Chưa cho thấy có những quy định đảm bảo thực hiện quyền
Góp ý vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), GS.TS Lê Hồng Hạnh, Tổng biên tập Tạp chí Pháp luật & Phát triển, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Luật Hà Nội cho hay, nội dung dự thảo về quy hoạch, kế hoạch chưa được quan tâm đúng mức và chưa thực sự đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển quy hoạch của đất nước.
|
GS.TS Lê Hồng Hạnh tại Hội nghị “Lấy ý kiến các chuyên gia, các nhà khoa học và các tổ chức, đơn vị về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)” do Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam phối hợp tổ chức. Ảnh: QH. |
Theo GS.TS Lê Hồng Hạnh, các quy định về quy hoạch, kế hoạch của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) chưa cho thấy sự gắn kết và mối quan hệ giữa quy hoạch phát triển kinh tế xã hội quốc gia và quy hoạch đất đai.
Điều quan trọng là pháp luật cần chỉ rõ các quyền và nghĩa vụ của các bên để có sự hài hòa, ổn định lâu dài chứ không phải là đưa các tuyên bố chính sách này vào luật.
Dự thảo vẫn thiên về tăng cường quản lý với cán cân lệch hẳn sang yếu tố xiết chặt quản lý nhà nước như các Luật Đất đai trước đây.
GS.TS Lê Hồng Hạnh cho rằng, quản lý và sử dụng đất đai không được thực hiện với sự tham gia thực chất của người dân thì khó mang lại hiệu quả và thúc đẩy phát triển. Trao quyền cho người sử dụng đất, cho cộng đồng sử dụng đất là yếu tố mà Dự thảo này cần đảm bảo bằng những quyền và nghĩa vụ cụ thể. Đất cộng đồng dân cư, nhất là cộng động dân tộc thiểu số bản địa vẫn chưa có những lời giải pháp lý cần thiết.
Đất đai là sở hữu toàn dân thì yếu tố dân chủ, yếu tố quyền của người dân phải thấm đượm sâu rộng trong toàn bộ Dự thảo. Các quy định về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chưa thấy bóng dáng rõ nét về sự tham gia của người dân, cộng đồng. Việc chuyển nhượng, trưng thu, trưng dụng đất trong Dự thảo vẫn chưa dựa trên nền tảng «tiếp cận theo quyền».
Một điểm hạn chế nữa, Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) chưa cho thấy có những quy định đảm bảo thực hiện quyền.
Về nguyên lý, quyền của người dân tương đồng với nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan nhà nước khi thực hiện chức năng được giao. Nhìn vào Dự thảo về mặt hình thức, dễ nhận thấy sự bất tương xứng giữa các quy định về quản lý, các biện pháp đảm bảo từ các cơ quan nhà nước so với việc trao quyền cho người sử dụng đất.
Một điểm nữa, theo GS Hạnh, Dự thảo cần có nhiều hơn các quy phạm pháp luật, tức là phải chỉ rõ các hành vi mà các cơ quan nhà nước, người sử dụng đất phải thực hiện hoặc phải tránh không thực hiện. Thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng không phải là bê các định hướng, giải pháp trong các nghị quyết vào luật, kể cả những cụm từ không mang lại giá trị pháp lý, trách nhiệm cho bất cứ chủ thể nào như ‘tầm nhìn’, ‘cân bằng lợi ích’... phải có câu trả lời.
Đặc biệt, nhiều vấn đề cơ bản, nhiều vướng mắc của quản lý nhà nước về đất đai, về đảm bảo quyền của người sử dụng đất, của doanh nghiệp chống lại tình trạng lũng đoạn, tham nhũng vẫn chưa có được giải pháp luật định mà chỉ trao lại cho Chính phủ. Cơ quan soạn thảo là người nắm vững nhất những số liệu, cách xử lý các vấn đề trong suốt hàng chục năm cần chọn giải pháp để luật hóa và điều chỉnh.
Cũng theo ông Hạnh, về mặt lập pháp, Dự thảo chưa đảm bảo tính khoa học trong bố cục và trong diễn đạt. Nhiều nội dung chưa thống nhất ngay trong Dự thảo, chưa nói với các Luật khác.
Nhiều hạn chế trong quy định giao đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất
GS.TS Lê Hồng Hạnh đã chỉ ra những hạn chế trong các quy định giao đất, cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất trong Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi).
Cụ thể, tại Điều 116 về Căn cứ để giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất không có tính khái quát cao như trong Điều 52 Luật Đất đai năm 2013.
Những quy định tại điều này cũng chưa cho thấy quy hoạch có phải là căn cứ giao đất hay không? Kế hoạch sử dụng đất chỉ là thành tố trong quy hoạch và có tính ngắn hạn và chưa được xác định cụ thể. Câu hỏi đặt ra việc giao đất, cho thuê đất dựa trên kế hoạch sử dụng đất có phù hợp không?
Theo GS Hạnh, kế hoạch sử dụng đất của huyện là căn cứ giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trong trường hợp giao đất qua đấu giá, đấu thầu không phù hợp.
Vậy nhiều dự án lớn có sử dụng đất được đấu thầu có quy mô lớn, diện tích đất lớn liệu có nằm trong kế hoạch sử dụng đất của huyện không? Vì thế căn cứ cần quy định là kết quả đấu thầu, đấu giá được phê duyệt và phù hợp với quy hoạch sử dụng đất. Lấy định lượng thời gian ngắn để làm căn cứ dễ tạo ra sự can thiệp, vi phạm của chính quyền.
Liên quan đến nội dung chuyển đổi mục đích sử dụng đất, theo GS.TS Lê Hồng Hạnh, Điều 121 chưa cho thấy việc chuyển đổi mục đích sử dụng loại đất nào mà không cần cơ quan có thẩm quyền cho phép. Những liệt kê các loại đất chuyển đổi mục đích sử dụng đất phải được cơ quan có thẩm quyền cho phép gần như không còn chỗ cho việc tự chuyển mục đích.
"Liệu tất tất cả những người sử dụng đất phải tuân theo quy định này hay không? Câu trả lời chưa tìm thấy trong Điều 121 này. Câu hỏi đặt ra là liệu đất vườn của người sử dụng đất đã có giấy chứng nhận, sinh sống lâu năm trên thửa đất đó, nay chuyển sang đất ở để giải quyết nhu cầu nhà ở của gia đình có phải xin phép cơ quan có thẩm quyền không? Nếu buộc phải xin phép thì Dự thảo đã đi ngược lại quyền tài sản của cá nhân", GS Hạnh nêu quan điểm.
Cũng tại góp ý của mình, ông Hạnh còn chỉ ra hàng loạt những điểm chưa hợp lý tại các quy định về Giao đất, cho thuê đất đối với đất đang có người sử dụng cho người khác; Giao đất không thu tiền sử dụng đất; Giao đất có thu tiền sử dụng đất; Cho thuê đất...
Bài viết trích từ ý kiến của GS.TS Lê Hồng Hạnh tại Hội nghị “Lấy ý kiến các chuyên gia, các nhà khoa học và các tổ chức, đơn vị về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)” do Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội) phối hợp tổ chức. Sau Hội nghị, Liên hiệp Hội Việt Nam sẽ tổng hợp các ý kiến góp ý của các đại biểu gửi tới các cơ quan có thẩm quyền, đặc biệt là Ban Soạn thảo dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) để nghiên cứu tiếp thu hoàn thiện Dự thảo Luật.
Mời quý độc giả xem video: "Hàng loạt cán bộ bị khởi tố vì sai phạm đất đai". Nguồn: ANTV.
Mai Loan