Đợt bùng phát dịch COVID-19 do biến chủng Delta (từ 27/4/2021) khiến khoảng 2% dân số Việt Nam bị lây nhiễm. Riêng tại TP.HCM, hơn nửa triệu người đã nhiễm nCoV.
Sau ngày 1/10/2021, TP.HCM và nhiều địa phương chuyển sang giai đoạn "bình thường mới" và sống chung với COVID-19. Tình hình chuyển biến tích cực hơn sau khi thành phố này triển khai chiến dịch bảo vệ người có nguy cơ cao (trên 65 tuổi, bệnh nền).
Chiến dịch thay đổi diễn biến dịch ở TP.HCM
Ca tử vong do COVID-19 đầu tiên tại TP.HCM được ghi nhận ngày 2/6/2021. Từ thời điểm này, số lượng F0 tại thành phố ngày càng tăng khiến hệ thống y tế gặp áp lực lớn. Đỉnh điểm là ngày 23/8/2021, thành phố có đến 340 người tử vong.
Theo một thống kê cắt ngang của Sở Y tế TP.HCM ngày 30/11/2021, trong tổng số 396 bệnh nhân COVID-19 nặng đang điều trị, hơn 70% là người già trên 65 tuổi và 90% có bệnh nền. Số người chưa tiêm vaccine là hơn 55%.
Đặc điểm các ca tử vong trong tháng 11 |
N = 1.070 |
Tần số |
Tỷ lệ % |
Đến từ các tỉnh khác |
144 |
13,5% |
Giới |
Nam |
445 |
41,6% |
Nữ |
625 |
58,4% |
Độ tuổi |
< 18 tuổi |
9 |
0,8% |
18-50 tuổi |
117 |
10,9% |
51-65 tuổi |
323 |
30,2% |
Trên 65 tuổi |
621 |
58,1% |
Bệnh lý nền |
Có bệnh nền |
955 |
90,9% |
Không ghi nhận bệnh nền |
96 |
9,1% |
Tiền sử tiêm vaccine |
Chưa tiêm vaccine |
546 |
53,6% |
Người trên 65 tuổi chưa tiêm vaccine |
362 |
35,4% |
Nguồn: Sở Y tế TP.HCM. |
Một nghiên cứu khác về đặc điểm các ca tử vong của Sở Y tế TP.HCM cho thấy tổng ca tử vong trong tháng 11/2021 là 1.070 người (trong đó, 144 người từ các tỉnh chuyển đến). Số lượng ca tử vong trên 65 tuổi là 621 người, chiếm 58,1%. Đáng chú ý, 955 người tử vong do COVID-19 kèm các bệnh lý nền, chiếm gần 91%.
Từ bảng phân tích trên, Sở Y tế TP.HCM rút ra tổng kết số tử vong tăng tương ứng với số mắc có đặc điểm sau:
- Số người tử vong trên 50 tuổi trong một tháng tại thành phố này là 88,3%.
- Có bệnh nền: 92,2%
- Chưa tiêm vaccine: 51,2%.
- Từ địa phương khác đến: 13%.
Trên cơ sở này, ngành y tế đề xuất UBND TP.HCM triển khai các giải pháp giảm nguy cơ lây nhiễm cho người cao tuổi, có bệnh nền (tiêm vaccine, hạn chế tiếp xúc F0) và phát hiện sớm, điều trị, cấp thuốc kháng virus cho nhóm bệnh nhân này.
|
Số ca bệnh nặng cần thở máy xâm lấn và tử vong ở TP.HCM giảm rõ rệt sau chiến dịch. Ảnh: Sở Y tế TP.HCM.
|
Sau một tháng triển khai chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ, 673.806 trường hợp ở TP.HCM đã được ghi nhận. Trong đó, 25.333 người chưa tiêm vaccine và 5.402 ca mắc COVID-19.
|
Lần đầu tiên sau hơn 5 tháng, số người tử vong ở TP.HCM giảm về mức dưới 20 ca/ngày. Ảnh: Sở Y tế TP.HCM.
|
Phát biểu tại buổi tổng kết hoạt động của ngành y tế thành phố trong đợt dịch vừa qua, TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, nêu 10 bài học kinh nghiệm của ngành y tế, bao gồm "vaccine là chiến lược lâu dài và hàng đầu trong phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt, ưu tiên cho nhóm đối tượng nguy cơ (thai phụ, người trên 50 tuổi, có bệnh nền, béo phì...) và tuyến đầu chống dịch".
Cần rà soát và tiêm chủng cho người nguy cơ trên toàn quốc
Bộ Y tế cũng đã ra nhiều văn bản đề nghị các địa phương rà soát và tiêm vaccine cho người có nguy cơ cao. Tuy nhiên, nhiều nơi vẫn còn tập trung quá nhiều vào mũi 3, tiêm vaccine cho trẻ em mà chưa rà soát và tiêm vét cho người nguy cơ.
Trao đổi với Zing, PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế Công cộng, Đại học Y Dược TP.HCM, nhận định để có được thành quả từ chiến dịch bảo vệ người nguy cơ cao, TP.HCM cũng trải qua nhiều bài học kinh nghiệm thăng trầm.
"Ngành y tế TP.HCM đã có thời điểm lơ là, nghĩ rằng tiêm đủ vaccine cho hơn 80% dân số thành phố thì sẽ có miễn dịch tốt. Tuy nhiên, 80% là chưa đủ nếu không rà soát và tiêm chủng cho người nguy cơ cao. Bởi số ca bệnh nặng, cần nhiều nguồn lực y tế và tử vong tập trung vào nhóm này", PGS Dũng nói.
|
Số ca bệnh nặng và tử vong do COVID-19 tại Việt Nam chủ yếu rơi vào nhóm người cao tuổi, có bệnh nền. Ảnh: Duy Hiệu.
|
Chuyên gia Đại học Y Dược TP.HCM nhấn mạnh việc bảo vệ người có nguy cơ cao không phải là sáng kiến mới. Đây là bài học đúc kết từ quốc tế. Chuyên gia này cho hay từng có thời điểm Việt Nam quyết định tiêm chủng cho người cao tuổi trước, nhưng đã hoãn lại và ưu tiên lao động trẻ.
"Nếu chúng ta tỉnh táo ngay từ đầu và bảo vệ người cao tuổi, người có bệnh nền trước thì tình hình có thể đã rất khác. Tuy nhiên, đó là câu chuyện của thời gian đầu chống dịch. Hiện tại, thế giới đã đi trước, có bài học rồi. Trong nước, chúng ta cũng có bài học được tổng kết từ TP.HCM, đặc biệt là hiệu quả khả quan của chiến dịch ưu tiên vaccine và bảo vệ người nguy cơ", PGS Dũng nói.
Theo chuyên gia này, các địa phương đang tập trung tiêm vaccine cho học sinh 12-17 tuổi và tiêm mũi bổ sung, nhắc lại. Tuy nhiên, việc rà soát và có kế hoạch bảo vệ người nguy cơ cao rất cần được ưu tiên.
"Tương tự liều cơ bản, chúng ta cũng nên tiêm mũi 3 trước cho người nguy cơ cao. Tiêm vaccine cho nhóm trẻ vẫn có hiệu quả nhưng sẽ chậm hơn rất nhiều", PGS Dũng nói.
Để giảm tử vong toàn quốc, chuyên gia cho rằng một số địa phương trong giai đoạn đầu chưa tập trung vaccine đúng đối tượng ưu tiên nên phát động chiến dịch bảo vệ người nguy cơ cao.
PGS.TS Đỗ Văn Dũng cũng nêu thực tế xảy ra ở nhiều tỉnh, thành phố tương tự TP.HCM trong giai đoạn đầu. Đó là tập trung vaccine cho người lao động trẻ.
"Thực tế, tôi được biết tại một số tỉnh miền Tây Nam bộ, số ca mắc vẫn cao và còn xảy ra tình trạng người bệnh không được chuyển viện kịp thời do quá tải hoặc chờ kết quả rRT-PCR.
"Tiêm cho người cao tuổi thường sẽ hao tốn nhiều công sức hơn. Nhiều biến cố có thể xảy ra hơn. Tiêm cho người trẻ thì đạt chỉ tiêu nhanh hơn, đây là thực tế xảy ra ở một số nơi. Hy vọng khi tình hình dịch ổn, các địa phương sẽ rút kinh nghiệm, tập trung đủ nguồn lực để rà soát nhóm nguy cơ cao và ưu tiên vaccine cho nhóm này", PGS Dũng chia sẻ.
Theo Bích Huệ/Zing