Chiều 4/1, Cơ quan An ninh điều tra của Bộ Công an tiếp nhận, bắt bị can Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ Nhôm). Ông Vũ bị bắt sau 14 ngày bị khởi tố và truy nã với tội danh Cố ý làm lộ bí mật nhà nước.
Trả lời VTC News, TS Đinh Thế Hưng, Trưởng phòng Pháp luật Hình sự (Viện Nhà nước và Pháp luật) phân tích các quy định pháp luật về việc điều tra đối với Phan Văn Anh Vũ.
|
Bị can Phan Văn Anh Vũ. |
Theo TS Đinh Thế Hưng, vụ án Vũ Nhôm có tính chất phức tạp và nghiêm trọng nên có thể cơ quan điều tra sẽ phải mở rộng thêm.
Đặc biệt, trong quá trình điều tra, nếu phát hiện thêm hành vi vi phạm khác của Vũ "nhôm" thì cơ quan điều tra sẽ khởi tố bổ sung tội danh khác đối với bị can này.
Ngoài ra, cơ quan điều tra cũng có thể khởi tố thêm bị can khác nếu như phát hiện có đồng phạm giúp cho Vũ Nhôm bỏ trốn khỏi Việt Nam.
Về quy trình xử lý vụ án, TS Đinh Thế Hưng cho biết: “Vụ án này cũng tuân thủ theo quy trình tố tụng như các vụ án khác. Ban đầu sẽ khởi tố bị can để phục vụ công tác điều tra.
Khi điều tra và có đủ chứng cứ thì đưa ra kết luận điều tra và chuyển sang Viện Kiểm sát nhân dân, Viện Kiểm sát sẽ căn cứ vào kết luận điều tra để xem xét và đưa ra tòa xử”.
Về câu hỏi ông Vũ có được tại ngoại trong quá trình điều tra hay không, TS Hưng cho rằng khả năng này rất khó xảy ra vì trước đó bị can này từng có hành vi bỏ trốn ra nước ngoài.
"Khả năng được tại ngoại là rất thấp, đúng hơn là không được tại ngoại vì trước đó ông Vũ đã từng bỏ trốn ra nước ngoài. Tuy nhiên, ông Vũ có quyền mời luật sư bào chữa cho mình, vì đây là quyền mà pháp luật cho phép", TS Hưng nói.
TS Đinh Thế Hưng cũng cho rằng, trong vụ việc này, Phan Văn Anh Vũ có thể bị xem xét đến tình tiết tăng nặng vì hành vi của mình.
"Căn cứ theo điểm (m), Khoản 1, Điều 48 của Bộ luật Hình sự năm 1999 thì có thể thấy hành vi của ông Phan Văn Anh Vũ có thể được xem là tình tiết tăng nặng.
Cụ thể, Điểm (m) quy định:" Dùng thủ đoạn xảo quyệt, tàn ác phạm tội hoặc thủ đoạn, phương tiện có khả năng gây nguy hại cho nhiều người". Ở đây, ông Phan Văn Anh Vũ bỏ trốn và cố ý làm lộ bí mật nhà nước thì bí mật này sẽ ảnh hưởng đến nhiều người, đến cả an ninh quốc gia nên đây là tình tiết tăng nặng".
Trước đó, chiều 21/12, Bộ Công an ra lệnh khởi tố bị can đối Phan Văn Anh Vũ (SN 1975, trú tại Đà Nẵng) về hành vi Cố ý làm lộ tài liệu bí mật Nhà nước theo Điều 263 Bộ Luật hình sự.
Cùng với lệnh khởi tố bị can, lực lượng công an đã khám xét nhà riêng của ông Vũ tại TP Đà Nẵng. Tại thời điểm cơ quan điều tra Bộ Công an khám xét, ông Phan Văn Anh Vũ không có mặt ở nhà.
Ngày 28/12/2017, Phan Văn Anh Vũ bị Cơ quan quản lý xuất nhập cảnh Singapore (ICA) bắt giữ do vi phạm đạo luật di trú của Singapore và bị trục xuất sau đó.
Trả lời báo chí, luật sư người Singapore Reme Choo Zheng Xi cho biết, ông Vũ (với hộ chiếu mang tên Phan Van Anh Vu) bị bắt lúc 11h ngày 28/12 khi đang làm thủ tục xuất cảnh từ Singapore qua Malaysia tại cửa khẩu tiếp giáp với bang Johor của Malaysia.
Hộ chiếu của ông Vũ lúc này đã bị phía Việt Nam hủy nên không còn hợp pháp khi ông Vũ tìm cách sang Malaysia.
Chiều 4/1, Phan Văn Anh Vũ bị di lý từ Singapore về Hà Nội bằng đường hàng không để phục vụ điều tra.
Cũng trong chiều cùng ngày, Cổng thông tin điện tử Bộ Công an đăng tải thông tin cho biết cơ quan an ninh điều tra của Bộ đã tiếp nhận bắt bị can Phan Văn Anh Vũ.
Theo Lưu Thủy / VTC