Chiến tranh biên giới 1979 được đề cập thế nào trong sách lịch sử?

Google News

(Kiến Thức) - "Cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở vùng biên giới Bắc (17/2/1979) cho tới nay còn chưa được nghiên cứu và trình bày đầy đủ trên các diễn đàn công khai ở Việt Nam, đặc biệt là nội dung giáo dục lịch sử trong trường phổ thông các cấp."

Trong sách giáo khoa lịch sử hiện hành (bản in năm 2018 của NXB Giáo dục Việt Nam), lịch sử cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở vùng biên giới Tây Nam được trình bày ở cuốn Lịch sử 12, tại mục II “Đấu tranh bảo vệ Tổ quốc (1975-1979)” của Bài 25 “Xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh bảo vệ Tổ quốc (1976-1986)”.
Cũng trong mục này, lịch sử cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở vùng biên giới phía Bắc được đề cập như sau:
“Bảo vệ biên giới phía Bắc: Hành động thù địch chống Việt Nam của tập đoàn Pôn Pốt được một số nhà lãnh đạo Trung Quốc lúc đó đồng tình ủng hộ. Họ còn có những hành động làm tổn hại đến tình hữu nghị của nhân dân hai nước như cho quân khiêu khích dọc biên giới, dựng nên sự kiện “nạn kiều”, cắt viện trợ, rút chuyên gia.
Nghiêm trọng hơn, sáng 17/2/1979, quân đội Trung Quốc huy động 32 sư đoàn mở cuộc tấn công dọc biên giới nước ta từ Móng Cái (Quảng Ninh) đến Phong Thổ (Lai Châu). Để bảo vệ lãnh thổ Tổ quốc, quân dân ta, trực tiếp là quân dân sáu tỉnh biên giới phía Bắc, đã đứng lên chiến đấu. Đến ngày 18/3/1979, quân Trung Quốc rút khỏi nước ta”.
Chien tranh bien gioi 1979 duoc de cap the nao trong sach lich su?
(Ảnh tư liệu)
GS.TS Phạm Hồng Tung - Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, ĐH Quốc gia Hà Nội, chủ biên chương trình Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông tổng thể chi sẻ trên Zing rằng: Trước tiên, cần khẳng định cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở vùng biên giới Bắc (17/2-18/3/1979) và cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia ở vùng biên giới phía Bắc và ở Biển Đông (1979-1991) là quá trình lịch sử có ý nghĩa rất quan trọng trong lịch sử Việt Nam hiện đại.
Tuy nhiên, cũng giống như lịch sử cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở vùng biên giới Tây Nam (1975-1978), quá trình lịch sử này cho tới nay còn chưa được nghiên cứu và trình bày đầy đủ trên các diễn đàn công khai ở Việt Nam, đặc biệt là nội dung giáo dục lịch sử trong trường phổ thông các cấp.
Việc trình bày về lịch sử cả hai cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở các vùng biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc (1975-1979) và cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc từ sau năm 1975 đến nay còn quá sơ lược, không tương xứng vị trí và ý nghĩa của những quá trình lịch sử đó; không đáp ứng được nhu cầu nhận thức và càng không đáp ứng được yêu cầu phát triển năng lực và phẩm chất của học sinh Việt Nam.
Theo PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ (thành viên nhóm biên soạn Chương trình SGK mới), trong chương trình môn Lịch sử mới, nhóm đã dự thảo chuyển theo mô hình: Thế giới - khu vực - Việt Nam - địa phương. Trong đó, lấy lịch sử Việt Nam làm trọng tâm, chiếm 60% thời lượng của chương trình. Phần lịch sử địa phương sẽ do địa phương chủ động thiết kế theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT trong phạm vi cho phép.
Trong quá trình tích hợp, sẽ rất chú ý thể hiện rõ mối quan hệ giữa lịch sử thế giới và lịch sử Việt Nam.
"Khép lại quá khứ không có nghĩa là lảng tránh hay nói sai về quá khứ. Làm như vậy chỉ khiến nhận thức lịch sử trở nên tồi tệ hơn. Cần giúp học sinh nắm vững cách thức khám phá sự thật lịch sử về cuộc chiến một cách khoa học. Trên cơ sở đó, giáo viên nói rõ cho người học rằng đó là những sự thật của quá khứ, chúng đã thuộc về quá khứ. Hiểu rõ chúng để ngăn ngừa, không cho chúng tái sinh trong hiện tại và tương lai.
Các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc không nên lảng tránh việc trình bày và đánh giá về quá trình lịch sử này, kể cả việc dạy và học về nó trong các trường phổ thông.
Giảng dạy và học tập lịch sử cuộc chiến này nhằm giúp thế hệ trẻ Việt Nam (cả thế hệ trẻ Campuchia, Trung Quốc và các nước khác trong khu vực) hiểu rõ, hiểu đúng về quá khứ, giúp họ nhận thức rõ cái đúng, cái sai, cái chính nghĩa, cái phi nghĩa trong quá khứ để khép lại quá khứ, hướng tới tương lai hòa bình, hòa giải, hữu nghị và hợp tác" - trích chia sẻ của GS.TS Phạm Hồng Tung.
PV (t/h)