"Thực trạng công tác tích tụ, tập trung ruộng đất để phát triển hợp tác xã nông nghiệp thời gian qua và đề xuất, kiến nghị"
Phát triển hợp tác xã nông nghiệp (HTXNN) và phát triển nền nông nghiệp hàng hóa hiện đại, hiệu quả và bền vững gắn liền với quá trình tích tụ, tập trung ruộng đất là quá trình khách quan trong cơ chế thị trường.
Vấn đề tích tụ, tập trung ruộng đất là một quá trình lâu dài, không thể chỉ xem xét đơn thuần từ góc độ HTXNN và sản xuất nông nghiệp hàng hóa, mà chứa đựng tổng hợp những nhân tố chính trị, xã hội, kinh tế, văn hóa, truyền thống, điều kiện tự nhiên, cần được nghiên cứu thấu đáo cả về lý luận và thực tiễn.
Trong phạm vi tham luận này, tôi chỉ đề cập đến khía cạnh về thực trạng công tác tích tụ, tập trung ruộng đất để phát triển HTXNN trong thời gian qua, nhất là tròn 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW, ngày 18/3/2002, Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể (gọi tắt là Nghị quyết số 13) và 15 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 05/8/2008 Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (gọi tắt là Nghị quyết số 26) và đề xuất, kiến nghị một số giải pháp để tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả HTXNN trong những năm tới.
1. Chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về tích tụ đất nông nghiệp
Chủ trương về tích tụ đất nông nghiệp phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn được đưa ra lần đầu tiên trong Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 05/8/2008 của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (Nghị quyết số 26-NQ/TW).
Thực hiện các chủ trương của Đảng, Luật Đất đai đã có những quy định cụ thể về tích tụ đất đai. Luật Đất đai năm 2003, đã được sửa đổi và sau đó được thay thế bằng Luật Đất đai năm 2013, có hiệu lực thi hành từ 01/7/2014, đã ảnh hưởng rất lớn tới quá trình tích tụ và tập trung đất ở nước ta.
Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã có Nghị quyết số 19-NQ/TƯ ngày 31/10/2012 Về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Nghị quyết đã có nhiều định hướng quan trọngtrong việcđổi mới chính sách, pháp luật về đất đai, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình tích tụ đất đai, từng bước hình thành những vùng sản xuất hàng hoá lớn trong nông nghiệp.
Để cụ thể hóa các chủ trương, chính sách và pháp luật về đất đai, Chính phủ và chính quyền địa phương các cấp đã ban hành nhiều văn bản về tích tụ, tập trung đất đai, đề ra các nhiệm vụ và cách thức thực hiện để tích tụ, tập trung đất đai trở thành một xu hướng tích cực trong sản xuất nông nghiệp (SXNN) ở nước ta thời gian qua. Tuy nhiên, với thực trạng nền nông nghiệp cũng như thực trạng sử dụng đất của người nông dân hiện nay, chủ trương tích tụ ruộng đất, mở rộng hạn mức nhận chuyển QSDĐ nông nghiệp dù đã có nhiều thành tựu, nhưng cũng đang gặp phải nhiều vấn đề phức tạp, khó khăn phải giải quyết bằng các chính sách, giải pháp, biện pháp cụ thể, thấu đáo. Đặc biệt là vấn đề bảo đảm quyền lợi và nghĩa vụ của người dân khi tích tụ đất nông nghiệp.
2. Thực trạng hợp tác xã nông nghiệp và vấn đề tích tụ - tập trung ruộng đất trong quá trình phát triển nền nông nghiệp hàng hóa giai đoạn 2008-2021
Theo báo cáo tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 05/8/2008 của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn,Diện tích đất dùng chung, bình quân là 0,68 ha/HTX, bao gồm đất xây dựng trụ sở làm việc, nhà kho, xưởng sản xuất, chế biến nông sản, đất sản xuất tập trung, trong đó, diện tích đất được nhà nước giao không thu tiền sử dụng đất chỉ chiếm 3%; có 8,6% tổng số HTX nông nghiệp được thuê đất để xây dựng cửa hàng kinh doanh và trưng bày sản phẩm. Đất do thành viên góp vốn bằng quyền sử dụng đất chiếm 8,2%; đất trồng trọt của HTX chiếm 85,2%; thủy sản 3,8%,... Đối với thành viên HTX nông nghiệp, diện tích đất, mặt nước bình quân tăng từ 0,18ha (2008) lên 0,25 ha (2012), và tăng 0,38 ha (2021); trong đó gắn với quy hoạch vùng sản xuất, diện tích đất trồng trọt chiếm 84%, đất sản xuất giao đất không thu tiền sử dụng đất chiếm 97,7%; 35% hộ thành viên có diện tích đất canh tác từ 0,2 ha đến dưới 0,5 ha; 20% hộ thành viên có diện tích đất canh tác hơn 1 ha; diện tích bình quân một thửa đất của hộ thành viên tăng từ 280 m2/thửa (2008) lên 1.000 m2/thửa (2021); giảm từ 10 thửa/hộ thành viên xuống còn 1 - 3 thửa/hộ thành viên. Giai đoạn 2008 - 2012, nhiều mô hình HTX toàn xã, sản xuất nhỏ lẻ, chủ yếu trên thửa đất tự có, truyền thống gia đình để lại; giai đoạn 2013 - 2021, chính quyền nhiều địa phương định hướng, chỉ đạo phát triển nông nghiệp gắn với tích tụ, quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp tập trung; hơn 70% HTX thay đổi tập quán canh tác lạc hậu, tăng quy mô để sử dụng có hiệu quả đất đai, tài nguyên, lao động; khuyến khích và hỗ trợ ứng dụng công nghệ, cơ giới hóa, tăng sản lượng và chất lượng đồng bộ.
Cho đến nay, chúng tôi chưa có số liệu báo cáo chính thức về số lượng và tình hình hoạt động của các HTXNN đã tích tụ, tập trung ruộng đất để phát triển sản xuất hàng hóa. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, hầu hết các HTXNN được thành lập trên cơ sở các cá nhân, hộ nông dân khu vực nông nghiệp, nông thôn. Trong tổng số 3,2 triệu thành viên của các HTXNN có khoảng 3 triệu hộ nông dân là thành viên của các HTXNN (chiếm hơn 95%). Trong đó, có một số HTXNN đã thực hiện công tác tích tụ, tập trung ruộng đất để phát triển sản xuất, mang lại hiệu quả.
Trong 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13, đã có 1.591 HTXNN được giao đất, cho thuê đất với diện tích được giao là 93.514 ha . Cùng với hình thức tích tụ, tập trung ruộng đất này, nhiều HTXNN đã và đang thực hiện công tác tích tụ ruộng đất khác, như: Vận động thành viên góp đất, cho HTX thuê đất để sản xuất, kinh doanh bước đấu đã có kết quả nhất định.
Ví dụ:
Hợp tác xã Đồng Tâm 3 (huyệnHiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang), thành lập năm 2017, HTX có 14 ha đất ruộng lúa kém hiệu quả của 52 hộ nông dân cam kết đóng góp. Vốn điều lệ được quy đổi từ diện tích đất đai sản xuất, trị giá 1,5 tỷ đồng.Từ một vùng đất cằn cỗi, quanh năm khô hạn, người dân sống thuần nông với năng suất lúa và thu nhập rất thấp. Bằng huy động nông dân góp đất, lập kế hoạch và cùng sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao, HTX Đồng Tâm 3 đã đạt được nhiều kết quả, mở ra cơ hội mới trong sản xuất nông sản hàng hóa và nâng cao thu nhập.Từ quỹ đất của mình, HTX đã dành 1,5 ha xây dựng nhà màng hiện đại, canh tác trên giá thể, trang bị hệ thống tưới nhỏ giọt và tưới phun mưa… Trong nhà màng, HTX đã canh tác nhiều loại nông sản sạch, an toàn với chất lượng cao như dưa lưới, rau xanh theo đặt hàng của đối tác trong nước và xuất khẩu.
Hợp tác xã nông nghiệp dược liệu Thịnh Phát (xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông) được thành lập năm 2019. Đến nay, đơn vị đã thu hút được 201 thành viên tham gia sản xuất hơn 600 ha, với các loại cây trồng như: Tiêu, cà phê, dược liệu, cây ăn trái… Diện tích hơn 600 ha là do các thành viên tham gia HTX cùng nhau góp đất đai, vốn liếng để tổ chức sản xuất nông nghiệp. HTX thực hiện vai trò cung cấp dịch vụ cung ứng vật tư đầu vào, dịch vụ kỹ thuật cho sản xuất, cũng như tiêu thụ sản phẩm do các thành viên sản xuất ra. Với hình thức này, các hộ dân tự nguyện góp đất, vốn thành lập HTX để sản xuất chế biến và tiêu thụ sản phẩm.Thông qua HTX, người dân được tiếp cận và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, giúp mang lại hiệu quả kinh tế cao…
Qua nghiên cứu các HTXNN đã tích tụ, tập trung ruộng đất cho thấy có 3 hình thức chính, đó là: i) HTX vận động thành viên góp vốn, góp đất để cùng nhau sản xuất nông nghiệp theo chương trình "cánh đồng lớn"; ii) HTX thuê đất của thành viên để sản xuất; iii) HTX được giao đất, thuê đất để sản xuất, kinh doanh.
3. Những khó khăn, vướng mắc trong việc tích tụ, tập trung ruộng đất của các Hợp tác xã nông nghiệp hiện nay.
- Các hộ thành viên tham gia HTXNN đều có tâm lý giữ ruộng (dù bỏ hoang) như một tài sản thừa kế của các thế hệ trong gia đình (như ở không ít nơi miền Bắc).
- Các chính sách cho chuyển dịch ruộng đất và cho sản xuất nông nghiệp hàng hóa còn nhiều bất cập (thời hạn giao đất, quy mô tích tụ ruộng đất, chính sách cho thuê, sang nhượng, góp vốn bằng quyền sử dụng ruộng đất, thuế, quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa, thị trường tiêu thụ nông sản, thủ tục hành chính…).
- Ý nghĩa kinh tế của ruộng đất đối với hộ gia đình nông dân bị giảm đi so với công nghiệp và dịch vụ, nhất là ở những vùng đất chật người đông.
- Các HTXNN thiếu sự liên kết với các hộ nông dân một cách bền vững để hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn, các chuỗi sản xuất - chuỗi giá trị bền vững và hiệu quả. Giữa hộ nông dân với các HTXNN đang thiếu nền tảng pháp lý, thiếu sự tin cậy lẫn nhau trong việc hình thành các chuỗi sản xuất, liên kết tích tụ - tập trung ruộng đất quy mô lớn cho sản xuất nông nghiệp hàng hóa, nhất là trong một thời gian dài 10 - 20 năm trở lên (Hộ nông dân sợ mất đất, HTXNN lo hộ nông dân đòi đất ngang chừng, tình trạng “bẻ kèo” rất phổ biến trong các hợp đồng tiêu thụ nông sản…).
- Kinh nghiệm sản xuất - kinh doanh nông nghiệp hàng hóa lớn, chất lượng cao,hội nhập quốc tế của các hộ nông dân, các HTXNN còn nhiều hạn chế. Trình độ sản xuất và ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến, công nghệ cao trong nông nghiệp còn nhiều hạn chế.
- Các HTXNNthiếu vốn đầu tư cho phát triển các vùng nông nghiệp hàng hóa lớn.
- Những rủi ro từ thị trường và từ thiên nhiên, biến đổi khí hậu đối với sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn.
4. Đề xuất, kiến nghị giải pháp trong việc tích tụ, tập trung ruộng đất của các Hợp tác xã nông nghiệp hiện nay.
Việc tích tụ, tập trung ruộng đất cho phát triển HTXNN và sản xuất hàng hóa lớn là một quá trình, phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, quá trình phát triển công nghiệp và dịch vụ, nhất là các chính sách của nhà nước và trình độ phát triển nền nông nghiệp hàng hóa.
Xin đề xuất một số giải pháp chính sau đây:
Một là,Hoàn thiện cơ sở pháp lý để cho các hộ nông dân góp ruộng đất hoặc cho HTXNN thuê đất nhưng vẫn đảm bảo quyền sử dụng đất nông nghiệp của mình.
Sửa đổi, bổ sung Luật Hợp tác xã 2012 và Luật Đất đai năm 2013 để phù hợp với yêu cầu của thực tế về đất đai để phát triển HTXNN. Trước hết phải thực hiện việc giao ruộng đất ổn định, lâu dài cho các hộ nông dân (và các chủ thể khác) với đầy đủ các quyền theo luật định (quyền sử dụng, chuyển đổi, chuyển nhượng, thừa kế, thế chấp, cho thuê…). Nhà nước bảo hộ quyền sở hữu về tài sản (trong đó có quyền sử dụng ruộng đất), vốn, tư liệu sản xuất và quyền tự do kinh doanh để các hộ nông dân và các doanh nghiệp thực sự yên tâm đầu tư phát triển nông nghiệp hàng hóa, đồng thời thúc đẩy việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp - nông thôn.
Hai là,Nhà nước và chính quyền các cấp sớm có Quy hoạch trung và dài hạn phát triển các vùng và sản phẩm nông nghiệp hàng hóa, nhất là hàng hóa nông sản chất lượng cao theo quan điểm thị trường.
Quy hoạch ruộng đất phát triển nông nghiệp hàng hóa phải gắn với phát huy cao lợi thế so sánh của từng vùng, từng sản phẩm; gắn với đẩy mạnh phát triển và lành mạnh hóa thị trường hàng hóa nông sản trong nước kết nối có hiệu quả với thị trường quốc tế. Phát triển thị trường phải gắn liền với xây dựng thương hiệu sản phẩm nông sản Việt, với nâng cao chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch, với đảm bảo truy suất nguồn gốc xuất xứ hàng hóa nông sản. Quy hoạch ruộng đất phát triển nông nghiệp hàng hóa phải gắn với hình thành các chuỗi sản xuất - kinh doanh hiệu quả, bền vững, để không xảy ra tình trạng “được mùa mất giá, trồng - chặt tự phát, các chiến dịch giải cứu nông sản…”.
Ba là,Tiếp tục hoàn thiện luật pháp và chính sách ruộng đất để thúc đẩy phát triển hợp tác xã nông nghiệpsản xuất hàng hóa lớn, chất lượng cao, hiệu quả để thành viên tự nguyện góp đất, cho hợp tác xã thuê đất.
Chế định rõ, công khai, minh bạch cơ sở pháp lý cho sự vận động của các quyền của người sử dụng đất, cho sự vận động công khai, minh bạch, hiệu quả của quan hệ ruộng đất trong kinh tế thị trường.
Thực hiện chính sách mở rộng “hạn điền”, chính sách tích tụ, tập trung ruộng đất hợp lý cho những chủ thể trực tiếp quản lý - sản xuất kinh doanh nông nghiệp hàng hóa phù hợp với điều kiện của từng vùng, từng lĩnh vực (theo những hình thức nêu trên). Kinh nghiệm của nhiều nước có nền nông nghiệp lúa nước, cũng như thực tiễn của Việt Nam cho thấy mức hạn điền hiện nay đối với các hộ nông dân chưa phải là yếu tố cản trở lớn nhất, chủ yếu nhất đối với phát triển nền nông nghiệp hàng hóa lớn ở nước ta. Cần có các chính sách và giải pháp phù hợp để đẩy mạnh quá trình “dồn điền đổi thửa”, hình thành các “cánh đồng lớn”; đẩy mạnh thực hiện các chính sách về luân chuyển quyền sử dụng ruộng đất (cho thuê, sang nhượng, ủy thác canh tác, liên kết, góp vồn bằng quyền sử dụng đất…), tạo điều kiện thuận lợi hình thành và phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn. Việc lựa chọn các phương hướng tích tụ - tập trung ruộng đất trên cần phù hợp với điều kiện từng vùng, từng lĩnh vực; đảm bảo hài hòa lợi ích và sự phát triển bền vững của hộ nông dân, của nông thôn, của doanh nghiệp và các chủ thể tham gia cả về mặt kinh tế và xã hội, chứ không thể chỉ nghiêng về lợi ích của những chủ thể được tích tụ ruộng đất.
Bốn là, Phát triển các mô hình hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới, hoạt động hiệu quả để nông dân tin và tham gia hợp tác xã nông nghiệp
Phải đổi mới một cách căn bản các mô hình HTXNN hiện có cũng như phát triển các mô hình HTXNN kiểu mới trên cơ sở đảm bảo đúng nguyên tắc “tự nguyện, dân chủ, bình đẳng, cùng có lợi”; thực hiện đúng hộ thành viên và HTXNN là hai chủ thể kinh tế, HTXNN phải hoạt động trên cơ sở hiệu quả của chính mình, đồng thời hỗ trợ cho kinh tế hộ nông dân phát triển sản xuất hàng hóa. Do điều kiện khách quan và trình độ phát triển nền nông nghiệp, trình độ kinh tế hộ ở nước ta còn khác nhau nhiều giữa các vùng, cho nên cần phải phát triển ba hoại hình HTXNN phù hợp với ba loại trình độ kinh tế hộ nông dân: HTXNN mang tính chất liên kết hỗ trợ lẫn nhau trong sản xuất của các hộ nông dân sản xuất chủ yếu còn mang tính tự cung, tự cấp; HTXNN thực hiện cung cấp một số dịch vụ đầu vào cho các hộ nông dân còn ở trình độ chủ yếu sản xuất hàng hóa nhỏ; HTXNN liên kết với các doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ (cả dịch vụ đầu vào và dịch vụ đầu ra) cho các hộ nông dân đã đi vào sản xuất hàng hóa. Chế định khung pháp lý và cơ chế liên kết bền vững giữa các HTXNN với các doanh nghiệp.
Năm là, Đẩy mạnh xây dựng, phát triển và hoàn thiện và các hình thức liên kết sản xuất kinh doanh bền vững trong nông nghiệp
Cần rà soát và đánh giá lại tất cả các chuỗi sản xuất - kinh doanh trong nông nghiệp hiện nay, nhất là đối với các sản phẩm chủ lực, mũi nhọn, ở các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn theo các tiêu chí trên. Tùy theo trình độ, quy mô và đặc điểm của từng lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, có thể lựa chọn và phát triển đa dạng, đa tầng các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất kinh doanh (ngang - dọc) phù hợp, hiệu quả, bền vững, nhất là đối với các chuỗi sản xuất - kinh doanh nông sản sạch, chất lượng cao. Chính quá trình liên kết chặt chẽ giữa các hộ nông dân trong các HTX và với các doanh nghiệp trong các chuỗi sản xuất kinh doanh - chuỗi giá trị bình đẳng, công bằng, minh bạch, cùng có lợi là cơ sở để thúc đẩy quá trình tích tụ - tập trung ruộng đất cho phát triển nền nông nghiệp hàng hóa lớn.
Sáu là, Đổi mới và hoàn thiện cơ chế, chính sách đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng, chuyển giao khoa học, công nghệ cao cho các hợp tác xã nông nghiệp tích tụ, tập trung ruộng đất quy mô lớn.
Phát triển và ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp phải được coi là khâu then chốt trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng sang phát triển theo chiều sâu, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Điều quan trọng là phải đổi mới và hoàn thiện thể chế thúc đẩy nghiên cứu và ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, nhất là công nghệ cao trong nông nghiệp. Trong điều kiện cụ thể hiện nay, cần tập trung phát triển và ứng dụng công nghệ cao vào các khâu như: Giống cây, con chất lượng cao, chế biến (nhất là chế biến sâu) - bảo quản chất lượng cao; quy trình canh tác tiên tiến; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; các hình thức tổ chức sản xuất - kinh doanh tiên tiến; phát triển các sản phẩm cao cấp. Việc ứng dụng khoa học và công nghệ cao trong nông nghiệp là một tiền đề - điều kiện rất quan trọng để sử dụng đất nông nghiệp một cách tiết kiệm và hiệu quả nhất, hạn chế việc tích tụ - tập trung ruộng đất phát triển nông nghiệp theo chiều rộng./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Báo cáo tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQQ/TW ngày 18/3/2022, Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể của Ban Chỉ đạo Trung ương Tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể (tháng 12 năm 2021);
2. Báo cáo tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 18/3/2022, Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (2021);
3. Tổng quan tình hình thực hiện Luật Đất đai năm 2013; những thuận lợi, khó khăn và đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai năm 2013: Viện Phát triển kinh tế hợp tác, năm 2021;
4. Tích tụ ruộng đất giải pháp để thúc đẩy phát triển sản xuất hàng hóa trong nông nghiệp: Trang thông tin điện tử của Hội đồng Lý luận Trung ương (ngày phát hành: 21/5/2021).
5. Từ Nghị quyết 13 - đã xuất hiện nhiều mô hình hợp tác xã có cách làm mới: đăng trên https://daihoi13.dangcongsan.vn ngày 15/6/2021.
T
TS. Nguyễn Mạnh Cường Viện trưởng, Viện Phát triển kinh tế hợp tác