Mới đây, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã ban hành Công văn số 45/TANDTC-PC hướng dẫn cách xác định tội danh liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định của Bộ Luật hình sự 2015.
Theo công văn, người đã được thông báo mắc bệnh; người nghi ngờ mắc bệnh hoặc trở về từ vùng có dịch bệnh COVID-19 đã được thông báo cách ly thực hiện một trong các hành vi lây truyền dịch bệnh COVID-19 cho người khác thì bị coi là trường hợp thực hiện “hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người” quy định tại điểm c khoản 1 Điều 240 BLHS và bị xử lý về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người.
Các hành vi gồm trốn khỏi nơi cách ly; không tuân thủ quy định về cách ly; từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly; không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối.
Ca nhiễm 17,34,100 và 178 có dấu hiệu phạm tội?
Chiếu theo hướng dẫn trên, hiện có 4 ca nhiễm gồm 17, 34, 100 và 178 có dấu hiệu về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người khi có hành vi không tuân thủ quy định về cách ly; không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối. Trong thời gian qua, cả 4 ca nhiễm trên khiến dư luận vô cùng bức xúc.
Cụ thể ca nhiễm 17 Nguyễn Hồng Nhung từng du lịch ở Anh và Ý, có qua Pháp, về nước ngày 2/3, đã vào viện ngày 5/3, được xác nhận dương tính COVID-19 vào tối 6/3.
Nữ bệnh nhân khai báo gian dối, thiếu trung thực, che giấu thông tin về tình hình bệnh tình, lịch trình di chuyển qua vùng dịch khi nhập cảnh nên không được cách ly kịp thời và được cho là nguyên nhân lây lan nhiều người khác trên chuyến bay VN0054 và người thân của nữ bệnh nhân này. Ngoài ra, hành vi này khiến cả khu vực phường Trúc Bạch (quận Ba Đình, Hà Nội) phải cách ly 14 ngày.
|
Ảnh minh họa. |
Bệnh nhân số 34, một nữ doanh nhân từ Bình Thuận đã trở thành ca lây nhiễm nhiều nhất tại Việt Nam với 10 trường hợp có liên quan xét nghiệm dương tính (gồm 8 người ở Bình Thuận và 2 người ở TPHCM). Đáng chú ý, nữ bệnh nhân đã khai báo gian dối, nhỏ giọt khi khai xuống sân bay Tân Sơn Nhất đã đi thẳng về nhà riêng.
Tuy nhiên, thực tế bệnh nhân này đã ở lại TP.HCM để giao lưu với đối tác, thậm chí còn đi đến nhiều nơi ở Phan Thiết ăn uống. Hậu quả khiến nhiều người bị lây nhiễm, hàng trăm người phải cách ly, theo dõi.
Bệnh nhân thứ 100 cũng khiến nhiều người bức xúc khi đã có hành vi trốn cách ly khi từ vùng dịch Malaysia về, cơ quan chức năng hướng dẫn tự cách ly theo dõi Covid-19 tại nhà.
Tuy nhiên, ca nhiễm 100 vẫn cố tình bỏ đi lễ 5 lần/ngày tại một Thánh đường Hồi giáo ở quận 8, TP.HCM, gây ảnh hưởng đến nhiều người, làm gia tăng nguy cơ phát tán dịch COVID-19.
Mới đây, Thủ tướng đã đồng ý việc Bộ Y tế, Bộ Công an phối hợp xử lý bệnh nhân 178 do khai báo vòng vo, thiếu trung thực để răn đe giáo dục. Dù làm tại nhà ăn BV Bạch Mai, biết mình có triệu chứng ho, sốt, đau người, nhưng vẫn giấu nhẹm việc mình từ ổ dịch Bạch Mai về mà khai báo chỉ ở nhà, không đi đâu. Việc khai báo gian dối đã khiến các bác sĩ Bệnh viện huyện Đại Từ không biết để phân luồng, cách ly ngay, đã khiến 20 người gồm 8 bệnh nhân và 12 cán bộ BV Đại Từ phải cách ly.
Có thể xử lý hình sự?
Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, hành vi của các bệnh nhân 17, 34, 100 và 178 như trên đã bị dư luận xã hội phản ứng dữ dội, lên án và yêu cầu xử lý nghiêm minh.
Cơ quan chức năng sẽ xác minh làm rõ hành vi của các trường hợp trên. Từ đó sẽ có căn cứ để xem xét xác định trách nhiệm pháp lý là xử phạt hành chính hay truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo quy định của pháp luật thì những người tiếp xúc với người mắc bệnh, những người đi qua vùng dịch và những người có biểu hiện của bệnh lý như ho, sốt, khó thở là những trường hợp bắt buộc phải cách ly.
Đối với các trường hợp trên, khi xem xét trách nhiệm pháp lý, sự nhận thức chủ quan của các bệnh nhân và hậu quả xảy ra là yếu tố quan trọng để quyết định đến việc có bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay không.
Nếu các bệnh nhân trên nhận thức được mình thuộc một trong các trường hợp phải cách ly y tế nhưng cố tình giấu diếm thông tin về lịch trình di chuyển, khai báo không trung thực bệnh lý của mình để trốn tránh cách ly, không tuân thủ quy định cách ly thì sẽ bị xử phạt theo quy định tại khoản 3, điều 10, Nghị định 176/2013/NĐ-CP của Chính Phủ với mức xử phạt từ 5 đến 10 triệu đồng.
Trường hợp cơ quan điều tra có căn cứ chứng minh được lỗi cố ý gián tiếp (nhận thức được việc khai báo gian dối của mình là vi phạm pháp luật, nhận thức được rằng bản thân mình đang mắc bệnh hoặc có nguy cơ mắc bệnh, cố ý thực hiện hành vi vi phạm pháp luật là khai báo gian dối, trốn tránh cách ly, bỏ mặc hậu quả dịch bệnh lây lan có thể xảy ra và hậu quả cuối cùng dịch bệnh đã xảy ra, làm lây lan dịch bệnh ra người khác), đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự cô gái này theo quy định tại khoản 1, điều 240 BLHS 2015 về Tội làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm truyền nhiễm cho người.
Với quy định tại điều 240 BLHS, người vi phạm sẽ phải đối mặt với hình phạt là phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm tù.
Tuy nhiên, trường hợp cơ quan chức năng không chứng minh được lỗi cố ý của các bệnh nhân (các bệnh nhân trên không nhận thức được hành vi của mình là vi phạm pháp luật, không cố ý thực hiện hành vi vi phạm pháp luật để bỏ mặc hậu quả việc lây lan dịch bệnh có thể xảy ra) thì không có cơ sở để xem xét trách nhiệm pháp lý.
Về nguyên tắc, trách nhiệm pháp lý chỉ đặt ra khi có hành vi vi phạm pháp luật, trong đó hành vi vi phạm pháp luật thì đòi hỏi phải có yếu tố lỗi của người vi phạm. Đó là vấn đề nhận thức được hành vi của mình là vi phạm pháp luật nhưng vẫn cố ý thực hiện hành vi. Do vậy, cơ quan chức năng phải vào cuộc xác minh làm rõ và có kết luận làm cơ sở giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật.
|
Luật sư Đặng Văn Cường. |
Cơ sở để xử lý hình sự tội phạm liên quan phòng, chống COVID-19
Luật sư Cường cho biết, ngày 30/3, Hội đồng thẩm phán tòa án nhân dân tối cao đã có Văn bản số 45/TANDTC-PC hướng dẫn về một số tội danh trong Bộ luật hình sự, trong đó có tội làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm truyền nhiễm cho người.
Theo đó, văn bản này quy định: “Hành vi khác làm lây lan dịch bệnh” theo điều 240 Bộ luật hình sự là: Người đã được thông báo về mắc bệnh, người nghi ngờ mắc bệnh hoặc trở về từ vùng dịch covid-19 đã được thông báo cách ly, thực hiện một trong các hành vi sau đây làm lây truyền bệnh dịch cho người khác: Trốn khỏi nơi cách ly; không tuân thủ quy định về cách ly; từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly; hoặc không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc gian dối.
Như vậy, các trường hợp vi phạm quy định về cách ly có thể căn cứ vào hướng dẫn này của Hội đồng thẩm phán tòa án nhân dân tối cao để truy cứu trách nhiệm hình sự.
Luật sư Đặng Văn Cường đánh giá, văn bản này rất thiết thực, kịp thời phục vụ cho việc áp dụng triệt để, chính xác hơn các chế tài của pháp luật đối với các hành vi vi phạm trong việc phòng và chống bệnh dịch chuyển diễm đang có xu hướng gia tăng hiện nay.
Đồng thời, có tính chất bổ trợ quan trọng cho việc áp dụng các chế tài của pháp luật hình sự, làm cơ sở pháp lý trong việc đấu tranh phòng và chống dịch bệnh, xử lý đối với các hành vi coi thường tính mạng, sức khỏe của người khác, không tuân thủ các quy định để đảm bảo an toàn công cộng, an toàn cho người khác.
“Văn bản trên đã khơi thông chế tài hình sự để xử lý với hành vi trốn tránh, cản trở hoạt động phòng chống dịch COVID-19”, luật sư Cường đánh giá.
Thực tế thời gian qua, trong tình trạng dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp nhiều hành vi vi phạm pháp luật có dấu hiệu hình sự như trốn tránh cách ly, khai báo gian dối, không chấp hành mệnh lệnh yêu cầu của cơ quan phòng chống dịch bệnh... làm lây lan dịch bệnh và cộng đồng.
Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa xử lý hình sự được trường hợp nào, bởi nhiều nguyên nhân, trong đó có phần là do thiếu văn bản hướng dẫn Bộ luật hình sự năm 2015. Cơ quan tố tụng ở nhiều địa phương còn e ngại trong việc áp dụng chế tài hình sự.
Bởi vậy, văn bản hướng dẫn của Hội đồng thẩm phán tòa án nhân dân tối cao rất kịp thời làm cơ sở pháp lý quan trọng để chính quyền địa phương siết chặt hơn nữa công tác phòng chống dịch, đồng thời cơ quan tố tụng có căn cứ pháp lý để xem xét trách nhiệm hình sự đối với một số cá nhân có liên quan.
Văn bản này cần phải được công khai, phổ biến kịp thời rộng rãi trong nhân dân và các cơ quan chức năng để người dân nhận thức được trách nhiệm, nghĩa vụ của mình, nhận thức được hành vi nào vi phạm quy định về phòng chống dịch bệnh đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội danh có liên quan.
Khi nhận thức được hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì nhiều công dân sẽ tự nguyện chấp hành, công tác phòng chống dịch bệnh được thực hiện tốt hơn trong thời gian tới.
Khi văn bản này được ban hành và đã đi vào đời sống xã hội, các cơ quan chức năng sẽ có căn cứ để xử lý nghiêm minh các hành vi chống đối, cản trở, trốn tránh cách ly, tụ tập đông người, không chấp hành quy định về phòng chống dịch bệnh để chung tay đẩy lùi dịch bệnh.
>>> Mời độc giả xem thêm video Các nước phạt nặng hành vi gian dối trong khai báo y tế
Tâm Đức