Mức phí “khủng” đặt cọc giữ chỗ
Không ít phụ huynh ở Hà Nội bày tỏ băn khoăn, vì sao năm nào học sinh cũng phải hồi hộp chờ phương án tuyển sinh lớp 10 trong khi số lượng học sinh dự thi đông, áp lực kỳ thi căng thẳng.
|
Hằng năm, học sinh, phụ huynh Hà Nội áp lực “săn” suất học lớp 10. ảnh: Hoàng Mạnh Thắng
|
Thời điểm này, hàng chục địa phương đã công bố phương án tuyển sinh lớp 10 để học sinh, các nhà trường chuẩn bị phương án ôn luyện. Trong khi đó, Sở GD&ĐT Hà Nội vẫn chưa chốt phương án thi ba hay bốn bài thi. Tuy nhiên, sở này đang xây dựng phương án tuyển sinh đầu cấp, trong đó có việc tổ chức kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2024-2025 trình UBND TP phê duyệt.
Trước đó, Hà Nội dự kiến sẽ tổ chức kỳ thi với 4 môn thi, trong đó 3 môn gồm: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ đã được “chốt”, môn thi thứ tư sẽ công bố sau. Tuy nhiên, từng năm học, Sở GD&ĐT Hà Nội lại căn cứ tình hình thực tế dạy học, thậm chí khảo sát ý kiến của giáo viên, quản lý giáo dục để xây dựng phương án tuyển sinh.
Chị Trần Thị Dung, có con học lớp 9 một trường tại quận Thanh Xuân cho biết, con học khá tốt nhưng cả nhà vẫn lo lắng vì sợ trượt suất học trường công.
Cũng theo chị Dung, cơ quan quản lý giáo dục nên có phương án tuyển sinh dài hơi, không nên để thí sinh, phụ huynh hồi hộp chờ đợi từng năm. Thậm chí, sát kỳ thi, học sinh vẫn chưa biết sẽ thi môn nào gây áp lực tâm lý không cần thiết. Sáng qua, chị vừa nộp hồ sơ và lệ phí xét tuyển, nếu trúng tuyển con sẽ phải đặt cọc giữ chỗ một trường THPT ngoài công lập với mức phí 15 triệu đồng. Nếu không học sẽ mất 15 triệu nhưng đành phải chấp nhận, nếu chậm ít hôm nữa sẽ khó mà ghi danh.
Tương tự, chị Nguyễn Thị Phương, có con học lớp 9 THCS Trưng Vương, quận Hoàn Kiếm cũng thở phào nhẹ nhõm sau khi hoàn thành việc đặt cọc suất học ở một trường tư thục. “Học sinh thi đông, tỉ lệ đỗ thấp, năng lực con chỉ ở mức trung bình khá. Sau 2 tháng lọ mọ nhiều nơi tìm hiểu trường học, mình quyết định chốt cọc 1 chỗ để giảm áp lực cho con, cho cả chính mình”, chị Dung nói.
Hằng năm, các trường THPT công lập tuyển sinh lớp 10 căn cứ kết quả kỳ thi chung của Sở GD&ĐT tổ chức. Riêng các trường ngoài công lập và trường công lập tự chủ có thể chủ động xây dựng phương thức tuyển sinh như: lấy điểm của kỳ thi chung, xét học bạ, kết hợp cả hai hình thức để tuyển sinh. Chỉ tiêu tuyển sinh hằng năm do Sở GD&ĐT phê duyệt.
Tuy nhiên, nhiều trường THPT ngoài công lập hiện nay yêu cầu ngoài khoản phí mua hồ sơ, phụ huynh phải nộp thêm mức phí (phí đặt cọc giữ chỗ) quá cao, khiến phụ huynh kêu trời. Tuy nhiên, nếu không ghi danh, đặt chỗ, chờ đến khi Hà Nội tổ chức kỳ thi, công bố kết quả, các trường tuyển sinh sớm đã chốt hồ sơ, phụ huynh khó có cơ hội chen chân.
Thời điểm này, nhiều trường đã công bố phương án tuyển sinh và mở cửa cho phụ huynh nộp hồ sơ, đặt chỗ. Trong đó, trường có mức phí đặt cọc, giữ chỗ (khi học sinh đã trúng tuyển) cao nhất đến thời điểm này là Trường phổ thông liên cấp Archimedes Academ cơ sở Đông Anh (23 triệu đồng) trong khi học phí trường này là 8 triệu đồng/ tháng/học sinh; Trường Hà Nội Academy (Tây Hồ) có mức phí giữ chỗ là 20 triệu đồng, học phí 15 triệu đồng/tháng/học sinh; Trường THCS - THPT Lương Thế Vinh có mức phí giữ chỗ 15 triệu đồng; Trường THPT Lý Thái Tổ phí giữ chỗ 11 triệu đồng; Lê Quý Đôn phí giữ chỗ 3 triệu đồng; Trường Đoàn Thị Điểm 2 triệu đồng…
Không học sẽ mất “cọc”
Điều đáng nói, nhiều trường THPT ngoài công lập thông báo ngay từ đầu, nếu không học, phụ huynh sẽ mất khoản cọc. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh vẫn “cắn răng”, mở hầu bao để mua sự yên tâm. “Nếu con đỗ trường công lập, coi như mất khoản cọc. Nếu không đỗ, yên tâm đã có chỗ học. Biết là có thể mất một khoản tiền không nhỏ nhưng đành phải chịu”, một phụ huynh có con học lớp 9 ở quận Hoàng Mai (Hà Nội) nói.
Phí giữ chỗ không có trong quy định của ngành giáo dục và đào tạo tuy nhiên nhiều năm qua, các trường ngoài công lập vẫn duy trì khoản thu này. Đại diện một trường THCS - THPT ngoài công lập lí giải, sở dĩ nhà trường phải đưa ra mức phí giữ chỗ cao nhằm giảm bớt lượng hồ sơ ảo. “Rõ ràng, nhà trường đã thông báo từ đầu để phụ huynh cân nhắc thật kỹ. Khoản phí giữ chỗ cũng sẽ được trừ trong năm khi học sinh nhập học”, vị này nói.
Hằng năm số lượng học sinh tốt nghiệp THCS và dự tuyển vào lớp 10 THPT công lập tại Hà Nội tăng nhanh. Dự kiến năm học 2024 - 2025, Hà Nội có gần 135.000 học sinh tốt nghiệp THCS và thi tuyển vào lớp 10, tăng 5.732 học sinh so với năm trước. Toàn thành phố hiện có 237 trường THPT, trong đó có 121 trường THPT công lập, hơn 100 trường THPT ngoài công lập. Tỉ lệ học sinh có suất học ở trường công lập hằng năm chỉ chiếm từ 60-62% nên kỳ thi năm nào cũng trở nên cam go đối với học sinh, phụ huynh.
Theo Hà Linh/Tiền Phong