Mỗi lần chạy thận đều bất an
Khoảng 1 tuần nay, “xóm chạy thận” Lê Thanh Nghị (Hai Bà Trưng, Hà Nội), lúc nào cũng bàn tán xôn xao câu chuyện 8 bệnh nhân tử vong khi đang chạy thận ở BVĐK tỉnh Hòa Bình. Họ tỏ ra bất an, lo lắng vì bản thân hàng ngày đều phải đi chạy thận nhân tạo.
Bà Đinh Thị Bắc (71 tuổi, Quảng Ninh) có thâm niên chạy thận 10 năm tại Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ: “Chúng tôi sốc lắm, không nghĩ một bệnh viện tuyến tỉnh lại để xảy ra sự cố y khoa nghiêm trọng như thế này. Việc cùng một lúc khiến 8 bệnh nhân tử vong, trách nhiệm của bệnh viện rất lớn”.
|
Xóm chạy thận bất an sau vụ tai biến chạy thận ở Hòa Bình. |
Bà Bắc cho biết bà chạy thận từ đầu năm 2007. Trong quá trình chạy, bà gặp không ít sự cố như đau tim, đầu buốt, khó thở, buồn nôn, tụt huyết áp, thậm chí, cách đây không lâu bà từng chết lâm sàng do quả lọc không quay vòng.
“Khi bắt đầu lọc thận, tôi thấy tim mình đau quặn lại rồi lịm đi, không biết gì nữa, khoảng 10 phút mới hồi lại. Các y bác sĩ nói quả lọc của tôi chưa quay vòng nên xảy ra hiện tượng như vậy. Từ sự cố đó nghĩ đến chuyện 8 người chạy thận ở Hòa Bình tử vong, tôi thấy rùng mình, bất an”, bà Bắc trải lòng.
|
Xóm chạy thận ở Lê Thanh Nghị ở Hà Nội xôn xao trước việc các bệnh nhân chạy thận ở Hòa Bình tử vong. Ảnh C.N |
Ông Nhữ Đình Mây (60 tuổi, Thanh Hóa), người có thâm niên chạy thận gần 20 năm chia sẻ, các bệnh nhân chạy thận ở xóm 121 Lê Thanh Nghị đều là những người nghèo đến từ khắp nơi. Mỗi tuần 3 lần họ phải tiến hành lọc máu ở khoa Thận nhân tạo tại một số bệnh viện lớn trên địa bàn Hà Nội. Khi vụ tai biến chạy thận ở Hòa Bình xảy ra, ai nấy cũng đều hoang mang.
“Lúc nghe tin các bệnh nhân đang chạy thận ở Hòa Bình tử vong, chúng tôi sốc lắm vì bản thân mình hàng ngày cũng đang phải đi lọc thận. Người bệnh như chúng tôi như “cá nằm trên thớt” rồi, tất cả phụ thuộc vào y bác sĩ thôi”, ông Mây nói.
Muốn chạy thận an toàn phải đóng thêm tiền
Suốt hơn 15 năm chạy thận, ông Mây nhớ có nhiều trường hợp bệnh nhân không qua khỏi do tai biến. Với những bệnh nhân tuổi cao như ông thì cần phải đo huyết áp trước khi bắt đầu và ngay sau khi chạy thận xong.
Theo ông Mây, trong hệ thống chạy thận nhân tạo, nước là một trong hai nhân tố quan trọng nhất, nước để chạy thận buộc phải là nước siêu tinh khiết. Do thận hư không còn khả năng lọc các tạp chất, vi khuẩn xâm nhập vào máu từ nước truyền nên rất dễ có những rủi ro bất ngờ. “Từ những điều đó nên tôi nghĩ nguồn nước là nguyên nhân gây nên sự việc đáng tiếc vừa qua", ông Mây cho hay.
Nhiều năm chạy thận nhân tạo, ông Nguyễn Văn Kiên - một bệnh nhân - bộc bạch, các bệnh viện đều phải đầu tư hệ thống lọc nước đạt tiêu chuẩn. Ở nước ngoài, khi chạy thận xong, người ta sẽ bỏ quả lọc đi, thay mới nhưng ở Việt Nam thì... tái sử dụng.
“Một số bệnh viện trên địa bàn Hà Nội quy định 1 quả lọc chạy 6 lần nhưng có nơi dùng đến 9 lần, thậm chí 12 lần. Nếu ai muốn đảm bảo an toàn cho bản thân thì phải đóng 70.000 đồng cho mỗi lần lọc”, ông Kiên hồi tưởng lại trong những lần đi chạy thận nhân tạo.
Bên cạnh đó, một số bệnh nhân sống trong “xóm chạy thận” cho rằng, quy chuẩn lọc máu là 4 tiếng đồng hồ nhưng có nhiều cơ sở chỉ chạy 3 tiếng hoặc 3 tiếng rưỡi. Theo họ điều này rất nguy hại đến sức khỏe người bệnh.
“Không đủ thời gian lọc máu đồng nghĩa với việc chất cặn bã trong máu chưa được lọc sạch, tích tụ lại. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Mỗi lần lọc xong, ai nấy cũng mệt mỏi, không đủ sức để kiếm tiền chạy thận”, một bệnh nhân nói.
Được biết, mỗi tháng, người bệnh ở “xóm chạy thận” chi tiêu hết khoảng 3-4 triệu cả ăn uống lẫn tiền thuốc. Ngoài những lúc chịu những mũi kim đau đớn bên máy chạy thận trong bệnh viện, họ đều phải kiếm tiền trang trải cuộc sống; có người bán bánh rán, bán hoa quả ở cổng viện, có người hành nghề đánh giày, nhặt rác để mưu sinh. Cuộc sống khổ cực trăm bề!
Theo Cường Ngô/Lao Động