Chiều 26/11, tại Hội trường Trung tâm Văn hoá Xứ Đông (TP Hải Dương), ông Lê Ngọc Châu, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương chủ trì hội nghị đối thoại với cán bộ, hội viên nông dân trên địa bàn tỉnh năm 2024. Hơn 350 cán bộ, hội viên nông dân xuất sắc đại diện cho trên 392.000 hội viên nông dân toàn tỉnh này tham dự.
|
Ông Lê Ngọc Châu, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương chủ trì hội nghị đối thoại với cán bộ, hội viên nông dân. |
Nông dân đóng góp lớn vào phát triển kinh tế xã hội của Hải Dương
Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Lê Ngọc Châu đã khẳng định, những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hải Dương có sự đóng góp công sức rất lớn của bà con nông dân.
Những năm qua, người nông dân đã phát huy tốt hơn vai trò là chủ thể tham gia phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới, tích cực tiếp thu các tiến bộ khoa học kỹ thuật công nghệ mới vào sản xuất, kinh doanh; có khát vọng làm giàu từ sản xuất nông nghiệp.
Qua đối thoại, lãnh đạo tỉnh Hải Dương mong muốn được lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị, phản ánh từ thực tiễn sản xuất của nông dân, tạo sự gắn kết chặt chẽ hơn nữa giữa cấp ủy đảng, chính quyền với nông dân trên địa bàn tỉnh; qua đó có các biện pháp, giải pháp thiết thực, phù hợp trong chỉ đạo, điều hành, xây dựng cơ chế, chính sách, đưa được các chủ trương, đường lối của Đảng vào cuộc sống.
Tại hội nghị với chủ đề “Khơi dậy tiềm năng, phát huy lợi thế, hỗ trợ nông dân liên kết, hợp tác, phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn bền vững", nhiều nhóm vấn đề, giải pháp thúc đẩy phát triển nông nghiệp đã được cán bộ, hội viên nông dân gửi gắm đến lãnh đạo tỉnh Hải Dương.
Trong đó, đại diện cán bộ, hội viên nông dân trong tỉnh đặt ra nhiều câu hỏi về việc thu hồi đất nông nghiệp phục vụ phát triển hạ tầng công nghiệp, đô thị đang phổ biến ở các địa phương trong tỉnh. Đồng thời kiến nghị tỉnh quan tâm đến các vấn đề như đào tạo nghề, phát triển dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp và phát triển nông nghiệp chất lượng cao tại nông thôn.
Các giải pháp hỗ trợ phát triển nông nghiệp theo chuỗi giá trị; phát triển nông nghiệp số, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái gắn với phát triển một số sản phẩm chủ lực, đặc sản của từng địa phương. Hỗ trợ nông dân chuyển đổi số, cấp mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc, quảng bá, xây dựng thương hiệu sản phẩm...
|
Các hội viên nông dân tham dự hội nghị. |
Các vấn đề xử lý rác thải tại nông thôn, biến đổi khí hậu tác động đến ngành nông nghiệp cũng được cán bộ, hội viên nông dân đề cập tại hội nghị đối thoại. Nông dân cũng kiến nghị các cấp quan tâm công tác quy hoạch và xây dựng nhà máy xử lý rác thải tập trung đủ công suất xử lý rác thải sinh hoạt của tỉnh để giải quyết tình trạng quá tải tại các bãi chôn lấp của các địa phương hiện nay; đồng thời có những định hướng và giải pháp giúp cho nhân dân sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu.
Cán bộ hội nông dân một số địa phương đề nghị tỉnh Hải Dương quan tâm đến chế độ chính sách liên quan đến Quỹ Hỗ trợ nông dân; chế độ, chính sách đối với cán bộ Hội các cấp và hỗ trợ kinh phí hoạt động công tác Hội Nông dân...
Các ý kiến trao đổi tại hội nghị đã được đại diện lãnh đạo các sở, ngành giải đáp, trao đổi cụ thể theo thẩm quyền.
Nêu cao tinh thần ý chí tự lực tự cường, vị thế của nông dân trong thời kỳ đổi mới
Đánh giá cao các ý kiến, kiến nghị của cán bộ, hội viên nông dân tại hội nghị đối thoại cũng như gửi về bộ phận thường trực của hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Lê Ngọc Châu đề nghị Ban Tổ chức hội nghị tiếp tục tổng hợp đầy đủ gửi các sở, ngành, địa phương liên quan xem xét, giải quyết, trả lời bằng văn bản để kịp thời giải quyết tâm tư, nguyện vọng của hội viên hội nông dân trong tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp thu các ý kiến của các hội viên nông dân trong hội nghị để tiếp tục nghiên cứu, tham mưu, đề xuất các giải pháp và chính sách mới phù hợp với điều kiện của tỉnh.
Trong đó, tập trung vào giá sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi; phát triển nông nghiệp số, nông nghiệp an toàn; ưu đãi và hỗ trợ mua máy nông nghiệp; thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp và kết nối, tiêu thụ nông sản cho nông dân.
Sở Công Thương đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ tiêu thụ nông sản; tăng cường phối hợp với hệ thống các siêu thị, trung tâm thương mại để tổ chức các hoạt động kết nối, tiêu thụ nông sản; hỗ trợ nông dân, các hợp tác xã về thương mại điện tử theo chủ đề phù hợp với lĩnh vực hàng hóa kinh doanh, kỹ năng bán hàng trực tuyến, tổ chức các hoạt động festival, triển lãm các sản phẩm nông nghiệp
Sở Khoa học và Công nghệ hướng dẫn, hỗ trợ nông dân ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao năng suất lao động và chất lượng của sản phẩm góp phần nâng cao thu nhập và đời sống của bà con nông dân.
Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu chính sách liên quan đến tích tụ đất đai để sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và các giải pháp để giảm thiểu ô nhiễm môi trường khu vực nông thôn.
Ngân hàng nhà nước tỉnh Hải Dương chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn chủ động triển khai các chương trình tín dụng với lãi suất ưu đãi phù hợp đối với nhóm khách hàng hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Hải Dương tiếp tục triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách quy định của Trung ương, của ngành, góp phần hỗ trợ, thúc đẩy, phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; phối hợp với các sở, ngành để thực hiện các chính sách trên địa bàn tỉnh.
|
Quang cảnh Hội nghị. |
Sở Lao động – Thương binh và Xã hội khẩn trương tham mưu UBND tinh triển khai thực hiện Kế hoạch số 242 của Tỉnh ủy về đổi mới công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì rà soát, đánh giá tình hình khó khăn vướng mắc và giải pháp xử lý, tháo gỡ trong việc triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng các nhà máy chế biến, bảo quản nông sản gắn với liên kết tiêu thụ nông sản cho nông dân.
Sở Tài chính chủ trì tham mưu các cơ chế, chính sách hỗ trợ về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; tham mưu bố trí ngân sách nhà nước bổ sung nguồn quỹ hỗ trợ nông dân cấp tỉnh. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát, thống nhất bổ sung vào quy hoạch những khu vực có tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch nông nghiệp, sinh thái. Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kiến thức du lịch cho người dân tại các làng nghề, địa phương có tiềm năng du lịch nông thôn.
Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Lê Ngọc Châu cũng yêu cầu UBND huyện, thị xã, thành phố kịp thời triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân, người lao động nông thôn trên địa bàn. Chủ trì tổ chức Hội nghị đối thoại giữa Chủ tịch UBND cấp huyện với nông dân trên địa bàn để kịp thời nắm bắt tư tưởng, nguyện vọng, kiến nghị của nông dân, qua đó hỗ trợ, giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền và tổng hợp, báo cáo tham mưu UBND tỉnh các nội dung vượt thẩm quyền.
Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương đề nghị các cấp Hội Nông dân làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đẩy mạnh các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước trong nông dân, nhất là phong trào xây dựng nông thôn mới, phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững"; phong trào “Cán bộ, hội viên nông dân tích cực tham gia phát triển kinh tế tập thể". Nêu cao tinh thần ý chí tự lực tự cường, vị thế của nông dân trong thời kỳ đổi mới, hội nhập quốc tế, với quyết tâm không cam chịu nghèo nàn, lạc hậu, vươn lên thực hiện khát vọng làm giàu.
Hải Ninh