phanh trục ở phía sau. Mỗi khi cần phanh tôi chỉ cần lấy chân đạp là dừng lại. Khi đi được xe đạp, tôi quyết định đi buôn lạc để kiếm thêm thu nhập. Thậm chí, tôi còn dùng chiếc xe đạp này để chở vợ đi sinh”.
Có duyên buôn bán, cẩn thận nên công việc làm ăn của ông Linh rất khá. Tích góp nhiều năm, ông Linh cũng xây dựng được căn nhà khang trang và nuôi 4 đứa con ăn học nên người. Nhờ nghị lực của người cha, chịu khó của người mẹ, 4 người con ông Linh hiện đã có công việc ổn định.
Bên nhau mấy chục năm trời, cùng nhau chia sẻ những khó khăn vất vả, giờ đây khi đã về gia, vợ chồng ông Linh đều rất tự hào về nhau. Một người chồng yêu thương vợ, một người vợ hết lòng vì chồng con, họ đã vượt qua tất cả, bỏ qua những khiếm khuyết của cơ thể để cùng nhau xây dựng gia đình, cùng nắm tay nhau viết nên câu chuyện tình yêu đầy màu cổ tích giữa thời hiện đại.
Theo Nhân Nhân/ANTĐ