Chiến tranh biên giới 1979 được dạy thế nào trong chương trình mới

Google News

Theo GS.TS Phạm Hồng Tung, việc trình bày lịch sử chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở các vùng biên giới Tây Nam, phía Bắc và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc sau năm 1975 đến nay còn sơ lược.

Trong bài viết gửi Zing.vn, GS.TS Phạm Hồng Tung - Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, ĐH Quốc gia Hà Nội, chủ biên chương trình Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông tổng thể - đề cập khía cạnh cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở vùng biên giới Bắc trong sách giáo khoa (SGK).
Chưa được trình bày công phu trong SGK
Trước tiên, cần khẳng định cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở vùng biên giới Bắc (17/2-18/3/1979) và cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia ở vùng biên giới phía Bắc và ở Biển Đông (1979-1991) là quá trình lịch sử có ý nghĩa rất quan trọng trong lịch sử Việt Nam hiện đại.
Tuy nhiên, cũng giống như lịch sử cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở vùng biên giới Tây Nam (1975-1978), quá trình lịch sử này cho tới nay còn chưa được nghiên cứu và trình bày đầy đủ trên các diễn đàn công khai ở Việt Nam, đặc biệt là nội dung giáo dục lịch sử trong trường phổ thông các cấp.
Trong sách giáo khoa lịch sử hiện hành (bản in năm 2018 của NXB Giáo dục Việt Nam), lịch sử cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở vùng biên giới Tây Nam được trình bày ở cuốn Lịch sử 12, tại mục II “Đấu tranh bảo vệ Tổ quốc (1975-1979)” của Bài 25 “Xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh bảo vệ Tổ quốc (1976-1986)” với dung lượng 3 đoạn, 6 câu, 13 dòng.
Cũng trong mục này, lịch sử cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở vùng biên giới phía Bắc được đề cập với dung lượng 2 đoạn gồm 4 câu, 11 dòng, cụ thể như sau:
Chien tranh bien gioi 1979 duoc day the nao trong chuong trinh moi
Bộ đội Việt Nam đánh trả lại quân xâm lược phía Bắc năm 1979. Ảnh tư liệu: Quân Đội Nhân Dân. 
“Bảo vệ biên giới phía Bắc: Hành động thù địch chống Việt Nam của tập đoàn Pôn Pốt được một số nhà lãnh đạo Trung Quốc lúc đó đồng tình ủng hộ. Họ còn có những hành động làm tổn hại đến tình hữu nghị của nhân dân hai nước như cho quân khiêu khích dọc biên giới, dựng nên sự kiện “nạn kiều”, cắt viện trợ, rút chuyên gia.
Nghiêm trọng hơn, sáng 17/2/1979, quân đội Trung Quốc huy động 32 sư đoàn mở cuộc tấn công dọc biên giới nước ta từ Móng Cái (Quảng Ninh) đến Phong Thổ (Lai Châu). Để bảo vệ lãnh thổ Tổ quốc, quân dân ta, trực tiếp là quân dân sáu tỉnh biên giới phía Bắc, đã đứng lên chiến đấu. Đến ngày 18/3/1979, quân Trung Quốc rút khỏi nước ta”.
Trong khi đó, toàn bộ quá trình đấu tranh bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, lợi ích quốc gia ở vùng biên giới phía Bắc và ở Biển Đông hầu như không hề được đề cập trong SGK.
Điều đáng nói, trong những bản in trước đó gần 20 năm, dung lượng và mức độ chi tiết của SGK lịch sử lớp 12 dành cho cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở vùng biên giới Tây Nam lớn hơn khá nhiều.
Chẳng hạn, sách Lịch sử 12, tập hai do Bộ GD&ĐT tổ chức biên soạn và phát hành năm 2001, nội dung dành cho cuộc chiến tranh ở vùng biên giới Tây Nam chiếm khoảng gần 2 trang sách với 7 đoạn, 35 dòng, nhiều hơn gấp đôi dung lượng có trong sách Lịch sử 12, bản in năm 2018.
Trong bản in năm 2001, việc trình bày về lịch sử cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở vùng biên giới phía Bắc khá ngắn gọn, sơ lược, nhưng cũng đầy đủ, chi tiết hơn bản in năm 2018, với 3 đoạn, 24 dòng.
Ngay trong bản in năm 2001, lịch sử hai cuộc chiến tranh này đã được trình bày trong mối liên hệ gắn bó với nhau và với cả việc bình thường hóa, khôi phục “tình cảm láng giềng thân thiết, tình đoàn kết, hữu nghị, hợp tác vốn có từ lâu giữa Việt Nam - Trung Quốc, Việt Nam - Camphuchia, với tinh thần: “Cùng nhau xóa bỏ định kiến, mặc cảm, hướng tới tương lai” cũng được nhắc đến.
Việc trình bày về lịch sử cả hai cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở các vùng biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc (1975-1979) và cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc từ sau năm 1975 đến nay còn quá sơ lược, không tương xứng vị trí và ý nghĩa của những quá trình lịch sử đó; không đáp ứng được nhu cầu nhận thức và càng không đáp ứng được yêu cầu phát triển năng lực và phẩm chất của học sinh Việt Nam.
Hơn nữa, chỉ trong một số đoạn văn ngắn vừa được trích dẫn ở trên cũng đã lộ ra một số lỗi, sai sót cả về nội dung lịch sử và hình thức trình bày, diễn đạt.
Trong gần 20 năm qua, xu hướng chung của việc giảng dạy và cung cấp thông tin cho học sinh phổ thông về các quá trình lịch sử này ngày càng có chiều hướng cắt giảm, sơ lược hóa. Mặt khác, thực hiện chủ trương giảm tải của Bộ GD&ĐT, những năm gần đây, nội dung lịch sử nói trên đã được chỉ đạo “cắt giảm” một cách cơ học hoàn toàn khỏi nội dung giáo dục lịch sử trong nhà trường.
Thực tế này đã được nhiều nhà giáo, nhà khoa học chỉ ra. Chính vì vậy, trong chương trình giáo dục phổ thông mới, nội dung giáo dục lịch sử trên sẽ được đổi mới khá căn bản, toàn diện và cẩn trọng.
Vấn đề chiến tranh trong chương trình phổ thông mới
Phương pháp giáo dục lịch sử trong trường phổ thông đã thay đổi, chuyển từ tiếp cận nội dung sang tiếp cận năng lực, nên phải tránh sa đà vào việc trình bày diễn biến, yêu cầu học sinh học thuộc lòng, ghi nhớ máy móc số liệu.
Trái lại, cần tập trung giúp học sinh nắm được phương pháp tìm hiểu về sự kiện, phân tích, đánh giá sự kiện và quá trình lịch sử. Theo đó, chỉ cần trình bày tóm tắt diễn biến chính, hướng dẫn học sinh thu thập, phê phán sử liệu có liên quan, phân tích làm rõ nguyên nhân, tính chất, vị trí và ý nghĩa (tác động) của cuộc chiến này.
Giáo viên phải hướng dẫn để học sinh tìm hiểu rõ nguyên nhân sâu xa và nguyên nhân trực tiếp đã dẫn đến cuộc chiến, qua đó làm rõ tính chất chính nghĩa của cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc của Nhà nước và nhân dân Việt Nam, tính chất phi nghĩa trong các hành vi gây hấn, khiêu khích của kẻ xâm lược.
Khép lại quá khứ không có nghĩa là lảng tránh hay nói sai về quá khứ. Làm như vậy chỉ khiến nhận thức lịch sử trở nên tồi tệ hơn. Cần giúp học sinh nắm vững cách thức khám phá sự thật lịch sử về cuộc chiến một cách khoa học. Trên cơ sở đó, giáo viên nói rõ cho người học rằng đó là những sự thật của quá khứ, chúng đã thuộc về quá khứ. Hiểu rõ chúng để ngăn ngừa, không cho chúng tái sinh trong hiện tại và tương lai.
Để tránh việc dạy và học lịch sử trở thành phương tiện tuyên truyền, dễ bị lợi dụng và xuyên tạc, diễn đạt cần tuyệt đối tránh các ngôn từ, hình ảnh, lối trình bày mang tính gây hấn, biểu cảm, miệt thị. Trong trình bày lịch sử nói chung, giảng dạy lịch sử nói riêng, các ngôn từ biểu cảm, miệt thị, như “chúng”, “quân địch”, “giặc”, “dã man”, “tàn bạo”, “khát máu”… không hề giúp cho các lập luận, phân tích, đánh giá gia tăng tính thuyết phục. Trái lại, nó làm bộc lộ rõ thái độ định kiến, áp đặt, phiến diện, thiếu khách quan và do đó, thiếu tính thuyết phục.
Muốn chỉ ra những tính chất, đặc điểm nào đó của sự kiện, quá trình, nhân vật lịch sử thì nên để cho sử liệu tự cất lên tiếng nói khách quan, trung thực. Việc sử dụng các tài liệu hình ảnh, hiện vật cũng cần lưu ý tính nhân văn, nhân đạo, tránh sử dụng hình ảnh, âm thanh, hiện vật nặng tính bạo lực, xúc phạm cá nhân.
Các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc không nên lảng tránh việc trình bày và đánh giá về quá trình lịch sử này, kể cả việc dạy và học về nó trong các trường phổ thông.
Giảng dạy và học tập lịch sử cuộc chiến này nhằm giúp thế hệ trẻ Việt Nam (cả thế hệ trẻ Campuchia, Trung Quốc và các nước khác trong khu vực) hiểu rõ, hiểu đúng về quá khứ, giúp họ nhận thức rõ cái đúng, cái sai, cái chính nghĩa, cái phi nghĩa trong quá khứ để khép lại quá khứ, hướng tới tương lai hòa bình, hòa giải, hữu nghị và hợp tác.
Muốn đạt được mục đích đó, việc tìm hiểu, biên soạn SGK, học liệu và tổ chức dạy và học về lịch sử cuộc chiến nhất định phải tuân thủ những nguyên tắc cơ bản của khoa học giáo dục và của sử học. Đó là các nguyên tắc nhân văn, nhân bản, tiến bộ, yêu hòa bình; khách quan, trung thực, lịch sử toàn diện, cụ thể và thực chứng.
Trước đây, cũng như ngày nay, cách trình bày, nhìn nhận, đánh giá về lịch sử các cuộc chiến tranh nói trên ở Việt Nam và Trung Quốc rất khác nhau, thậm chí hoàn toàn trái ngược nhau.
Về cuộc chiến tranh biên giới 1979, trong khi ở Việt Nam, giới trẻ ít được giáo dục, tuyên truyền, cung cấp thông tin một cách khoa học, đầy đủ, thì ở Trung Quốc, thanh niên, học sinh vẫn được tuyên truyền, giáo dục rằng đó là “cuộc chiến tranh phản kích chống Việt Nam để tự vệ” (phản Việt phòng vệ chiến tranh), nhằm trừng phạt “tiểu bá” Việt Nam vong ân bội nghĩa, tay sai của Liên Xô…
Chính sự khác nhau trong nhận thức và trình bày lịch sử này đã trở thành một trong những ngọn nguồn của những định kiến mang nặng tính chất kỳ thị và thù địch, nếu gặp những điều kiện thuận lợi, sẽ bùng phát thành hận thù và xung đột.
Do vậy, nếu không hòa giải được trong nhận thức và trình bày về lịch sử, thì lịch sử vẫn còn là một liều thuốc độc mà tiền nhân để lại cho thế hệ sau.
Chien tranh bien gioi 1979 duoc day the nao trong chuong trinh moi-Hinh-2
 GS Phạm Hồng Tung cho hay trong chương trình giáo dục phổ thông mới, nội dung giáo dục lịch sử về cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Bắc sẽ được đổi mới khá căn bản, toàn diện và cẩn trọng. Ảnh: Thành Long. Hòa giải lịch sử cần và nên được thực hiện thế nào
Các nhà giáo dục và sử học Đức và Pháp đã nêu một tấm gương mà giới sử học và giáo dục học Việt Nam và Trung Quốc rất nên tham khảo. Những nỗ lực hòa giải đầu tiên của họ đã bắt đầu được xúc tiến từ ngay sau Chiến tranh thế giới I, trải qua rất nhiều thăng trầm, thất bại, phải tới tận năm 2006, tập SGK lịch sử chung đầu tiên mới ra đời, được sử dụng cho nhà trường phổ thông ở cả Đức và Pháp. Đến nay, nhiều tập SGK chung như vậy được xuất bản và sử dụng.
Người Đức và người Pháp đã thành công trên con đường hòa giải lịch sử, cho nên người Việt Nam và Trung Quốc nhất định cũng sẽ thành công, nếu chúng ta cùng có trách nhiệm với tương lai của thế hệ trẻ hai nước, với tiền đồ của hai quốc gia, dân tộc.
Chỉ có thể bằng con đường hòa giải lịch sử (historical reconciliation), chúng ta mới góp phần “giải độc lịch sử”, bắc thêm nhịp cầu chắc chắn cho hai quốc gia, dân tộc vượt qua hận thù, định kiến của quá khứ, tiến đến bến bờ hòa bình, hữu nghị, hợp tác.