Đà Nẵng bị xác định có nhiều vi phạm việc quản lý sử dụng đất đai, giao đất không thông qua đấu giá, tạo điều kiện để một số nhà đầu tư đầu cơ, thu lợi lớn, trong đó có ông Phan Văn Anh Vũ (Vũ “nhôm”). Tuy nhiên, từ 2013 đến nay, thành phố vẫn chưa thực hiện xong kết luận của Thanh tra Chính phủ.
|
Xây biệt thự trái phép tại bán đảo Sơn Trà - Đà Nẵng. Ảnh: Minh Châu.
|
5 năm chưa thực hiện xong chỉ đạo của Thủ tướng
Năm 2013, khi công bố kết luận thanh tra trách nhiệm của Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã chỉ ra hàng loạt vi phạm trong việc quản lý sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng, làm ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước.
Đáng chú ý là tình trạng giao đất không thông qua đấu giá còn phổ biến dẫn đến việc xác định giá thu tiền sử dụng đất chưa sát với giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất trên thị trường, tạo điều kiện cho một số nhà đầu tư đầu cơ, thu lợi...
“Trách nhiệm để xảy ra các vi phạm trên thuộc lãnh đạo UBND thành phố thời kỳ 2003 - 2011, Văn phòng UBND thành phố, Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Hội đồng thẩm định giá thành phố, Ban Quản lý dự án công trình đường Bạch Đằng Đông, Công ty Quản lý và khai thác đất thành phố” –TTCP xác định.
Cùng với kiến nghị xử lý về hành chính, tài chính với số tiền hơn 3.000 tỷ đồng, TTCP kiến nghị Bộ Công an vào cuộc điều tra xác định một số hành vi cố ý làm trái pháp luật về đất đai và đầu tư xây dựng; vi phạm về xác định nghĩa vụ tài chính khi ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất; hành vi bán đất của người nhận chuyển nhượng thu lợi lớn, gây thiệt hại cho Nhà nước của 6 trường hợp, trong đó có Vũ “nhôm” và Cty CP 79 đã thu lợi hàng trăm tỷ đồng do được thành phố Đà Nẵng ưu ái giá đất.
Ngày 24/4/2017, tại cuộc họp báo về kết quả hoạt động của thanh tra trong quý 1/2017, TTCP cho biết, kết luận thanh tra về sai phạm đất đai tại Đà Nẵng được ban hành từ năm 2012, Thủ tướng đã 2 lần chỉ đạo, song địa phương này vẫn chưa thu hồi về ngân sách hơn 3.000 tỷ đồng sai phạm. Cũng theo TTCP, ngày 30/3/2017, UBND TP Đà Nẵng có báo cáo về việc thực hiện kết luận thanh tra. Tuy nhiên, nhiều nội dung chưa thực hiện nghiêm túc.
Cụ thể, UBND TP Đà Nẵng chưa điều chỉnh lại thời hạn sử dụng đất đã giao trái quy định cho 627 trường hợp, bao gồm 514 trường hợp là tổ chức và 113 trường hợp là cá nhân, hộ gia đình. Đặc biệt, Đà Nẵng chưa thu hồi về ngân sách số tiền vi phạm; chưa kiểm điểm và có hình thức xử lý kỷ luật đối với các tổ chức, cá nhân có sai phạm đã nêu trong kết luận thanh tra…
Cũng tại cuộc họp báo nói trên, TTCP cho biết, Đà Nẵng đưa ra một số lý do về việc chậm thực hiện kết luận thanh tra và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng. “Quan điểm của TTCP là rất rõ ràng: phải tiếp tục thực hiện đầy đủ kiến nghị của TTCP đã được nêu trong kết luận thanh tra và được Thủ tướng đồng ý” – ông Đặng Khánh Toàn, Vụ trưởng Vụ giám sát, thẩm định và xử lý sau thanh tra - TTPC nêu quan điểm.
Ngày 18/4 vừa qua, khi trao đổi với PV Tiền Phong, ông Toàn cho biết, đến nay, Đà Nẵng vẫn chưa thực hiện xong nhiều nội dung tại kết luận thanh tra trách nhiệm của Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng trong việc chấp hành pháp luật về thanh tra, khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng, thanh tra một số dự án đầu tư, nên vẫn đang phải tiếp tục thực hiện.
Chuyển hồ sơ thanh tra bán đảo Sơn Trà sang cơ quan điều tra
Sau khi TTCP công bố kết luận thanh tra, Chủ tịch TP Đà Nẵng hồi đó là ông Văn Hữu Chiến ký văn bản phản hồi, trong đó đều khẳng định các nội dung của kết luận thanh tra là “không có cơ sở”. Ở thời điểm đó, TTCP không đưa ra bình luận và khẳng định kết luận của cơ quan này là đúng pháp luật và đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý.
Ngày 19/4, trao đổi với PV Tiền Phong, ông Lê Hồng Lĩnh, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Tài chính và Tổng hợp, người phát ngôn của TTCP, cho biết, việc ông Văn Hữu Chiến phản bác lại kết luận thanh tra là không có giá trị. Theo quy định, chỉ có Thủ tướng Chính phủ mới có ý kiến phản biện.
Đáng chú ý, TTCP vừa kết thúc quá trình thanh tra toàn diện việc chấp hành quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai, bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ môi trường, xây dựng đối với các dự án đầu tư xây dựng trên bán đảo Sơn Trà và thanh tra toàn diện dự án khu đô thị quốc tế Đa Phước. “Trong đó, hồ sơ thanh tra dự án bán đảo Sơn Trà đã được TTCP chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra”, ông Lĩnh nói.
Giám đốc Sở TN&MT bị kỷ luật
Ngày 19/4, một nguồn tin từ UBND thành phố Đà Nẵng nói rằng, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, ông Huỳnh Đức Thơ vừa ký quyết định kỷ luật về mặt chính quyền đối với 5 cán bộ lãnh đạo thuộc sự quản lý của UBND thành phố. Các cán bộ lãnh đạo này bị kỷ luật vì để xảy ra sai phạm trong quá trình quản lý về mặt nhà nước, phạm các khuyết điểm trong quá trình tham mưu cho lãnh đạo thành phố, vi phạm các quy định của Đảng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao…
Theo đó, UBND thành phố kỷ luật với hình thức khiển trách đối với ông Lê Quang Nam, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường Đà Nẵng do có vi phạm, khuyết điểm trong việc tham mưu Ban Thường vụ Thành ủy có chủ trương cho doanh nghiệp triển khai đồng thời quyết định chủ trương đầu tư và đánh giá tác động môi trường đối với dự án khu đô thị quốc tế Đa Phước của ông Phan Văn Anh Vũ vi phạm Luật Bảo vệ môi trường; có ý kiến trong việc đồng ý chủ trương trong việc cho doanh nghiệp thuê nhà đất trụ sở theo hình thức không qua đấu giá quyền sử dụng đất là vi phạm Luật Đất đai 2013.
UBND thành phố Đà Nẵng cũng kỷ luật với hình thức khiển trách đối với ông Vũ Quang Hùng, Giám đốc Sở Xây dựng thành phố Đà Nẵng, vì buông lỏng vai trò tham mưu trong quản lý nhà nước về trật tự xây dựng đô thị, để chủ đầu tư vi phạm trong việc xây dựng không phép, trái phép tại khu du lịch Biển Tiên Sa, dự án tổ hợp Mường Thanh và căn hộ cao cấp Sơn Trà, dự án tổ hợp khách sạn và căn hộ Central Coast. Ngoài ra, kỷ luật khiển trách đối với ông Trần Huy Đức (Chánh thanh tra thành phố Đà Nẵng), bà Lê Thị Thu Hạnh (Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ thành phố Đà Nẵng) vì có vi phạm, khuyết điểm trong việc tham gia ký tên tập thể vào văn bản có nội dung tố cáo, vi phạm quy định số 47-QĐ/TW ngày 1/11/2011 của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm; sử dụng con dấu của cơ quan, đơn vị không đúng với quy định hiện hành.
UBND thành phố Đà Nẵng còn kỷ luật cảnh cáo ông Mai Đăng Hiếu (nguyên Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ kiêm Phó Văn phòng đại diện thành phố Đà Nẵng tại Nhật Bản) vì là cán bộ lãnh đạo cơ quan ngoại vụ của Đà Nẵng nhưng đã có những hành vi thiếu chuẩn mực trong giao tiếp, thực hiện không đúng chức trách, nhiệm vụ được giao. Ông Hiếu còn vi phạm quy định về nhiệm vụ của đảng viên khi ra nước ngoài.
Theo Dương Lê - Minh Đức/Tiền Phong