50 năm đi bốc mộ
Nghĩa địa thôn Vân Đông, xã Phú Sơn (huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) lúc 1 giờ đêm, tiếng côn trùng kêu ri rỉ, gió rét đầu mùa bắt đầu thổi từng cơn, hơi lạnh tăng dần. Cả nghĩa địa được thắp sáng bởi những ngọn đèn cao áp công suất lớn phần nào xua đi sự lạnh lẽo ở nơi an táng cho người chết. Hàng chục người thân gia đình chị Nguyễn Thị Xuân, đang ngồi quây quần với nhau đợi đến giờ lành để động thổ ngôi mộ của chồng chị anh Bùi Văn Bầng (sinh năm 1976) mất cách đây 7 năm.
|
Ông Bái rửa sạch sẽ từng chi tiết của người đã khuất. Ảnh: Gia Tưởng |
Bây giờ cuộc sống đã hiện đại, các yếu tố mang màu sắc ma mị không còn nữa. Việc cải mả được coi là công việc hết sức bình thường. Nhưng anh Huấn vẫn khuyên bà con, nếu gia đình có việc hiếu thì nên mang đi hỏa táng, vừa đảm bảo vệ sinh, an toàn mà tránh tốn kém khi làm lễ cải mả.
Ngồi giữa vòng tròn của gia đình người nhà chị Xuân, ông Nguyễn Văn Bái (70 tuổi) đang hút thuốc lá để bình tĩnh vào việc. Ông Bái cho biết: “Tôi đã làm nghề thay áo, tắm rửa cho người chết được 50 năm, từ lúc mới 20 tuổi”. Ông không còn nhớ chính xác, nhưng cho biết số người chết được ông làm nghi thức cải mả cũng đã đến cả… nghìn người. Để thể hiện sự chuyên nghiệp của mình, ông Bái giới thiệu bộ “đồ nghề” đầy đủ từ cuốc, thuổng, mai, xẻng… Trong đó, đặc biệt nhất là bộ móc sắt dùng để luồn vào tấm ván địa, rồi bắc tời vào móc kéo để đưa hài cốt của người xấu số lên mặt đất.
Ông Bái hút hết điếu thuốc cũng lúc đến giờ đẹp. Đội của ông tham gia bốc có 4 người đã nhanh chóng vào việc. Ngôi mộ dài đắp đất nhanh chóng được xới bay. Ông Bái dùng một cây sắt dài 1,5 cắm sâu xuống dưới đất để xác định ví trí quan tài, tránh bị đào lệch. Vừa xăm xuống đất ông Bái vừa nói: “Làm mãi mới có kinh nghiệm đấy, trước kia nhiều lần bị đào lệch quan tài đến cả nửa mét, mất nhiều công, mà có khi không kịp giờ lành để đưa người chết sang nhà mới”.
Chưa đến 20 phút sau, cỗ quan tài chôn sâu hơn 1m dưới đất 7 năm đã được lộ ra. Ông Bái, dùng hai chiếc móc sắt, xoáy xuống đất rồi xoay ngang, móc sắt đã ăn vào tấm ván địa. Ông gọi người nhà khênh tời vào, móc lên và kéo. Cỗ quan tài thoát được lực mút dưới đất từ từ được đưa lên. Ông Bái lấy rơm phủ lên quan tài đốt lửa và hút thêm điếu thuốc trước khi vào việc chính.
Đợi đám lửa cháy hết ông Bái nói: “Việc đưa quan tài lên trên này quan trọng lắm, nhiều nhà mua phải cỗ áo quan không tốt, tấm ván địa bị mục, lúc kéo lên tụt hết cả xương cốt ra ngoài, người làm chúng tôi mò ốm, thiếu sót cái gì của người đã khuất để đưa vào tiểu sành thì làm sao chúng tôi ăn ngon ngủ yên được”.
Gạt lớp tro rơm ở trên nắp quan tài, ông Bái nói như đinh đóng cột: “Tôi cam đoan là anh này rất “sạch”. Người nào chưa “sạch”, thì nước trong hố chôn sẽ rất đục và nặng mùi”. Ông Bái dùng móc sắt, chỉ một cái gẩy nhẹ, chiếc nắp quan tài bật ra. Bỏ chiếc móc xuống, ông Bái lấy tay luồn vào bộ lưới ở trong quan tài, thu gọn lại, rồi bê nguyên như thế, trải ra tấm nylon gia đình đã chuẩn bị sẵn. Quá thành thạo, ông Bái luồn tay vào bộ quần áo lúc người chết mặc, kéo ra một khúc xương dài nhất, đây là xương đùi, rửa vào nồi nước thơm gia đình chuẩn bị sẵn.
"Tôi suy nghĩ thế này, đi làm việc này cũng như mình làm phúc thôi, nhiều gia đình neo người, không có chúng tôi thì chẳng biết trông cậy vào đâu khi nhà có việc”.
Ông Nguyễn Văn Bái
Nhìn khúc xương vàng óng, ông Bái kết luận: “Bác này lúc mất còn trẻ, nên xương rất đẹp và chắc”. Như một bác sĩ giải phẫu lành nghề, ông Bái thoăn thoắt nhặt xương, nhặt tới đâu ông kỳ cọ rửa nhiều lần, và cuối cùng là nước thơm rồi xếp gọn vào trong tiểu sành. Vừa làm việc ông Bái vừa giảng giải: “Xếp xương là khâu khó nhất, làm sao phải xếp đúng thứ tự bên chân tay bên nào xếp vào bên đó, theo chiều dọc, 2 chiếc xương vai thì xếp từ trên xuống, áp vào 2 bên má của xương sọ, xương sườn và đốt sống để ở giữa và cuối cùng là xương hông”.
Từ đầu đến cuối, ông Bái cứ tay trần mà mò, không dùng đến một dụng cụ bảo hộ nào. Ông giải thích,
phải mò bằng tay mới thật, không bị thiếu bộ phận nào. Trước khi xếp mọi thứ xương vào trong tiểu sành, ông Bái lại một lần nữa dùng rá lọc lại để tìm những mảnh nhỏ nhất.
Buồn - vui với nghề
Bàn giao cỗ tiểu sành một cách gọn gàng, có đầy đủ cốt của người chết, ông Bái lại hút và điếu thuốc rồi kể về những điều khó khăn khi ông chọn nghề này: “Trước kia tôi mới 20 tuổi, đã đi làm bốc mộ thuê, lần đầu đi mó vào xương cốt tôi không sợ, nhưng về nhà bị vợ cấm tiệt không cho động vào người. Dần dần bà ý cũng quen, giờ bà ý mất rồi, tôi cũng là người tắm rửa cho bà ý. Còn con dâu tôi thì mỗi khi đi đám về tôi nấu cơm, là không dám ăn. Nhưng tôi cũng kệ, mình nấu đói là mình chén, nó sợ kệ nó. Tôi suy nghĩ thế này, đi làm việc này cũng như mình làm phúc thôi, nhiều gia đình neo người, không có chúng tôi thì chẳng biết trông cậy vào đâu khi nhà có việc”.
Cầm một mớ tiền polime đủ các loại mệnh giá nhặt từ trong quan tài ra, ông Bái nói: “Đây là tiền mà lúc niệm người ta bỏ vào. Cái giống tiền này không bị hỏng, tiêu tốt, nhà ít thì cũng có vài trăm, nhà nhiều khi vài triệu, gia chủ đều cho mình cả. Tôi về tích lại đủ món mang gửi ngân hàng, hay đi mua gì cũng được, họ đều nhận hết. Còn tiền công mỗi đám như thế này trọn gói 2,5 triệu đồng không lấy hơn lấy kém”.
Xử lý những ca khó
Trong giới bốc mộ ở miền Bắc hiện nay, đội bốc mộ của anh Huấn (Yên Phong, Bắc Ninh) có lẽ nổi tiếng nhất, vì chuyên xử lý những ca khó. Đó thường là người được chôn đã nhiều năm, khi đào lên còn nguyên thịt chưa tiêu hủy thì sẽ gọi tới đội của anh Huấn.
Vừa mới chỉ huy xử lý 2 ngôi mộ cùng 1 gia đình đã chôn 4 năm vẫn còn nguyên ở xã Hợp Thịnh (Hiệp Hòa, Bắc Giang) về anh Huấn chia sẻ: “Giờ đối với những người thay áo mà chưa sạch thì xử lý đơn giản và có nhiều cách lắm. Nếu gia chủ có điều kiện thì chúng tôi đến sẽ làm một cỗ quan tài mới, rồi liên hệ nhanh với nhà hỏa táng gần nhất, đảm bảo làm gọn trong một ngày cho người ta mồ yên mả đẹp. Còn phương án thứ 2 là dùng dao chuyên dụng, rồi luồn vào rút thịt ra thịt xương ra xương. Mỗi ca như này chúng tôi thu khoảng 13 triệu đồng”.
Nhưng theo anh Huấn, làm an toàn sạch sẽ nhất là khi phát hiện người chết chưa “sạch”, có thể bơm nước vào đầy rồi bỏ độ 50kg vôi cục vào. Đợi độ 1 tiếng đồng hồ rồi bơm nước lạnh vào. Lúc đó thì xương chỉ việc nhấc ra, thịt sẽ bở nguyên bỏ lại dưới ván. Anh Huân chia sẻ thêm, hiện nay, đội cải mả của anh có gần 30 thành viên, lúc nào cũng đủ đồ nghề và có xe ôtô chuyên dụng. Vào mùa đi cải mả, có khi đội này phải đi “công tác” cả tuần lễ mới về tới nhà.
Theo Khánh Gia/Dân Việt