Thời gian qua, tình trạng các chung cư, cao ốc vi phạm trật tự xây dựng như vượt tầng, sai thiết kế, phá vỡ quy hoạch, không đảm bảo phòng cháy chữa cháy (PCCC), huy động vốn trái phép... đang xảy ra tràn lan và đang có xu hướng gia tăng.
Trước thực tế đó, một vài chủ đầu tư đã bị xử lý, thậm chí bị khởi tố. Có nhiều ý kiến cho rằng, việc xử lý các doanh nghiệp hay chỉ giải quyết được phần ngọn mà chưa dứt điểm phần gốc rễ vấn đề.
Lý do ở đây, là bởi doanh nghiệp không tự nhiên mà dám ngang nhiên vi phạm khi không có sự tiếp tay, buông lỏng quản lý từ phía của cơ quan chức năng. Cụ thể, nhiều dự án khi phát hiện sai phạm lại xảy ra tình trạng "phạt cho tồn tại".
|
Sai phạm tại tòa nhà 8B Lê Trực đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. |
CĐT xây không khai, cơ quan quản lý biết hay không?
Trao đổi với
PV Kiến Thức về
trách nhiệm của cơ quan quản lý với tình trạng vi phạm xây dựng,
luật sư Diệp Năng Bình (Trưởng văn phòng luật sư Tinh Thông Luật - Đoàn luật sư TP HCM) nói: "Hãy thử đào cống trước nhà hoặc động thổ xây nhà, bạn sẽ thấy có lực lượng chức năng đến kiểm tra ngay lập tức.
Trước đây báo chí cũng đã từng phản ánh về các trường hợp trải nhựa đường tự phát thì lập tức cũng có lực lượng chức năng đến ngăn cản ngay vì chưa được sự đồng ý.
Những dự án chung cư cao tầng được chủ đầu tư ngang nhiên xây dựng giữa diện tích lớn, giữa ban ngày và cả đêm, chứ không hề xây 'chui'. Những con số thống kê về sai phạm là rất nhiều, và chúng không hề biết nói dối. Những thứ diễn ra công khai như thế chẳng lẽ các cơ quan từ phường, quận cho đến Sở Xây dựng lại không biết?".
Còn chuyên gia pháp lý Nguyễn Gia Hải (Văn phòng luật sư Vạn Xuân Hà Nội - Đoàn luật sư TP Hà Nội) nêu quan điểm: Việc xử lý thật nặng các cá nhân, tập thể có trách nhiệm quản lý vì buông lỏng quản lý, làm ngơ thậm chí là bảo kê cho sai phạm là hoàn toàn cần thiết và cấp bách.
Theo chuyên gia pháp lý Nguyễn Gia Hải, việc các chung cư, cao ốc vi phạm trật tự xây dựng, cụ thể như vượt tầng, sai thiết kế, phá vỡ quy hoạch, không đảm bảo PCCC... xảy ra tràn lan vì 2 lý do: Thứ nhất là lợi nhuận mà hành vi sai phạm đó đem lại.
Thứ hai là từ sự quản lý lỏng lẻo từ chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng có thẩm quyền.
Về lợi nhuận từ hành vi: Quy định của pháp luật về vấn đề này mặc dù đã cụ thể tại một số văn bản quy phạm pháp luật như Nghị định 139/2017 của chính phủ, luật nhà ở, luật kinh doanh bất động sản… nhưng các hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả quá thấp và thiếu tính răn đe (quy định tại điều 3 nghị định 139/2017) nếu hành vi đó chưa đủ các yếu tố cấu thành tội phạm để có thể khởi tố theo bộ luật hình sự hiện hành.
|
Chuyên gia pháp lý Nguyễn Gia Hải phân tích những vi phạm của chủ đầu tư bắt đầu từ sự quản lý lỏng lẻo của các cơ quan chức năng. |
Về việc quản lý của chính quyền địa phương và các cơ quan có thẩm quyền: Một hành vi sai phạm bao giờ cũng có nhiều nguyên nhân khác nhau, có nguyên nhân khách quan và chủ quan, có nguyên nhân trực tiếp và gián tiếp.
Việc sai phạm của 1 cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp dù nguyên nhân xuất phát từ chính hành vi sai phạm của doanh nghiệp đó nhưng bên cạnh đó, không thể không xét tới những dấu hiệu tiếp tay, cố tình làm ngơ, thậm chí "bảo kê" của các cơ quan quản lý, giám sát và thực thi pháp luật.
"Phải chăng, phía sau biểu hiện làm ngơ, tiếp tay đó chính là lợi ích nhóm" - ông Hải đặt câu hỏi.
|
Các hộ dân khu chung cư Capital Garden (102 Trường Chinh, quận Đống Đa, Hà Nội) treo băng rôn phản đối chủ đầu tư. |
Trách nhiệm cơ quan quản lý ở đâu?
Theo luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, tùy từng trường hợp, hành vi xâm phạm, hậu quả thực tế sẽ áp dụng mức án khác nhau. Người có dấu hiệu tiếp tay cho doanh nghiệp vi phạm có thể bị truy tố về các tội như: Nhận hối lộ, Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, hoặc Lạm dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ (các tội về tham nhũng, chức vụ). Mức hình phạt cụ thể phụ thuộc vào hậu quả, hành vi thực tế.
Phân tích rõ hơn, luật sư Diệp Năng Bình cho biết: Theo quy định tại Điều 360 BLHS năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, người nào có chức vụ, quyền hạn vì thiếu trách nhiệm mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được mà không thuộc trường hợp quy định tại các Điều 179 (Tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp), Điều 308 (Tội thiếu trách nhiệm trong việc giữ vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ gây hậu quả nghiêm trọng) và Điều 376 (Tội thiếu trách nhiệm để người bị bắt, người bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành án phạt tù trốn) thì có thể bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm.
|
Luật sư Diệp Năng Bình cho rằng những cá nhân, tập thể thông đồng với chủ đầu tư sai phạm có thể bị truy tố đến khung tử hình. |
Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. Ngoài ra, cũng có thể xem xét lý theo Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ hoặc qua quá trình điều tra nếu phát hiện các đối tượng có hành vi đưa hối lộ và nhận hối lộ để bảo kê, bao che cho các sai phạm thì có thể xử lý Tội nhận hối lộ với hình phạt cao nhất đó là tử hình.
Nên hay không việc tịch thu đất sai phạm?
Nêu quan điểm nên hay không xử phạt hành chính các chủ đầu tư xây dựng sai phạm, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng (Trưởng VPLS Kết Nối - Đoàn luật sư TP Hà Nội) nói: "Việc khởi tố doanh nghiệp vẫn phải làm, để đảm bảo việc răn đe, phòng ngừa, đấu tranh tội phạm. Các công trình sai phạm buộc phải tháo dỡ, trả lại tình trạng ban đầu, nếu chúng ta cứ linh động tịch thu phần công trình sai phạm để sử dụng vào công ích sẽ để tình trạng sai phạm trở nên phổ biến hơn. Thế nên trong trường hợp này vẫn phải xử lý nghiêm, tháo dỡ công trình sai phạm mới đủ sức răn đe".
Cùng quan điểm với luật sư Hùng, chuyên gia pháp lý Nguyễn Gia Hải cho biết theo quy định của Nghị định 139/2017, ngoài việc xử phạt hành chính, biện pháp khắc phục đối với hành vi vi phạm trật tự xây dựng là buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu, khắc phục ô nhiễm môi trường, tịch thu lợi nhuận bất hợp pháp (nếu có) và tháo dỡ công trình vi phạm. để thực hiện những biện pháp khắc phục hậu quả, đòi hỏi phải có đủ nhân lực, vật lực và kinh phí khá cao.
"Bên cạnh đó, ý tưởng “tịch thu diện tích vi phạm để sung công quỹ và sử dụng cho mục đích khác của nhà nước” tưởng chừng như khá hợp lý nhưng nó lại có nguy cơ phá vỡ quy hoạch và gây ra hậu quả to lớn gấp bội. vì vậy, các biện pháp xử lý và khắc phục hậu quả các hành vi vi phạm trong lĩnh vực trật tự xây dựng nên dựa trên tinh thần đảm bảo quy hoạch, kiến trúc chung của địa phương, khu vực. không nên vì lợi ích trước mắt, lợi ích nhỏ mà mất đi lợi ích chung, lợi ích của cả cộng đồng" - ông Hải bày tỏ.
|
Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng cho biết những công trình sai phạm cần phải được tháo dỡ mới đủ sức răn đe. |
Về điều này, luật sư Diệp Năng Bình cho biết ngoài việc phạt hành chính thật nặng, cần phải truy tố hình sự các cá nhân, tập thể doanh nghiệp có dấu hiệu cố tình sai phạm, lừa đảo khách hàng.
"Vi phạm hành chính là hành vi có lỗi do cá nhân, tổ chức thực hiện, vi phạm quy định của pháp luật về quản lý nhà nước mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính. Còn hình sự là một chế tài nghiêm khắc để lại án tích cho doanh nghiệp và cá nhân do đó tùy từng trường hợp mà chúng ta áp dụng một loại chế tài phù hợp.
Theo tôi, không chỉ áp dụng biện pháp xử phạt hành chính mà cũng cần phải xử lý hình sự các chủ đầu tư xây dựng mới có tác dụng phòng ngừa các sự việc tương tự. Trong kinh doanh, uy tín của doanh nghiệp là quan trọng. Nếu những doanh nghiệp cứ vì lợi nhuận bất chấp hậu quả thì khi nghe đến tên không ai dám mua nhà. Bên cạnh đó, những cư dân mua nhà ở các nơi có hành vi vi phạm dẫn đến không được cấp sổ đỏ có thể kiện các doanh nghiệp này ra Tòa án đê yêu cầu pháp luật bảo vệ mình" - luật sư Bình nói.
>>> Xem thêm video: Bó thay tháo dỡ tòa nhà xây vượt tầng 8B Lê Trực
Quý An