Kêu gọi hỗ trợ suất ăn, chỗ nghỉ cho y, bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai

Google News

"Lo cho thầy thuốc lúc này không chỉ là nghĩa tình, mà còn là trách nhiệm”, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nói.

Sau khi nhà ăn của Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) đóng cửa vì một số nhân viên làm việc ở đây mắc COVID-19, các thầy thuốc, cũng như bệnh nhân, hiện sử dụng thức ăn do công ty suất ăn hàng không cung cấp.
Trước thực trạng đó, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã đề nghị Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch kêu gọi đơn vị tình nguyện trong số các khách sạn, nhà hàng của ngành du lịch, tổ chức bữa ăn nóng cho thầy thuốc và bệnh nhân của Bệnh viện Bạch Mai.
“Lúc này, các thầy thuốc cần được cung cấp những bữa ăn ngon, đủ dinh dưỡng để họ có thể tái tạo năng lượng chữa trị và chăm sóc người bệnh tốt nhất. Lo cho thầy thuốc lúc này không chỉ là nghĩa tình, mà còn là trách nhiệm”, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nói.
 Binh chủng Hoá học phun khử trùng Bệnh viện Bạch Mai, nơi có 33 ca nhiễm SARS-CoV-2. Ảnh: Việt Linh.
Từ mô hình cung cấp suất ăn nóng và chỗ nghỉ ngơi cách ly cho thầy thuốc Bệnh viện Bạch Mai, Phó thủ tướng mong muốn ngành du lịch nhân rộng cách làm này tới các điểm nóng chống dịch của ngành y trên toàn quốc.
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 sáng 30/3, đại diện các ngành đã thảo luận và thống nhất sẽ thiết lập khu nghỉ ngơi cách ly dành cho thầy thuốc của Bệnh viện Bạch Mai tại một khách sạn của Hà Nội.
Sau ca làm việc kéo dài vài ba ngày, các thầy thuốc sẽ được xe đặc chủng đưa đến khách sạn, nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động, trước khi được đưa trở lại tiếp tục công việc trong bệnh viện. Khách sạn này sẽ tuân thủ những quy định nghiêm ngặt về cách ly y tế.
Trước đó, GS.TS Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, chia sẻ bệnh viện hiện khá khó khăn, kêu gọi Bộ Y tế, UBND thành phố Hà Nội và các ban ngành có các giải pháp hỗ trợ.
Hiện tại, 3.500 người trong bệnh viện không thể ra ngoài mua sắm đồ dùng, vật dụng cá nhân. Mọi thứ từ nhỏ nhất như bàn chải, kem đánh răng đều do bệnh viện cấp.
“Nhà ăn của bệnh viện chính là nguồn lây nhiễm, chúng tôi đã phong tỏa khu nhà ăn và cách ly toàn bộ người làm việc tại đây. Để có các bữa ăn cho nhân viên và người bệnh, chúng tôi đã liên hệ một công ty chuyên cung cấp suất ăn cho hàng không. Tuy vậy, vẫn còn nhiều hạn chế về dinh dưỡng để đảm bảo sức khỏe cho nhân viên y tế phải làm việc 24/7. Bên cạnh đó, còn các suất ăn bệnh lý cho bệnh nhân tiểu đường, bệnh nhi, bệnh nhân ăn qua sonde”, GS Tuấn nói.
Lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai cũng đề nghị được bố trí khu nghỉ ngơi dành cho thầy thuốc sau ca trực, nhất là những y, bác sĩ làm việc liên tục ở khối hồi sức, cấp cứu.
 
Bệnh viện dã chiến tại Bệnh viện Bạch Mai được xây dựng ngay trong đêm 28/3. Ảnh: BVCC. 
Ngày 20/3, Bệnh viện Bạch Mai ghi nhận 2 ca mắc đầu tiên là 2 nữ điều dưỡng của Phòng khám ngoại trú HIV - Trung tâm Bệnh nhiệt đới thuộc Bệnh viện Bạch Mai. Đây cũng là 2 nhân viên y tế đầu tiên mắc COVID-19 ở nước ta. Sau đó, một số bệnh nhân khoa Thần kinh, người nhà bệnh nhân tại bệnh viện này cũng dương tính với COVID-19.
Đến ngày 28/3, thêm 2 ca mắc là nhân viên của Công ty TNHH Trường Sinh - đơn vị cung cấp thức ăn, nước uống của bệnh viện. Đến tối 30/3, sau 10 ngày ghi nhận dịch ở Bệnh viện Bạch Mai, đơn vị này có tổng cộng 33 ca mắc, trong đó, 22 người là nhân viên công ty Trường Sinh.
Bệnh viện Bạch Mai thực hiện “nội bất xuất, ngoại bất nhập” từ ngày 28/3. Cùng ngày, quân đội đã xây bệnh viện dã chiến ngay trong Bệnh viện Bạch Mai.
Đến tối 30/3, bệnh viện đã lấy mẫu xét nghiệm của 7.264 người, trong đó, 6.650 đã có kết quả. Tất cả nhân viên y tế của Bệnh viện Bạch Mai đều âm tính với COVID-19.
Theo Zing