Chuyện đời phiêu bạt của lão nông hạ gục võ sĩ nhà nghề

Google News

Võ sĩ Nguyễn Trần Duy Nhất, 7 lần vô địch nghiệp dư Muay Thái. Ít người biết rằng, chàng trai này là cháu ruột, truyền nhân của võ sĩ không đối thủ Tấn Nhất Duy.

Đóng vai đẽo cày
Vào tháng 6 năm 1988, vùng quê Cát Tiên tỉnh Lâm Đồng trở nên nhộn nhịp với những tấm quảng cáo và tiếng loa thông báo về trận thi đấu võ đài của đoàn Minh Hải. Ban tổ chức ra thông báo kiếm võ sĩ tham gia, võ sĩ đoàn Minh Hải thách đấu với tất cả các võ sĩ có mặt tại địa phương. Thách đấu được xem như lời quảng bá câu khách, vì ở vùng Cát Tiên toàn là dân đi kinh tế mới, kiếm gạo ăn còn không đủ thì lấy gì chuyện võ vẽ, tập tành.
Võ sĩ Tấn Nhất Duy vô địch tỉnh Nghĩa Bình (Quảng Ngãi và Bình Định chưa chia tỉnh) năm 1986. 
Tại một ngôi nhà ở ngã ba xã Quảng Ngãi, huyện Cát Tiên, lão võ sư Tấn Diêu đang ngồi kể chuyện về quê hương Quảng Ngãi thì nghe chuyện thách đấu võ. Gia đình của ông suốt ngày “hít thở” không khí võ thuật. Hai người con trai là võ sĩ Tấn Nhất Duy, Tấn Phi Diệu (cha của võ sĩ Nguyễn Trần Duy Nhất, vô địch Muay Thái hiện nay), còn ông là võ sư. Ông Diêu cử con trai thứ là võ sĩ Tấn Nhất Duy thượng đài, lấy danh phận là một lão nông nghèo khổ, đổi tên là Phạm Đạt.
Một đệ tử của Tấn Diêu đến gặp ban tổ chức thi đấu võ thuật cùng với lời đề nghị “cho cái thằng Phạm Đạt thi đấu. Nó là thằng làm nghề đẽo cây trồng mì, biết mấy đường võ nhưng cũng ham đánh lắm”. Trong lúc người nhà của võ sư Tấn Diêu ký hợp đồng, võ sĩ Tấn Nhất Duy đổi tên là Phạm Đạt đang mặc bộ quần áo rách, đứng lom khom lắng nghe câu chuyện giao kèo.
Trong đêm thi đấu, khi trận đấu bắt đầu, Tấn Nhất Duy kéo nắm đấm thủ kín trước mặt. Dưới ánh đèn tù mù, địch thủ của Tấn Nhất Duy có vẻ tung đòn khá thoáng, không cần thủ đỡ nhiều vì là con nhà nghề. Nhưng rồi, đòn nặng ký của võ sĩ đoàn Minh Hải tung ra đều chỉ trở thành đòn gió vì đánh mãi mà không trúng Phạm Đạt. Một cú lắc đầu, tiếp đến là đảo người, khiến cú đấm của võ sĩ Minh Hải chỉ vừa chạm vào da của Phạm Đạt là hết tầm đòn. Dưới ánh đèn tù mù, phía đoàn Minh Hải đã tỏ vẻ ngờ vực nhìn võ sĩ nông dân và nói “thấy nó quen lắm, nó là dân chơi thứ thiệt chứ võ sĩ nông dân gì đâu”. Có người còn nghi ngờ và hỏi: “Sao lối đánh giống thằng Duy Quảng Ngãi quá trời?”.
Đến khi Tấn Nhất Duy tung chùm đòn tay đánh róc thẳng vào mặt đối phương thì phía đoàn Minh Hải mới nhấp nhổm. Đến hiệp 2, Tấn Nhất Duy quyết định kết thúc và hạ nốc ao đối thủ. Lúc đó phía võ đoàn Minh Hải mới thốt lên: “Trời ơi, thằng Tấn Nhất Duy chứ đâu phải Phạm Đạt, Phạm Đương cái gì”.
Võ sĩ trồng tiêu
Võ sĩ Tấn Nhất Duy (tên thật là Nguyễn Trần Duy), sinh năm 1962, quê ở thành phố Quảng Ngãi, hiện nay sinh sống tại xã Quảng Ngãi, huyện Cát Tiên tỉnh Lâm Đồng. Ông Duy từng là võ sĩ quyền Anh, tự do không đối thủ ở hạng cân 57-60 kg. Khi không còn đối thủ để giao đấu, Tấn Nhất Duy đành phải thách đấu với võ sĩ nặng hơn mình 10 kg, hoặc đổi họ tên, giả làm con em nông dân đi thi đấu để kiếm cơm qua ngày.
Võ sĩ Tấn Nhất Duy có khuôn mặt giống tài tử điện ảnh. 
Minh Cảnh, tay đấm vô địch Đông Dương từng xem Tấn Nhất Duy đấu với võ sĩ Trần Hoàng. Khi thấy Tấn Nhất Duy đánh hạ nốc ao con trai của một võ sư quá nhanh, nhiều người bàn là đòn may rủi nên đêm sau xin đánh lại. Tấn Nhất Duy biết vậy nên giữ thể diện, kéo dài đến hiệp 2 thì tiếp tục tung cú đấm nhanh và khủng khiếp tiếp tục hạ nốc ao lần nữa. Đến lúc này thì mọi người hết bàn tán và lắc đầu cho rằng, võ sĩ này rõ ràng là không có đối thủ.
Năm 1986, tại huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu tổ chức thi đấu võ thuật. Tấn Nhất Duy đang ở xã Suối Nghệ, huyện Châu Đức tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu để tìm độ thì đấu và được người chú dẫn tới giới thiệu “tui có thằng cháu tên là Anh Vũ, đang làm ruộng và có biết chút ít võ. Xin ban tổ chức cho nó lên thi đấu kiếm chén cơm ăn”. Khi thượng đài, đối thủ chủ quan, không cần thủ kín mà cứ tấn công ào ạt với khuôn mặt tỉnh bơ. Nhưng lạ thay, võ sĩ Anh Vũ vẫn điềm tĩnh tiếp đòn, đánh chẻ và trụ vững như cột đồng. Khi sắp hết hiệp 1, đối thủ đã bị võ sĩ Anh Vũ tung đòn hạ đo ván.
Tấn Nhất Duy nổi tiếng từ năm 1980. Năm đó cậu thanh niên 18 tuổi tham dự giải vô địch quyền Anh mở rộng 3 tỉnh Nghĩa Bình (Bình Định và Quảng Ngãi), Hà Nội và TP HCM và được tổ chức tại TP Quy Nhơn. Các võ sĩ lạnh toát người khi nghe danh Tấn Nhất Duy đã lâu, giờ lại cả gan bắt thăm đấu với võ sĩ nặng hơn mình tới 9 kg là Ngọc Vũ, đến từ Hà Nội.
Khi thượng đài, Tấn Nhất Duy quá nhanh nhẹn, di chuyển và phản xạ nhanh như lò xo. Đến hiệp 2 thì Ngọc Vũ đã bắt đầu mệt lả, trong khi Tấn Nhất Duy càng đánh càng sung mãn. Những cú áp sát ra đòn, hóa giải đòn của Tấn Nhất Duy đã làm cho trận đấu đảo chiều và thắng ở hiệp 3 trước sự thán phục của cả biển người cuồng nhiệt.
Tại giải vô địch toàn quốc năm 1984, Tấn Nhất Duy được dịp thử sức mình, khi đấu với võ sĩ hạng nặng là Nguyễn Văn Be, võ sĩ đáng gờm thuộc võ đường Kim Kê Sài Gòn.
Một lần nữa, các võ sư ngồi dưới sàn đài lại tiếp tục lắc đầu vì cho rằng Tấn Nhất Duy quá nhanh, quá mạnh, thắng áp đảo đến khó tin, một võ sĩ nhà nghề càn lướt khắp nơi nhưng khi gặp Tấn Nhất Duy thì không thể nào đánh nổi.
Nhưng để thắng thuyết phục Kê Hoa Sơn thì Tấn Nhất Duy phải 3 lần so găng và thắng thuyết phục thì Kê Hoa Sơn mới chịu thua.
Phiêu bạt đời võ
Cuộc đời có những khúc quanh nghiệt ngã, nên có thời gian Tấn Nhất Duy lang thang khắp nơi để thi đấu và dạy võ. Tới bất cứ địa phương nào, sau khi thượng đài đánh xong, nhiều học trò có nhu cầu nâng cao tay nghề thì thầy lại dừng bước, ở lại dạy thêm kỹ năng thi đấu. Chỉ dạy được vài hôm thì ban tổ chức ở các võ đài lại tới nhờ đi thi đấu để có người tới xem. Nhiều năm lưu lạc ở các tỉnh miền Nam, Tấn Nhất Duy kể rằng không thể nào nhớ hết mình đã có bao nhiêu ngàn học trò đã được truyền dạy võ thuật.
Ông nhớ lại rằng: “Tiếng tăm của mình có sẵn nên đi đâu như Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk, Đà Lạt cũng được bà con Quảng Ngãi giúp đỡ. Mà tỉnh nào cũng có dân Quảng Ngãi, họ yêu cầu mình dạy, chủ nhà lo hết chi phí. Cứ tới nơi là họ tự mở võ đường cho mình dạy, mình thu được ít tiền sinh sống”. Nghề võ không thể giàu, vì cha ông là võ sư Tấn Diêu thường cười lớn và nói vui với 2 con trai: “Nghề võ như nhảy xuống tắm dưới dòng sông Trà, khi leo lên chỉ còn mỗi cái quần xà lỏn đem về”.
Những năm phiêu bạt đi đánh võ, dạy võ, Tấn Nhất Duy và anh trai là Tấn Phi Diệu không bao giờ có mặt ở nhà vào dịp tết. Cuối năm, các tỉnh phía Nam tổ chức lễ hội hoa xuân, có thi đấu võ đài nên ban tổ chức có giấy mời. Tết không có xe khách đi lại, vì vậy khoảng 28 tết thì cả 2 anh em đều xách túi quần áo tới các tỉnh Gia Lai, Quy Nhơn, Quảng Ngãi, Lâm Đồng, Bà Rịa, TP HCM, Nha Trang… ngủ khách sạn, nghe tiếng pháo đì đùng và chờ ngày lên đài thi đấu.
Theo Lê Văn Chương/NNVN