Năm học 2024-2025 là năm thứ 3 các trường THPT thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Học sinh học 8 môn bắt buộc và chọn nhóm tổ hợp theo năng lực, định hướng nghề nghiệp.
Trong đó, 8 môn bắt buộc bao gồm: Ngữ văn; Toán; Tiếng Anh; Lịch sử; Giáo dục thể chất; Giáo dục quốc phòng và an ninh; Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; Nội dung giáo dục của địa phương.
Ngoài các môn bắt buộc, các em sẽ được lựa chọn 4 môn trong 9 môn học bao gồm: Địa lý; Giáo dục kinh tế và pháp luật; Vật lý; Hóa học; Sinh học; Công nghệ; Tin học; Âm nhạc; Mỹ thuật.
Việc không bắt buộc học tất cả các môn học trong chương trình giúp giảm áp lực cho học sinh. Tuy nhiên, để chọn được tổ hợp môn học phù hợp xuyên suốt trong 3 năm và phù hợp với xét tuyển đại học trong tương lai không phải là vấn đề dễ dàng với nhiều học sinh chuẩn bị vào lớp 10.
Nếu lựa chọn những môn học phù hợp sẽ giúp cho học sinh phát huy được thế mạnh của mình. Ngược lại, nếu đã lựa chọn, nhưng sau này khả năng không theo được hoặc vì một lý do nào khác mà bắt buộc phải chuyển tổ hợp thì sẽ rất phức tạp.
Ảnh minh họa. Nguồn vneconomy.vn
Nhiều gia đình có con năm nay bước vào lớp 10 còn gặp khó khăn, lo lắng vì chưa hiểu hết các tổ hợp để định hướng cho con. Trong khi nhiều học sinh lớp 10 chưa nhận thức được thế mạnh bản thân và định hướng ngành nghề cần thi.
Chị Nguyễn Thị Nhung, phụ huynh có con vừa trúng tuyển Trường THPT Thạch Bàn (Long Biên, Hà Nội) cho biết, năm nay con chị bắt đầu vào lớp 10 và gia đình thấy cần phải định hướng cho con về việc lựa chọn tổ hợp môn học. Ban đầu chị rất hoang mang, nhưng sau khi tìm hiểu và được sự tư vấn của nhà trường, con đã lựa chọn được tổ hợp phù hợp với nhu cầu xã hội và sở thích của con. Và nay con cùng gia đình đã quyết định chọn tổ hợp xã hội với các môn học: địa lý, giáo dục Kinh tế và pháp luật, vật lý và công nghệ.
Còn chị Hoàng Thị Thủy, phụ huynh có con đỗ lớp 10 Trường THPT Nguyễn Gia Thiều (Gia Lâm, Hà Nội) cho biết, khi bắt đầu thực hiện đăng ký lựa chọn tổ hợp môn cho cấp THPT, vợ chồng chị và con rất lúng túng không biết nên chọn tổ hợp nào cho hợp lý. Chị phải gọi điện cho bạn bè có con học lớp 10 năm trước để chia sẻ kinh nghiệm. Bên cạnh đó, gia đình cũng phân tích, trao đổi với con và tham khảo thông tin trên các diễn đàn, nhờ giáo viên tư vấn... Cuối cùng, con cũng đã chọn được tổ hợp môn khoa học tự nhiên phù hợp với thế mạnh của con.
Không chỉ chị Nhung, chị Thủy mà hầu như các phụ huynh khá lúng túng không biết nên chọn tổ hợp nào cho phù hợp với sở trường, đam mê cũng như định hướng nghề nghiệp trong tương lai của con. Chưa kể, trong tất cả các tổ hợp đều có môn các con thích và không thích nên phụ huynh, học sinh cần phải cân não mới đưa ra được lựa chọn phù hợp.
Các tổ hợp môn học sẽ ảnh hưởng đến định hướng lựa chọn nghề nghiệp sau này của các em. Theo đó, môn tự chọn phải phù hợp với công việc học sinh sẽ làm trong tương lai, không phải chọn một cách tùy tiện. Bởi nếu chọn sai sẽ khó sửa.
Mặc dù còn nhiều khó khăn, lúng túng khi chọn tổ hợp môn học vào lớp 10, nhưng học sinh cũng có nhiều thuận lợi. Nhiều phụ huynh ủng hộ việc phân ban để học sinh không phân tán với những môn học không phải thế mạnh. Bên cạnh đó, cũng có phụ huynh cho rằng, nếu các con được học tất cả các môn thì sẽ có nhiều sự lựa chọn và định hướng hơn.
Theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, trong trường hợp đặc biệt, học sinh có nguyện vọng muốn chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập, hiệu trưởng sẽ xem xét quyết định và báo cáo Sở GD&ĐT. Như vậy, nếu chọn sai, học sinh vẫn được chọn lại tổ hợp môn. Nhà trường sẽ bố trí thời gian hè để học sinh học bổ sung những môn chưa được học ở lớp 10. Tuy nhiên, không phải học sinh, phụ huynh muốn chuyển đổi tổ hợp lúc nào thì nhà trường cũng có thể đáp ứng.
>>>
Mời quý độc giả xem video: "Thí sinh Hà Nội" đánh giá về đề thi tổ hợp môn KHTN, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023:
Bình Nguyên