Cần xem lại cơ sở pháp lý việc khởi tố bác sĩ Lương

Google News

Đề cập đến vụ việc 8 người tử vong khi chạy thận ở BVĐK tỉnh hòa Bình, Bộ Công an cho biết sẽ xem xét, điều tra khách quan.

Khởi tố, bắt giam một bác sỹ
Liên quan đến vụ việc 8 người tử vong khi chạy thận ở BVĐK tỉnh Hòa Bình, chiều ngày 22/6, Công an tỉnh Hòa Bình đã ra quyết định khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam 3 đối tượng gồm: Bùi Mạnh Quốc (SN 1986) - Giám đốc Cty TNHH xử lý nước Trâm Anh, đơn vị đã tiến hành bảo dưỡng máy chạy thận vào ngày 28/5;
Trần Văn Sơn (SN 1990), cán bộ phòng vật tư, trang thiết bị y tế BVĐK tỉnh Hòa Bình và Hoàng Công Lương (SN 1986), Bác sĩ khoa Hồi sức tích cực - Đơn nguyên thận nhân tạo, BVĐK tỉnh Hòa Bình.
Can xem lai co so phap ly viec khoi to bac si Luong
 BS Hoàng Công Lương (SN 1986) bị bắt tạm giam.
Tuy nhiên, việc khởi tố và bắt giam BS Lương đã dấy lên nhiều dư luận không đồng tình trong ngành y. Nhiều ý kiến cho rằng, việc này cần phải xem xét lại một cách “thấu lý, đạt tình”.
Ngày 27/6/2017, Hội Hồisức cấp cứu và chống độc Việt Nam cũng đã có đơn, nêu 5 kiến nghị gửi lên Bộ trưởng Bộ Công an về việc cơ quan điều tra bắt tạm giam BS Lương.
Cụ thể: theo nội dung đơn thì việc cung cấp nguồn nước đảm bảo theo tiêu chuẩn để lọc máu là trách nhiệm của bệnh viện, bác sĩ hồi sức không có chuyên môn kỹ thuật và cũng không được phân công làm công việc này.
Nhân viên y tế (bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên) chỉ là người sử dụng nguồn nước sau khi được bàn giao và thực hiện các quy trình kỹ thuật lọc máu đã được Bộ Y tế ban hành.
Việc bàn giao thiết bị máy móc trước và sau khisửa chữa bảo dưỡng trên giấy tờ chỉ là bàn giao về:số lượng, chủng loại thiết bị …
Vì vậy, CQĐT Công an tỉnh Hòa bình đưa ra kết luận là: BS Lương không biết chất lượng có đảm bảo hay không mà vẫn đưa vào sử dụng gây tử vong cho bệnh nhân là không thuyết phục.
“BS.Lương cho chỉ định lọc máu theo chương trình,sau khi được bàn giao qua điện thoại của người có trách nhiệm (nhân viên phòng vật tư của bệnh viện) là hợp lý, nếu chờ đợi bàn giao bằng văn bản sẽ mất thời gian và lỡ kế hoạch đã đề ra.
Mặt khác trong trường hợp này, nếu chỉ lọc máu cho bệnh nhân sau khi bàn giao bằng văn bản thìsự cố vừa qua vẫn xảy ra như vậy. Vì vậy theo chúng tôi: Khuyết điểm của BS. Lương là thiếu sót về thủ tục hành chính mà thôi”, văn bản kiến nghị nêu.
Khi sự cố xảy ra, với lượng nhân viên ít ỏi, BS. Lương và các đồng nghiệp đã làm việc hết mình, xử trí nhanh và chính xác, cấp cứu kịp thời 18 bệnh nhân trong khi chờ đợi các đồng nghiệp đến trợ giúp, vì vậy đã giảm thiểu số bệnh nhân tử vong, nếu không số bệnh nhân tử vong còn có thể nhiều hơn nữa.
Như vậy, "lẽ ra BS Lương và những cán bộ y tế tham gia cấp cứu phải được động viên khen thưởng thì này lại được coi là tội phạm thì không thỏa đáng và gây hoang mang cực độ cho nhân viên y tế chúng tôi" - đơn kiến nghị nêu rõ.
Cần xem xét lại cơ sở pháp lý
Về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Duy Tiền – Văn phòng Luậtsư Lê Nguyễn, Chi nhánh Đà Nẵng cho rằng: Về pháp lý, trách nhiệm của BS Lương trong việc dẫn đến cái chết của 8 bệnh nhân chạy thận tại BVĐK tỉnh Hòa Bình sẽ được cơ quan chức năng điều tra, làm rõ trên nguyên tắc "mọi hành vi phạm tội - nếu có, phải được phát hiện kịp thời và xử lý nhanh chóng, công minh theo đúng quy định của pháp luật".
Tuy nhiên, như thông tin báo chí đã phản ánh, việc khởi tố BS Lương nhất thiết phải được xem xét một cách thận trọng, việc khởi tố bị can phải dựa trên chứng cứ khoa học và đặc biệt chú trọng đến quy trình khám chữa bệnh mà Bộ Y tế đã ban hành. Theo quy chế khám chữa bệnh, các BS sẽ chịu trách nhiệm đối với y lệnh của mình.
Vì vậy, trường hợp chất lượng thiết bị, vật tư y tế, thuốc chữa bệnh... đã được bệnh viện tiếp nhận bằng các giao dịch hợp pháp mà gây nên thiệt hại nhưng không liên quan hay phát sinh trực tiếp từ y lệnh của bác sĩ thì không thể quy kết trách nhiệm cho bác sĩ mà cần xem xét ai là người có nghĩa vụ đảm bảo chất lượng cho các thiết bị, vật tư đó trước khi đưa vào vận hành.
Do đó, trong vụ việc này cần làm rõ: Bác sĩ Lương có phải là người có chuyên môn và được giao phụ trách việc đảm bảo máy móc, nguồn nước chạy thận hay không? Ai là người có nghĩa vụ phải đảm bảo trang thiết bị, nguồn nước đáp ứng đủ các tiêu chuẩn đưa vào chữa bệnh?
Trách nhiệm của Bệnh viện và đơn vị cung cấp dịch vụ trong trường hợp này? Việc có hay không có biên bản bàn giao có ảnh hưởng đến quy trình, chất lượng nguồn nước chạy thận trước và sau khi bàn giao hay không?... để có kết luận chính xác.
“Tóm lại, việc cơ quan điều tra chỉ dựa vào việc BS Lương ký giấy đề xuất sửa chữa hệ thống lọc nước và đưa vào vận hành khi chưa có biên bản bàn giao là chưa đầy đủ cơ sở pháp lý, không thuyết phục và tác động xấu đến tâm lý các y, bác sĩ, nhất thiết phải được điều tra bổ sung để đảm bảo đúng luật, đúng quy trình khám chữa bệnh để tránh oan sai và tạo niềm tin cho những y, bác sĩ đang công tác”, Luật sư Tiền chia sẻ.
Theo Phạm Văn/Phapluatplus